Ngày 21/8, Hải quân Mỹ chứng kiến vụ đâm tàu thứ tư liên tiếp kể từ đầu năm. Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain thuộc Hạm đội 7 va chạm với tàu chở dầu ở phía đông Singapore. Vụ va chạm khiến cho tàu chiến Mỹ bị móp một lỗ lớn bên mạn trái. 10 thủy thủ mất tích.
Sự cố làm nước tràn vào phòng ngủ của các thủy thủ, phòng máy và các phòng liên lạc trên khu trục hạm hiện đại bậc nhất thế giới. Hải quân Mỹ hôm 22/8 cho biết đã phát hiện một số thi thể trong các khoang ngập nước của tàu.
Vụ va chạm xảy ra chưa đầy hai tuần sau khi khu trục hạm John S. McCain tuần tra tự do gần Đá Vành Khăn, nơi Trung Quốc đang bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Cuộc tuần tra của Mỹ nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông và thể hiện uy lực của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, "hình ảnh giá trị hơn ngôn từ rất nhiều. Và hình ảnh chiếc tàu chiến trứ danh của Mỹ bị tổn thất nặng nề tác động rất lớn đến danh tiếng của nước này", giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales, Australia, bình luận.
Vụ va chạm khiến cho tàu khu trục USS John S. McCain bị móp một lỗ lớn bên mạn trái. Ảnh: wired.com. |
Danh tiếng tổn hại
Trong nhiều thập kỷ, Hải quân Mỹ được xem là biểu tượng quan trọng nhất cho sức mạnh của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương. Với các căn cứ quân sự trải từ Hàn Quốc, Nhật Bản cho tới Guam cùng một hạm đội trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại, sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở khu vực như một lời nhắc nhở về sức mạnh của cường quốc số 1 thế giới, giúp trấn an đồng minh và răn đe đối thủ trong khu vực.
Tiếng tăm đó đã bị tổn hại nghiêm trọng sau vụ va chạm của John S. McCain cũng như một loạt sự cố trước đó của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.
Hai tháng trước tai nạn của tàu USS John S. McCain, 7 thủy thủ Mỹ thiệt mạng khi tàu khu trục Fitzgerald bị một tàu hàng đâm móp ở ngoài khơi Nhật Bản. Hồi tháng 5, tuần dương hạm USS Lake Champlain (CG-57), lớp Ticonderoga đâm chìm một tàu đánh cá của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải. Cuối tháng 1, tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển USS Antietam (CG-54), lớp Ticonderoga mắc cạn trong khi thả neo tại vịnh Tokyo. Vụ tai nạn làm hỏng chân vịt, gây tràn dầu ra biển.
"Các vụ việc này làm gia tăng quan ngại về năng lực yếu kém của các lực lượng Mỹ", Richard Javad Heydarian, nhà phân tích chính trị tại Đại học De La Salle của Philippines, nhận định trên New York Times.
Theo Global Security, USS John S. McCain, trị giá khoảng 1,5 tỷ USD bao gồm cả vũ khí, được trang bị hàng loạt thiết bị điện tử hàng hải tối tân.
“Làm thế nào một tàu khu trục hiện đại được trang bị hàng loạt cảm biến, radar và thiết bị liên lạc tối tân cùng hệ thống quan sát đầy đủ lại không nhìn thấy và tránh một con quái vật nặng 30.000 tấn đang di chuyển chậm chạp với tốc độ 10 hải lý/giờ”, nhà phân tích quân sự Rick Francona đặt câu hỏi.
Vụ va chạm cũng dấy lên mối nghi ngại về hoạt động của Hạm đội 7, hạm đội lớn nhất trong Hải quân Mỹ, có đồn trú tại Yokosuka, Nhật Bản.
Hình ảnh chiếc tàu chiến trứ danh của Mỹ bị tổn thất nặng nề tác động rất lớn đến danh tiếng của nước này.
Giáo sư Carl Thayer
Nhân thể sự việc này, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng chỉ trích hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, tuyên bố trong khi Bắc Kinh đang đạt tiến bộ về việc thiết lập các quy tắc điều hướng cho tàu thuyền ở khu vực thì "Hải quân Mỹ lại trở thành một chướng ngại nguy hiểm".
"Hải quân Mỹ luôn khẳng định rằng sự hiện diện của mình giúp bảo vệ 'tự do hàng hải' ở Biển Đông, song họ đang là trở ngại ngày càng lớn đối với tàu thuyền đi lại tại các vùng biển châu Á", China Daily, tờ báo tiếng Anh của Trung Quốc, nhận định trong một bài xã luận.
