Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thụy Điển trung lập hay liên kết không phải mục tiêu cuối cùng

Chia sẻ với Zing, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển khẳng định việc lựa chọn vị thế trung lập hay liên kết không phải mục tiêu cuối cùng, mà là phương tiện duy trì hòa bình.

thu truong Thuy Dien tham Viet Nam anh 1

Trong cuộc phỏng vấn với Zing vào ngày 10/6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Robert Rydberg đã chia sẻ về chính sách an ninh của Thụy Điển và quyết định nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong thời gian gần đây.

Đề cập đến cuộc tranh luận về vai trò của Thụy Điển trong tiến trình hòa bình và giải trừ vũ khí hạt nhân nếu gia nhập liên minh, Thứ trưởng Robert Rydberg khẳng định Stockholm vẫn giữ vững cam kết của mình.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc để thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân. Trên thực tế, nhiều quốc gia thành viên NATO đã trở thành đối tác mạnh mẽ của Thụy Điển trong vấn đề này”, ông nói.

Trong cuộc phỏng vấn, Thứ trưởng Rydberg cũng đánh giá cao mối quan hệ “bền chặt và tốt đẹp” với Việt Nam, cũng như chỉ ra nhiều cơ hội thúc đẩy sự gắn kết giữa hai nước.

Thứ trưởng Thụy Điển: Thăm Việt Nam là điều tôi mong đợi từ lâu Chia sẻ với Zing, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg cho biết ông mong đợi chuyến thăm Việt Nam từ lâu, đồng thời đánh giá cao mối quan hệ bền chặt giữa hai nước.

"Một chuyến thăm tôi đã mong đợi từ lâu”

Chia sẻ về chuyến công tác kéo dài 3 ngày (9-11/6), thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết ông rất mong đợi chuyến thăm này và trân trọng văn hóa Việt Nam. “Đây là một chuyến thăm ngắn, nhưng cũng là chuyến thăm mà tôi đã mong đợi từ rất lâu”.

“Tôi và phái đoàn có nhiều cơ hội để trải nghiệm ẩm thực của Việt Nam, vốn là một phần trong nền văn hóa mà tôi rất trân trọng. Tôi thích rất nhiều món ăn của Việt Nam. Tôi có niềm yêu thích đặc biệt với nem, mọi món ăn có hải sản và rau quả”, ông tiết lộ.

thu truong Thuy Dien tham Viet Nam anh 2

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển trong chuyến công tác tại Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam.

Ông cũng đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp, sự hợp tác giữa hai nước. Theo ông, Việt Nam và Thụy Điển là hai quốc gia trân trọng quyền tự do của nhau, cùng tham gia vào kinh tế quốc tế và phải đối mặt với những thách thức chung, chẳng hạn chuyển đổi xanh.

“Chúng ta có một lịch sử lâu dài và bền chặt về mối quan hệ rất tốt đẹp giữa Thụy Điển và Việt Nam. Tôi nghĩ đó là cơ sở để chúng ta có những bước tiến xa hơn và tiếp tục phát triển mối quan hệ và sự hợp tác giữa hai quốc gia”, ông cho hay.

Trước đó, trả lời câu hỏi của Zing về mối quan hệ hợp tác giữa Thụy Điển và Việt Nam, ông Rydberg cũng khẳng định hai nước “có sự tôn trọng rất lớn đối với nhau”. “(Sự tôn trọng) là cơ sở cho mối quan hệ giữa hai nước. Việt Nam và Thụy Điển đều có lịch sử và truyền thống vững mạnh. Chúng ta trân trọng những điều đó khi tham gia hội nhập quốc tế”, ông nói.

Bên cạnh đó, Thụy Điển cũng là một quốc gia hàng đầu về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh (của nền kinh tế). Theo ông, việc chuyển đổi xanh mở ra cơ hội thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời đánh giá cao cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị COP 26.

“Tôi nghĩ một bài học quan trọng là công nghệ thân thiện với môi trường về lâu dài cũng rất hiệu quả về mặt kinh tế. (Các bạn) không phải hy sinh sự phát triển kinh tế, trả giá đắt thì mới có thể đạt được sự bền vững lâu dài”, ông nhận định.

Theo ông, Việt Nam có thể tìm cơ hội kinh doanh mới giúp tiết kiệm chi phí và đạt được hiệu quả cao hơn, đồng thời áp dụng công nghệ bền vững về lâu dài.

