Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

‘Gia nhập NATO không ảnh hưởng chính sách đối ngoại của Thụy Điển’

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Robert Rydberg ngày 10/6 khẳng định Thụy Điển tăng cường phòng thủ không phải "để bắt đầu một cuộc chiến, mà nhằm gìn giữ hòa bình".

Trả lời câu hỏi của Zing về quyết định nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg nhận định đó là điều cần thiết để bảo vệ an ninh đất nước. Ông cũng khẳng định Thụy Điển sẽ tiếp tục duy trì một chính sách đối ngoại đa phương.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì, quyết tâm duy trì một chính sách đối ngoại đa phương. Thụy Điển bám sát vào những giá trị trọng tâm và đặt niềm tin vào chủ nghĩa đa phương, cũng như việc giải quyết xung đột qua đàm phán...”, ông nhận định.

Ông cho biết thêm rằng “quyết định nộp đơn gia nhập NATO sẽ không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Thụy Điển". Nước này sẽ "tiếp tục phát triển mối quan hệ với các đối tác truyền thống như Việt Nam”.

Bên cạnh đó, phát biểu tại tọa đàm được tổ chức tại Học viện Ngoại giao Việt Nam hôm 10/6, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển cũng đánh giá cao mối quan hệ giữa hai nước trong hơn 50 năm qua. Ông khẳng định Việt Nam và Thụy Điển còn nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.

Thu truong Thuy Dien anh 1

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg trong buổi tọa đàm ngày 10/6 tại Học viện Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam.

“Vấn đề an ninh cần sự hợp tác”

Tại buổi tọa đàm với sinh viên của Học viện Ngoại giao Việt Nam, Thứ trưởng Rydberg đã chia sẻ về chính sách đối ngoại và an ninh của Stockholm. Trong đó, việc Thụy Điển nộp đơn gia nhập NATO là vấn đề dành được nhiều sự quan tâm hơn cả.

Theo thứ trưởng Rydberg, trước những mối lo ngại về an ninh hiện nay, Thụy Điển đã quyết định tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ quân sự.

Ông cho biết Stockholm đã thảo luận và quyết định nộp đơn gia nhập NATO vì “nhận thấy vấn đề an ninh cần sự hợp tác".

“Chúng tôi tin tưởng vào hợp tác quốc tế với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) từ năm 1995. Đối với chúng tôi, EU ủng hộ sự hợp tác đa phương của Liên Hợp Quốc về mặt kinh tế và chính trị”, ông phát biểu.

Bên cạnh đó, ông nhận định Liên Hợp Quốc cũng góp phần gắn kết Thụy Điển và Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ thống quốc tế dựa trên các nguyên tắc pháp luật.

Thu truong Thuy Dien anh 2

Thứ trưởng Rydberg đã chia sẻ về chính sách đối ngoại và an ninh của Stockholm trong buổi tọa đàm. Ảnh: Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam.

Đề cập đến những thay đổi về an ninh trong khu vực, ông nhận định: “An ninh Thụy Điển liên kết chặt chẽ với an ninh của Phần Lan và các nước Baltic - những quốc gia vốn đã gia nhập NATO”.

Vì vậy, nếu có một xung đột quân sự ảnh hưởng đến những quốc gia xung quanh và có thể ảnh hưởng đến Thụy Điển, “chúng tôi cần xác định làm thế nào để bảo vệ bản thân một cách hiệu quả”, ông nói thêm.

“Từ đó, chúng tôi rút ra kết luận rằng cần phải hợp tác với các đồng minh (phương Tây). Chúng tôi cần lên kế hoạch trước để phòng thủ, không phải để tham gia vào một cuộc chiến mà nhằm gìn giữ hòa bình. Đó là mục đích của việc (liên kết với một liên minh) phòng thủ”, ông kết luận.

Thứ trưởng cũng chia sẻ rằng quan điểm không phụ thuộc vào tiềm lực quân sự để phòng thủ thuộc về “một thế giới lý tưởng” và những mối lo ngại an ninh trong thời gian gần đây đã khiến Thụy Điển không còn theo đuổi điều này.

“Đó là lý do chúng tôi nhận thấy cần phải tăng cường khả năng phòng vệ. Chúng tôi cần làm việc với các đồng minh về chính sách an ninh”, ông nhận định.

“Người bạn lúc khó khăn mới là người bạn đích thực”

Một vấn đề được quan tâm khác tại buổi tọa đàm xoay quanh mối quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Thụy Điển. “Với mối quan hệ lịch sử giữa hai nước, Việt Nam là người bạn tốt và là một đối tác quan trọng của Thụy Điển trong khu vực ASEAN”, ông cho biết.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của Zing về mối quan hệ hợp tác giữa Thụy Điển và Việt Nam, ông Rydberg cũng khẳng định hai nước “có sự tôn trọng rất lớn đối với nhau”.

“(Sự tôn trọng) là cơ sở cho mối quan hệ giữa hai nước. Việt Nam và Thụy Điển đều có lịch sử và truyền thống vững mạnh. Chúng ta trân trọng những điều đó khi tham gia hội nhập quốc tế”, ông nói.

“Mối quan hệ giữa hai nước không chỉ có nền tảng kinh tế, công nghệ và chính trị vững chắc mà còn dựa trên quan điểm về các chính sách”, thứ trưởng Thụy Điển cho biết.

Thu truong Thuy Dien anh 3

Sinh viên tham dự buổi tọa đàm tại Học viện Ngoại giao Việt Nam vào chiều 10/6. Ảnh: Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam.

Cũng trong buổi tọa đàm hôm 10/6, TS Phạm Lan Dung, Quyền giám đốc Học viện Ngoại giao, chia sẻ buổi gặp gỡ là cơ hội để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm tốt đẹp về mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

“Người bạn lúc khó khăn mới là người bạn đích thực. Trong hơn 50 năm qua, Việt Nam và Thụy Điển là đối tác và bạn bè thân thiết, thậm chí trong những thời điểm khó khăn nhất”, bà nói.

Bà cũng viện dẫn những hỗ trợ của Thụy Điển dành cho Việt Nam trong nhiều thời kỳ, chẳng hạn việc Stockholm tiên phong hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn cải cách.

Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, thứ trưởng Thụy Điển chia sẻ với các bạn trẻ tại Học viện Ngoại giao về mô hình đổi mới sáng tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu của nước này.

Ông cho biết việc chuyển đổi xanh tạo ra cơ hội lớn để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh đến cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị COP26.

“Chúng tôi ngưỡng mộ khi được chứng kiến các mục tiêu dũng cảm và đầy tham vọng mà Thủ tướng của các bạn đặt ra tại hội nghị COP26, đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu và chuyển đổi kinh tế”, ông cho hay.

Theo ông Rydberg, đây là một lĩnh vực quan trọng nhưng cũng đầy khó khăn và thách thức. “Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể làm được nhiều điều cùng nhau. Chúng tôi có những ý tưởng, giải pháp, phương thức kinh doanh có thể áp dụng được ở Việt Nam”.

Phát hiện vụ tràn chất bí ẩn ở biển Baltic

Lực lượng tuần duyên Thụy Điển hôm 9/6 cho biết đã phát hiện một vụ tràn lớn chất không xác định ở khu vực biển Baltic, ngoài khơi nước này.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển công tác Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg sẽ thăm Hà Nội ngày 9-11/6 để hội đàm với người đồng cấp Việt Nam và tham dự buổi tọa đàm tại Học viện Ngoại giao.

Vân Đinh - Hải Linh

Bạn có thể quan tâm