Thiếu tướng Amikam Norkin, Tư lệnh Không quân Israel (IAF), viết trên Twitter vào ngày 22/5: “Chúng tôi là những người đầu tiên trên thế giới sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning II do Mỹ sản xuất trong chiến đấu. Chúng tôi đang bay F-35 trên khắp Trung Đông và đã tấn công 2 lần trên 2 mặt trận khác nhau”.
Shlomo Brom, cựu chỉ huy IAF, nói với Business Insider rằng Syria là một trong những mặt trận đó. Sau khi lực lượng thân Iran phóng rocket vào Israel, IAF đã sử dụng F-35 trong chiến dịch không kích đáp trả quy mô lớn vào các vị trí của lực lượng thân Iran ở Syria.
Trong chiến dịch không kích này, F-35 được cho là đã phá hủy một số hệ thống phòng không của Syria do Nga sản xuất. Những hệ thống phòng không này từng bắn hạ một tiêm kích F-16 của Israel.
Hình ảnh F-35 đang nhắm mục tiêu một hệ thống phòng không của Syria do Nga sản xuất. Ảnh: IAF. |
“Những người Iran đã phóng 32 tên lửa, chúng tôi đã bắn hạ 4 tên lửa, số còn lại rơi ngoài lãnh thổ Israel. Trong chiến dịch không kích đáp trả của chúng tôi, hơn 100 tên lửa đất đối không của Syria đã bắn vào máy bay chúng tôi nhưng không trúng đích”, tướng Norkin nói về trận chiến.
Theo đại tá David Berke, cựu chỉ huy phi đội F-35 của Mỹ nói rằng F-35 là máy bay lý tưởng cho bầu trời có nhiều mối đe dọa ở Syria. Đặc biệt là tại thủ đô Damascus, một trong những thành phố được bảo vệ nghiêm ngặt nhất trên thế giới với dày đặc các hệ thống phòng không do Nga sản xuất.
Người ta không thể xác định phòng không Syria có phát hiện được và truy kích F-35 hay không, nhưng máy bay này được thiết kế để qua mặt các loại radar trinh sát. Sau đợt không kích, IAF đã phát hành video ghi lại cảnh một quả bom thông minh phá hủy hệ thống phòng không do Nga sản xuất. IAF nói rằng quả bom được phóng từ tiêm kích tàng hình F-35.
Một số chuyên gia quân sự Nga giải thích rằng hệ thống phòng không bị phá hủy có thể không ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu hoặc hết đạn. Tuy nhiên, tuyên bố của IAF cho thấy rằng F-35 đã mang lại một năng lực mới cho IAF ở Trung Đông.