Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto dự kiến công bố lập trường về việc xin gia nhập NATO của nước này vào ngày 12/5. Ông Niinisto được cho là nhà lãnh đạo phương Tây có mối quan hệ tốt đẹp với tổng thống Nga trước cuộc chiến ở Ukraine.
Trong khi đó, đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền ở cả hai quốc gia sẽ trình bày lập trường của họ vào cuối tuần này, AP đưa tin.
Đảng Dân chủ Xã hội Phần Lan do Thủ tướng Sanna Marin lãnh đạo có khả năng sẽ tham gia cùng các đảng khác tán thành nộp đơn gia nhập NATO.
Trong khi đó, tình hình ở Thụy Điển lại khó đoán hơn. Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển luôn cam kết trung thành với tiêu chí không liên kết, nhưng lãnh đạo đảng và Thủ tướng Magdalena Andersson nói về sự thay đổi “trước và sau ngày 24/2”.
Phe phụ nữ của đảng, do Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Annika Strandhall dẫn đầu, đã phản đối Thụy Điển gia nhập NATO.
“Chúng tôi tin rằng lợi ích tốt nhất cho chúng tôi là không liên kết quân sự”, bà Strandhall nói. "Theo truyền thống, Thụy Điển là tiếng nói mạnh mẽ cho hòa bình và giải trừ quân bị".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) tham gia họp báo với bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan (trái) và Thụy Điển tại trụ sở NATO hôm 24/1. Ảnh: AP. |
Cả Phần Lan và Thụy Điển đều không lên kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý.
Đây được coi là bước tiến triển lịch sử với cả 2 nước Bắc Âu. Thụy Điển tránh tham gia liên minh quân sự trong hơn 200 năm, trong khi Phần Lan áp dụng chế độ trung lập sau khi bị Liên Xô đánh bại trong Thế chiến II.
Cả Stockholm và Helsinki chưa từng xem xét nghiêm túc quyết định trở thành thành viên NATO cho đến khi lực lượng Nga đưa quân vào Ukraine hôm 24/2.
Thái độ dư luận cả Phần Lan và Thụy Điển đã thay đổi nhanh chóng trong năm nay. Các cuộc thăm dò cho thấy hơn 70% người Phần Lan và khoảng 50% người Thụy Điển ủng hộ gia nhập liên minh quân sự.
Nếu Phần Lan và Thụy Điển tham gia NATO, Nga sẽ bị bao vây hoàn toàn bởi các nước NATO ở biển Baltic và Bắc Cực. Điện Kremlin đã cảnh báo về "hậu quả quân sự và chính trị" nếu hai nước quyết tâm thực hiện bước đi này.
Việc kết nạp thành viên mới thường mất nhiều tháng vì cần được cả 30 nước thành viên NATO đồng tình. Tuy nhiên, một quan chức NATO tiết lộ trường hợp của Phần Lan và Thụy Điển có thể rút ngắn trong vài tuần.
Thụy Điển và Phần Lan đang tìm kiếm và nhận được đảm bảo hỗ trợ an ninh từ Mỹ và một số thành viên NATO trong thời gian nộp đơn xin gia nhập.