Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thương vụ Cech là khởi nguồn của mâu thuẫn mới ở Chelsea?

Mầm mống của những bất ổn ở sân Stamford Bridge có thể đã nảy sinh. Roman Abramovic bắt đầu can thiệp vào nội bộ Chelsea theo một cách rất khác, gián tiếp và ít ồn ào hơn.

Mùa thứ hai liên tiếp, Chelsea mất đi một công thần vào tay đối thủ. Frank Lampard từ New York City FC quay ngược trở về Man City là một thương vụ đầy phức tạp, còn vụ chuyển nhượng Petr Cech sang Arsenal thì đơn giản hơn nhiều. Arsenal đưa ra một lời đề nghị, Petr Cech thể hiện tâm nguyện muốn ở lại London, chủ tịch Abramovic gật đầu trước phản ứng dữ dội của HLV Jose Mourinho, nhưng hợp đồng giữa hai bên cuối cùng vẫn được ký kết. 

Chuyển nhượng 29/6: Arsenal chiêu mộ thành công Petr Cech

Đội chủ sân Emirates thông báo giành được chữ ký của thủ môn Petr Cech từ Chelsea theo bản hợp đồng dài hạn với mức phí không được tiết lộ.

Mourinho lắc đầu, Abramovic gật đầu, Cech quay đầu rời Chelsea.

Rõ ràng là với cá nhân HLV Arsene Wenger, thương vụ này được xem như chiến thắng đầu tay của ông trước “kẻ đại thù” bên kia chiến tuyến. Trước đó, ở cả 13 lần đối đầu trên sân cỏ, “Giáo sư” không thắng nổi “Người hạnh phúc” bất cứ một lần nào, thậm chí còn bị đối thủ gọi là “chuyên gia thất bại”. Tuy nhiên, kể từ khi số nợ xây sân Emirates được thanh toán xong, Arsenal lập tức từ bỏ chính sách “thắt lưng buộc bụng” khiến họ khốn khổ và không đủ lực cạnh tranh chức vô địch Ngoại hạng Anh trong nhiều năm liền, chuyển sang chính sách chuyển nhượng mới có tầm nhìn và rất khôn ngoan.

Mourinho nhận thức rõ mối nguy hiểm đến từ đối thủ này nên ông kiên quyết không bán Cech cho Arenal. Thế nhưng, chủ tịch Abramovic đã can thiệp và cho phép thủ thành 33 tuổi tự do lựa chọn bến đỗ mới, xem như món quà tri ân 11 năm cống hiến hết mình cho đội chủ sân Stamford Bridge.

Hồi cuối tháng 5, HLV Mourinho đã quả quyết: “Quan điểm của tôi là Cech sẽ ở lại. Quyền lợi CLB phải được đặt lên trên tất cả những thứ quyền lợi của cá nhân”. Ông cũng không quên đề cập đến một phương án khác: “Hoặc ở lại, hoặc ra đi cũng được, nhưng phải đến một đội bóng ngoài nước Anh. Tuy nhiên, nhắc lại một lần nữa rằng tôi chỉ là huấn luyện viên, nếu ban lãnh đạo có quyết định khác, tôi cũng sẽ vui vẻ chấp nhận”.

Chelsea hoàn tất vụ chuyển nhượng của Falcao

Tân vương Ngoại hạng Anh sẽ có sự phục vụ của tiền đạo người Colombia mùa tới. Còn Falcao hy vọng có thể tìm lại khả năng săn bàn trong màu áo đội chủ sân Stamford Bridge.

Abramovic từng tống cổ Mourinho một lần, không có gì đảm bảo ông sẽ không làm thế lần nữa.

Người ta thấy một sự bất mãn nào đó trong đoạn trích dẫn ở trên. Mourinho có lý do để bực bội vì ông đang không có trong tay đầy đủ quyền lực và khả năng thực thi quyền lực. Đằng sau thương vụ chuyển nhượng của Cech, Mourinho thất bại trước đối thủ Arsene Wenger và với chính BLĐ Chelsea đến hai lần. Thất bại đầu tiên là để Cech ra đi, thất bại thứ hai là Cech ở lại London và gia nhập Arsenal.

Thương vụ chuyển nhượng của Cech cũng tiết lộ cho giới quan sát nhiều điều về cuộc đấu tranh quyền lực “ngầm” và cách tiếp cận thế giới bóng đá giữa hai cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở sân Stamford Bridge – HLV Jose Mourinho và ông chủ Roman Abramovic. Ý đồ của Mourinho không hề đơn thuần là việc tối đa hóa chất lượng đội ngũ mà ông đang nắm trong tay. Ông muốn tạo áp lực lớn lên những đối thủ cạnh tranh trực tiếp theo nhiều kiểu khác nhau, nổi bật nhất là những đòn tâm lý chiến.

HLV Mourinho tiết lộ đối thủ khiến Chelsea khó thắng

Vị thuyền trưởng người Bồ Đào Nha không xem M.U, Arsenal hay Liverpool là những đối thủ khó chịu của Chelsea ở giải Ngoại hạng Anh.

Abramovic không có phương pháp tiếp cận như thế. Các quyết định của ông liên quan đến bóng đá luôn hàm chứa sự cảm tính. Ông thích dúi vào tay các HLV dưới quyền những quân bài được đem về sau lời mời chào ngọt xớt của giới đại diện cầu thủ. Bộ đôi chữ ký của mùa hè năm 2006, Michael Ballack và Andriy Shevchenko, rõ ràng là những bản hợp đồng theo ý thích của ông chủ Abramovic. Sau khi Mourinho đi và trước khi ông trở lại, việc mua ai bán ai đều là của nhà tài phiệt người Nga. Với tiền bạc và tính tình của mình, Abramovic luôn sẵn sàng bỏ ngoài tai mọi lời khuyên răn để làm theo những gì ông muốn.

Giả sử chúng ta đảo ngược vị trí và vai trò của các bên trong thương vụ này, theo đó, Arsenal sẽ ra sức giữ chân thủ môn của mình trước sự ve vãn của người hàng xóm Chelsea. Trong trường hợp giả định đó, không đời nào ông chủ Stan Kroenke bác bỏ những quyết định của HLV Arsene Wenger.

Phi vụ Cech đào tẩu sang Arsenal được xem là thất bại của Mourinho.

Những luận cứ trên chứng tỏ rằng HLV Jose Mourinho đang thực sự thiếu đi thứ quyền lực của một nhà quản lý ở đẳng cấp cao nhất. Thời đại ngày nay, quyền lực ấy quan trọng không kém chính sách đãi ngộ về tiền lương.

Abramovic đã gạt bỏ những hiềm khích trong quá khứ để mời lại Mourinho vì ngài tỉ phú cần ông. Nhưng nếu đã tống cổ Mourinho một lần, Abramovic sẽ chẳng ngại ngần làm việc ấy thêm lần nữa. Dù mang trong mình những phẩm chất của một nhà tâm lý học đại tài, Mourinho có lẽ không phải “nhà chính trị gia” xuất sắc như ông vẫn thường nghĩ. Thời còn dẫn dắt Real, khi được hỏi về khả năng từ chức, Mourinho huỵch toẹt: “Tôi quá thật thà để tiếp tục cuộc chiến mà mình đã nắm chắc phần thua”. Nhà cầm quân người Bồ quả thực dại dột đến mức công khai đối đầu với những thế lực trong phòng thay đồ ở Bernabeu. Đó là khoảng thời gian hiếm hoi mà Mourinho cảm thấy cô đơn ở những đội bóng mình dẫn dắt.

Ngay cả ở Chelsea, thực tế Mourinho không hề có nhiều đồng minh là những cậu học trò mang tầm ảnh hưởng lớn trong đội. Hồi nhiệm kỳ đầu, ông sở hữu trong tay bộ tứ Cech – Terry – Lampard – Drogba. Đây là những trụ cột của đội bóng và sẵn sàng đứng về phía Mourinho nếu có cuộc tranh chấp. Nhưng hiện tại, chỉ còn sót lại mình Terry. Trong khi đó, ngài chủ tịch có mối quan hệ rất tốt với các cầu thủ. Họ đều hiểu rằng Abramovic sẵn sàng sa thải HLV, dù cho đó là người giàu kinh nghiệm, nếu cần.

Mourinho buộc phải dấn thân vào trận chiến của riêng mình. Trong tương lai, chắc chắn sẽ còn không ít các mâu thuẫn khác xảy đến giữa hai cá tính lớn nhất của Chelsea. Và ở trường hợp xấu nhất, nếu Mourinho rời Chelsea, chắc chắn ông sẽ cho nhà tài phiệt người Nga nếm thử những bài thuốc đắng ngắt. Lần lượt hai huyền thoại Lampard và Cech đã chuyển sang thi đấu cho các đối thủ trực tiếp ở Premiere League, vậy nên không có gì khó tưởng tượng nếu người tiếp theo chính là Mourinho. “Nếu một ngày Abramovic nghĩ rằng sứ mệnh của tôi ở Chelsea đã kết thúc, tôi sẽ rời khỏi đây, nhưng vẫn muốn làm việc ở Anh”. Đấy là lời cảnh báo đanh thép đã được Mourinho phát đi.

Sau hai năm trời chung tay với Mourinho để tạo dựng bầu không khí ôn hòa ở sân Stamford Bridge, nhà tài phiệt người Nga đang có những động thái để chứng tỏ cho mọi người thấy ai mới là ông chủ thực sự của Chelsea. Một phương  pháp can thiệp mới, gián tiếp và ít ồn ào hơn.

Anh Dũng

Bạn có thể quan tâm