Dự luật cứu trợ được thông qua ở Thượng viện với 96 phiếu thuận và 0 phiếu chống, và tiếp theo cần phải được thông qua ở Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát.
Phiên bỏ phiếu đối với dự luật dài 880 trang, trị giá 2.200 tỷ USD - lớn nhất trong lịch sử Mỹ - khép lại nhiều ngày thương thảo khó khăn ở Washington, giữa lúc nước Mỹ đang đối mặt thách thức chưa từng có từ đại dịch, theo AP.
“Dự luật này mang tính lịch sử vì phải tương ứng với khủng hoảng lịch sử”, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đao phe Dân chủ thiểu số ở Thượng viện phát biểu.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell giơ tay vui mừng khi rời phiên họp của Thượng viện tại Điện Capitol ngày 25/3, sau khi Thượng viện đạt được thỏa thuận để chuẩn bị thông qua gói cứu trợ. Ảnh: AP. |
“Hệ thống y tế của chúng ta không đủ để điều trị tất cả bệnh nhân. Lao động của chúng ta không có việc. Doanh nghiệp của chúng ta không thể làm ăn. Xí nghiệp không vận hành. Guồng máy kinh tế Mỹ đã đình trệ”.
Vẫn chưa rõ việc thông qua ở Hạ viện có tiến hành sớm được hay không khi nhiều Hạ nghị sĩ không ở Washington thời điểm này. Các nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện cho biết họ cần xem xét toàn văn của dự luật, trước khi quyết định khi nào sẽ đưa ra bỏ phiếu, theo NBC News.
Nhưng nếu dự luật qua được Hạ viện, Tổng thống Trump “chắc chắn” sẽ ký thành luật, theo lời Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin.
Khi được hỏi dự đoán gói cứu trợ khổng lồ này - bằng một nửa ngân sách liên bang hàng năm 4.000 tỷ USD - sẽ cứu được nền kinh tế trong bao lâu, ông Mnuchin nói “chúng tôi dự tính ba tháng. Hy vọng là chúng ta không cần (tiền cứu trợ) hết ba tháng”.
Tối 25/3 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump khen ngợi dự luật tại cuộc họp báo của Nhà Trắng về dịch Covid-19.
“Tôi khuyến khích Hạ viện thông qua dự luật tối quan trọng này và gửi lên bàn làm việc của tôi, không trì hoãn thêm. Tôi sẽ ký ngay lập tức”, ông Trump phát biểu.
Trước đó, rạng sáng 25/3, sau khi hai bên đi đến đồng thuận về gói cứu trợ, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện, gọi gói cứu trợ là “khoản đầu tư vào đất nước của chúng ta như trong thời chiến”.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (đảng Dân chủ) ra thông cáo ngày 25/3 nói chung chung rằng dự luật “đã đi khá xa trong việc hỗ trợ những gì người Mỹ đang cần”, nhưng bà không nói rõ Hạ viện sẽ hành động ra sao sau khi Thượng viện thông qua.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc ngày 25/3 khi biết Thượng viện chuẩn bị thông qua gói cứu trợ. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số S&P 500 tăng 1,15%, Dow Jones tăng 2,39%. Nhưng Nasdaq lại giảm 0,45%.
Theo AP, gói cứu trợ bao gồm tiền chuyển trực tiếp cho các cá nhân và gia đình Mỹ, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, và dành ra 367 tỷ USD để các doanh nghiệp nhỏ tiếp tục trả lương các nhân viên buộc phải ở nhà.
Gói cứu trợ cũng bao gồm 500 tỷ USD tiền vay cho các công ty lớn chịu thiệt hại từ dịch bệnh, bao gồm các hãng hàng không. 50 tỷ USD được dành cho các hãng hàng không, Financial Times dẫn tuyên bố của bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện. Khoản tiền hỗ trợ lớn cho các bệnh viện dự kiến tiếp nhận làn sóng bệnh nhân Covid-19 tăng lên tới 130 tỷ USD sau các phiên thảo luận.
Sẽ có 45 tỷ USD cho việc giảm thiểu thiệt hại các địa phương, thông qua Cơ quan Ứng phó Tình trạng khẩn cấp Liên bang (FEMA), theo AP.
Các cá nhân có thu nhập dưới 75.000 USD sẽ nhận được khoản tiền 1.200 USD, còn cặp vợ chồng có tổng thu nhập dưới 150.000 USD sẽ nhận 2.400 USD - và được nhận thêm 500 USD nếu có thêm một người con.
Nếu có thu nhập cao hơn, các khoản tiền trợ cấp sẽ giảm theo thu nhập, và người độc thân thu nhập quá 99.000 USD, cặp vợ chồng thu nhập quá 198.000 USD sẽ không được nhận trợ cấp.
“Đây không phải là thời khắc để ăn mừng, mà là điều cần phải làm”, ông Schumer nói.
Dự luật cũng cấm cấp tiền giải cứu cho các công ty kiểm soát bởi Tổng thống Trump, Phó tổng thống Mike Pence, các nghị sĩ trong Quốc hội, hay các quan chức cao cấp, cũng theo thư của ông Schumer.