Ông cho biết Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc sử dụng năng lượng mặt trời, đồng thời có mức độ kỹ thuật số hóa tương đối cao, cũng như quan tâm đến việc học hỏi những điều mới. “Vì vậy, tôi nghĩ Việt Nam có cơ sở để sử dụng tốt các công nghệ hiện đại và bền vững”, ông đánh giá.

Gia nhập NATO không phải mục đích cuối cùng

Đề cập đến quyết định gia nhập NATO của Thụy Điển trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Rydberg cho biết: “Chúng tôi nộp đơn xin gia nhập NATO vì tin rằng điều đó là cần thiết cho an ninh của Thụy Điển”.

“Chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ từ 29/30 quốc gia thành viên - những nước nhận thấy việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập tốt cho an ninh của họ”, vị thứ trưởng cho hay.

“Tôi tin rằng điều đó cũng tốt cho an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chúng tôi cần đối thoại với họ để trả lời các câu hỏi mà họ đặt ra cho chúng tôi”, ông nói.

Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần tuyên bố sẽ không ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO, trừ khi quốc gia Bắc Âu thay đổi lập trường về các quan ngại an ninh của Ankara.

thu truong Thuy Dien tham Viet Nam anh 3

Thứ trưởng Rydberg thăm và dự tọa đàm tại Học viện Ngoại giao Việt Nam hôm 10/6. Ảnh: Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam.

Trong đó, vị thứ trưởng cho rằng một số câu hỏi có thể “bắt nguồn từ thông tin sai lệch hoặc thiếu hiểu biết về tình hình thực tế”. Vì vậy, Thụy Điển cần phải làm rõ những vấn đề đó và “đưa ra các điều kiện nhằm giải quyết những vấn đề ngoại giao quan trọng này”.

“Đôi khi chúng ta gặp trở ngại, do đó cần phải làm việc chăm chỉ, đối thoại và tìm ra cách giải quyết”, ông nhận định.

“Chúng tôi đã trình bày một chương trình cụ thể về giải trừ vũ khí hạt nhân, gọi là sáng kiến ​​Stockholm, và đang hợp tác với một nhóm lớn các quốc gia khác. Một số quốc gia tích cực nhất trong vấn đề này thực chất là thành viên của NATO, chẳng hạn Đức”, ông chia sẻ.

Do đó, vị thứ trưởng khẳng định “việc gia nhập NATO sẽ không ngăn cản chúng tôi làm việc cùng với liên minh và các đối tác khác để giải trừ vũ khí hạt nhân”.

Thụy Điển đã trải qua hơn hai thế kỷ giữ vững vị thế trung lập và không can dự vào bất kỳ xung đột vũ trang này. Do đó, sự trung lập dường như đã trở thành một “bản sắc dân tộc” đối với người dân của quốc gia Bắc Âu.

Chia sẻ với Zing về phản ứng của người dân trong nước trước quyết định gia nhập NATO, vị thứ trưởng cho biết: “Đối với người dân Thụy Điển, việc duy trì hòa bình là điều hoàn toàn cần thiết và là một ưu tiên chính trị cao. Chúng tôi phải nhấn mạnh rằng Thụy điển đã vắng bóng các xung đột quân sự trong hơn 200 năm".

Tuy nhiên, “trong những tình huống khác nhau, chúng ta cần đánh giá đâu là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu (duy trì hòa bình)”, ông nói.

“Việc ở phe trung lập hay (liên kết với) đồng minh không phải mục tiêu cuối cùng, mà là phương tiện để giành được hòa bình và đóng góp vào hòa bình. Chúng tôi tin rằng trong tình hình đang thay đổi ở châu Âu, đây là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu này”, vị thứ trưởng khẳng định.

‘Gia nhập NATO không ảnh hưởng chính sách đối ngoại của Thụy Điển’

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Robert Rydberg ngày 10/6 khẳng định Thụy Điển tăng cường phòng thủ không phải "để bắt đầu một cuộc chiến, mà nhằm gìn giữ hòa bình".

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển công tác Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg sẽ thăm Hà Nội ngày 9-11/6 để hội đàm với người đồng cấp Việt Nam và tham dự buổi tọa đàm tại Học viện Ngoại giao.

Hải Linh - Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm