Hiện tại Thượng viện là cơ quan lập pháp duy nhất vẫn hoạt động tại Thái Lan sau làn sóng biểu tình chống chính phủ trong 6 tháng qua và cuộc tổng tuyển cử bất thành hồi tháng 2.
Một nhóm chuyên trách của Thượng viện Thái Lan đã tham khảo ý kiến của công chúng và giới doanh nghiệp tư nhân để tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị, Reuters đưa tin.
"Thượng viện muốn giải quyết các vấn đề của đất nước bằng cách tạo ra một Thủ tướng với quyền lực đầy đủ. Trong trường hợp cần thiết, Thượng viện sẵn sàng mở một phiên họp để bầu Thủ tướng lâm thời", ông Surachai Liengboonlertchai, Chủ tịch Thượng viện, phát biểu hôm 16/5.
Những người chống chính phủ Thái Lan tập trung bên ngoài trụ sở quốc hội ở Bangkok hôm 16/5. Ảnh: Reuters |
Song ông Surachai không kêu gọi chính phủ tạm quyền từ chức. Theo ông, người dân lo ngại rằng nếu cuộc khủng hoảng tiếp diễn, nó sẽ gây hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia.
"Nhóm chuyên trách của Thượng viện sẽ gặp chính phủ vào ngày 19/5", ông nói.
Cựu phó thủ tướng Suthep Thaugsuban, thủ lĩnh của phong trào biểu tình chống chính phủ, tỏ ra tức giận vì Thượng viện không ép chính phủ tạm quyền từ chức.
"Hành động của Thượng viên cho thấy hệ thống chính trị của chúng ta chẳng thể thực hiện bất kỳ việc gì", ông Suthep phát biểu trước những các phóng viên bên ngoài trụ sở quốc hội, nơi hàng nghìn người chống chính phủ đang cắm trại.
Vài nghìn người thuộc phe ủng hộ chính phủ đang tập trung ở các vùng ngoại ô của thủ đô Bangkok với hy vọng cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ giúp những người trung thành với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra giành lại quyền lực. Họ cảnh báo rằng bạo lực sẽ bùng nổ nếu chính phủ tạm quyền sụp đổ.