"Tại sao những tai nạn như thế này này cứ xảy ra liên tục? Thái độ kiêu ngạo, thô lỗ, vô lý và ích kỷ của Hải quân Mỹ đúng là không thể thay đổi", People's Daily, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định. "Luật pháp quốc tế về tránh va chạm đã không được tuân thủ, đó là gốc rễ của những tai nạn này".
Đồng minh quan ngại
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ cam kết triển khai chính sách xoay trục châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường hiện diện quân sự và thúc đẩy tự do thương mại tại khu vực. Nhưng ngược lại, Tổng thống Trump từng tỏ dấu hiệu rằng Mỹ có thể giảm can dự ở khu vực, trong khi đặt ra thêm rào cản thương mại và muốn đồng minh phải chi trả nhiều hơn cho những tiền đồn quân sự Mỹ tại nước họ.
Sự cố ngày 21/8, diễn ra vào thời điểm Nhà Trắng đang đối mặt với sự xáo trộn nội bộ, càng khiến cho các đồng minh châu Á của Mỹ thêm hoài nghi về cam kết của Washington tại khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy với sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng lớn.
Joseph Chinyong Liow, giảng viên tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, mới đây bình luận trên Straits Times rằng Mỹ đang trở thành một "cường quốc bị phân tâm" và sự hỗn loạn ở Nhà Trắng đang "làm gián đoạn năng lực của Washington trong việc xây dựng chiến lược về quan hệ quốc tế".
"Tất nhiên hệ quả là vị trí lãnh đạo của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng", ông Liow nhận định. Chuyên gia này thừa nhận Hải quân Mỹ đã tăng cường tuần tra ở Biển Đông sau một thời gian im ắng những tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Nhưng ông cho rằng sự thất bại của chính quyền trong việc định hình một chiến lược toàn diện hơn ở khu vực đặt ra câu hỏi: "Biển Đông quan trọng với Mỹ tới mức độ nào?".
Mạn phải tàu khu trục USS Fitzgerald, phần ngay phía trước tháp điều khiển, bị hư hỏng nặng sau khi tàu va chạm với một tàu thương mại ở ngoài khơi biển Nhật Bản ngày 17/6. Ảnh: AP. |
Phản ứng với các tai nạn liên tiếp, Hải quân Mỹ đã mở cuộc điều tra diện rộng về hoạt động của Hạm đội 7, đồng thời ra lệnh ngưng tác chiến toàn cầu. Các chuyên gia lo ngại điều này có thể dẫn đến lỗ hổng lớn về phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển giữa lúc căng thẳng với Triều Tiên.
Tại Nhật Bản, các phương tiện truyền thông cũng lo lắng về khả năng bảo vệ đồng minh của Mỹ khi chứng kiến những sự cố thể hiện sự yếu kém trong vận hành của tàu chiến nước này.
Tờ báo cánh hữu Yomiuri Shimbun dẫn lời một quan chức hải quân Nhật Bản bày tỏ quan ngại về năng lực tuần tra của quân đội Mỹ trong bối cảnh căng thẳng dâng cao ở bán đảo Triều Tiên.
Tại Hàn Quốc, một số người dùng mạng xã hội nói rằng vụ va chạm gây nghi ngờ về hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ triển khai tại nước này. Một số khác nói đùa rằng kẻ thù có thể vô hiệu hoá tàu khu trục Mỹ bằng cách triển khai các tàu hàng.
Các sự cố của Hải quân Mỹ gần đây còn có thể khiến đồng minh của Washington tìm cách tự tăng cường năng lực quân sự. Đầu năm nay, chính quyền quân sự Thái Lan đã thông qua kế hoạch mua tàu ngầm Trung Quốc nhằm gia tăng sức mạnh quân sự.
Dưới chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản vốn đang tìm cách loại bỏ hạn chế về quân sự trong hiến pháp từ sau Thế chiến 2, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ.
"Về mặt tâm lý, Nhật Bản cảm thấy rằng chúng tôi vừa phải bắt kịp (Mỹ), vừa phải bù đắp cho sự thiếu hụt về năng lực ngăn chặn của Mỹ", Takashi Kawakami, giáo sư về chính trị và an ninh quốc tế tại Đại học Takushoku, Tokyo, nhận định.
"Hải quân Mỹ vẫn rất mạnh, nhưng hào quang bất khả chiến bại đã phần nào mờ đi. Uy tín của Mỹ trong khu vực bị giáng một đòn lớn", Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá.