Sáng 6/9, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Các đại biểu chủ yếu cho ý kiến vào 4 vấn đề lớn là: mở rộng phạm vi điều chỉnh; cơ quan kiểm soát thu nhập tài sản; kê khai tài sản, thu nhâp, xử lý tài sản tăng thêm bất minh.
Tài sản tham nhũng ẩn mình như ma trận
Theo đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai), quy định về đối tượng kê khai là "mấu chốt" để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ. Tuy nhiên, quy định chỉ người có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ/chồng và con chưa thành niên là quá hẹp.
Điều này chưa thực sự xoáy vào "tảng băng chìm, hang ổ, tài sản tham nhũng". Người dân vẫn hoài nghi, tâm tư về tiến trình diệt "giặc nội xâm" này.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho ý kiến tại hội nghị sáng 6/9. Ảnh: Bảo Lâm. |
Đại biểu Vượt phân tích theo phản ánh của cử tri, ông/bà nội, cha/mẹ và con ruột của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập cũng phải kê khai. Bởi, nhiều tỉnh, thành, có bố, mẹ, ông, bà của cán bộ bỗng dưng hoặc sau một thời gian sở hữu nhiều dự án, tài sản chục tỷ, biệt phủ xe sang, thậm chí có những dự án kim cương.
"Có thái tử, phò mã, cậu ấm, cô chiêu dù rất trẻ vẫn có những dự án khủng, bất chấp, trơ trơ thách thức dư luận", vị đại biểu Gia Lai nhấn mạnh và dẫn chứng qua các vụ án tham nhũng đã và đang xét xử, nhiều tài sản tham nhũng được tẩu tán cho bố, mẹ người thân đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh…
Đây là một trong những nguyên nhân khiến các cơ quan tư pháp dù đã rất cố gắng, quyết liệt nhưng tỷ lệ thu hồi tiền tham nhũng vẫn thấp. Cũng theo ông, tài sản tham nhũng không tự nhiên mất đi mà chuyển từ người này sang người khác, dạng này sang dạng khác, biến hóa ẩn mình như ma trận, sân trước, sân sau, doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia nhằm hợp lý hóa, rửa tiền…
Ngoài ra, ông Vượt cũng cho rằng những cán bộ có chức, thực quyền thì mới tham nhũng được, mới có sân sau như "nuôi gà đẻ trứng vàng". Nếu dàn trải, lực lượng không đủ để giám sát và không thể đào tận gốc nạn tham nhũng.
Công khai thông tin dự án để chặn tham nhũng
Tán thành với phương án xử lý tài sản bất minh qua tòa án, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho biết ra tòa sẽ có cả một hội đồng xem xét, được tranh luận thoải mái và khi không thuyết phục được là tài sản hợp pháp thì rõ ràng phải thu.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình). Ảnh: Quochoi.vn |
Theo đại biểu Ninh Bình, điểm mạnh của phương án này thể hiện được nguyên lý là tài sản đã không giải trình được, phải tịch thu chứ không mặc cả, nhượng bộ.
Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra vấn đề công khai, minh bạch các loại thông tin để ngăn chặn tham nhũng. "Điều này dường như đã bị bỏ quên trong dự thảo luật. Nếu đề cao vai trò giám sát của báo chí, người dân, dư luận mà lại không buộc công khai thông tin thì cách nào giám sát", vị đại biểu đặt vấn đề.
Ông Bùi Văn Phương đưa dẫn chứng việc làm quy hoạch mà không công bố, "om" lại đó để chờ thời đã thành lệ lâu nay. Ông cho biết ở tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo dẫn nhà đầu tư đi xem khu vực được quy hoạch để kêu gọi đầu tư, làm khu công nghiệp, dự án, nhà đầu tư đến rất phấn khởi.
"Họ về xem lại thì cánh đồng lúa mênh mông đã có chủ hết rồi, dự án được đã giao. Lãnh đạo tỉnh còn không biết như thế thì báo chí, dư luận biết sao? Làm quy hoạch, dự án mà chỉ vài người biết với nhau rất phổ biến", ông bày tỏ.
Từ đó, đại biểu Phương đề nghị những lĩnh vực nhạy cảm lâu nay chưa thực hiện công khai thông tin như dự án đầu tư công, đấu thầu, giao đất… dễ phát sinh chuyện thoả thuận, chia chác cần được quy định cụ thể trong luật. Điều đó sẽ giúp cơ quan truyền thông, dư luận phát giác những điểm vô lý của các dự án, như vậy, ai muốn làm khuất tất cũng không thể làm được.