CNN dẫn nguồn tin Lầu Năm Góc cho biết buổi lễ ra mắt F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tổ chức tại cơ sở sản xuất của Tập đoàn Lockheed Martin ở Fort Worth, Texas.
“Lockheed Martin sẽ tổ chức bàn giao những chiếc F-35 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 21/6. Sau đó, 2 chiếc F-35 sẽ được chuyển đến căn cứ không quân Luke, Arizona”, Trung tá Mike Andrews, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói.
Phát ngôn viên Andrews cho biết thêm các phi công và nhân viên bảo trì Thổ Nhĩ Kỳ đã đến căn cứ không quân Luke để chuẩn bị thực hiện bay thử nghiệm. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thành viên tham gia quá trình phát triển chương trình tiêm kích tấn công kết hợp JSF F-35.
Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ đang tìm cách ngăn chặn bán F-35 cho Ankara, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang xấu đi. Trong đạo luật ủy quyền quốc phòng mới, Thượng viện Mỹ bày tỏ sự lo ngại về kế hoạch mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các tiêm kích F-35. Ảnh: USAF. |
Nhiều quan chức Mỹ lo lắng S-400 sẽ không tương thích với các hệ thống vũ khí của NATO và nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng nó để chống lại liên minh. Thượng viện cũng kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đệ trình lên Quốc hội kế hoạch loại chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình JSF, cùng các biện pháp để ngăn chặn Ankara tiếp nhận F-35 từ Mỹ.
Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN rằng Bộ trưởng Mattis phản đối kế hoạch cấm bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ của Thượng viện. Bộ trưởng Mattis đang vận động hành lang cùng một số quan chức trong Quốc hội để loại bỏ kế hoạch này ra khỏi phiên bản cuối cùng của dự luật.
Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật ủy quyền quốc phòng năm 2018 với đa số phiếu. Dự luật sẽ được đệ trình lên Tổng thống Donald Trump trong thời gian tới. Trước thông tin Mỹ cấm bán F-35, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối và chỉ trích dự luật của Thượng viện Mỹ.
“Chúng tôi đã tham gia chương trình F-35 từ rất sớm, bao gồm sản xuất chung linh kiện. Ankara đã trả góp đúng hạn và đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Mỹ không thể phá hủy thỏa thuận vì chúng tôi mua S-400 của Nga. Đó là một vấn đề hoàn toàn khác”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với hãng tin PBS vào đầu tháng 6.
12 quốc gia đã tham gia vào chương trình JSF F-35. 9 nước là thành viên phát triển gồm Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Italy, Hà Lan, Canada, Australia, Đan Mạch và Na Uy. Canada, Đan Mạch và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước tiếp nhận F-35 muộn nhất. Israel, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhận được F-35.