Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc lấy phiếu tín nhiệm các bộ trưởng

Kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, trong đó có các bộ trưởng, sẽ được cho ý kiến tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chương trình dự kiến phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 10-20/9, với nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6 Quốc hội diễn ra vào cuối tháng 10.

1 ngày lấy phiếu tín nhiệm

Đáng chú ý, nửa cuối buổi sáng khai mạc phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6.

Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ dành 1 ngày để lấy phiếu tín nhiệm. Liên quan tới vấn đề này, ở phiên họp thứ 25, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị sắp xếp chương trình làm việc để Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm trước khi các bộ trưởng trả lời chất vấn, tránh sự bất lợi cho những bộ trưởng được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp này. Đây cũng là kinh nghiệm mà các nhiệm kỳ trước đã thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý: "Việc lấy phiếu tín nhiệm phải chuẩn bị thật chu đáo. Quốc hội và Chính phủ phối hợp ngay từ bây giờ, không để trục trặc, thiếu hồ sơ khi lấy phiếu".

Lay phieu tin nhiem cac Bo truong anh 1
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng lấy phiếu tín nhiệm cần chuẩn bị thật chu đáo. Ảnh: Bảo Lâm.

Theo điều 18 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 về lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh: Chủ tịch, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng, Phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Nếu từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.

Cho ý kiến về 8 dự án luật

Bên cạnh đó, phiên họp thứ 27 thảo luận về nhiều dự án luật, gồm: Một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Hành chính công; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.

Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng được cho ý kiến.

Các đại biểu thảo luận nhiều báo cáo công tác của các đơn vị thành viên Chính phủ. Cụ thể, báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Lay phieu tin nhiem cac Bo truong anh 2
Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và bổ nhiệm sẽ được thực hiện ở kỳ họp thứ 6. Ảnh: Thắng Quang.

Báo cáo công tác năm 2018 và kế hoạch kiểm toán năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước; báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội được các đại biểu xem xét, thảo luận.

Ngoài ra, phiên họp còn cho ý kiến về: Đề án và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh; đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và xử lý vướng mắc trong việc chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2017; phương án bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Nhà nước.

Đại biểu muốn sửa luật để xoáy vào 'hang ổ tham nhũng'

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt nhận định cần mở rộng đối tượng kê khai tài sản vì rất nhiều người thân của cán bộ sở hữu các dự án kim cương, có biệt phủ, xe sang...

 

Hơn 20 cán bộ nộp lại quà tặng, tổng trị giá trên 400 triệu đồng

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, có 24 trường hợp nộp lại quà tặng, tổng trị giá 421 triệu đồng. Gần 30 người đứng đầu bị xử lý do để xảy ra tham nhũng.

.



Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm