Sáng 3/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là quy định dao có tính sát thương cao với trường hợp nào thì được coi là vũ khí thô sơ, phải đăng ký khai báo với cơ quan công an để quản lý; trường hợp nào được coi là công cụ lao động, sinh hoạt không phải khai báo?
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định). Ảnh: Như Ý. |
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, việc quy định dao sát thương cao là vũ khí thô sơ có thể ảnh hưởng đến người dân sử dụng dao làm công cụ phục vụ lao động, học tập, sinh hoạt.
Theo ông, dao và vật sắc nhọn đang được sử dụng đúng nhu cầu thường ngày có thể không xem là vũ khí thô sơ. Trường hợp cá nhân, tổ chức khai báo người cầm dao có nguy cơ gây thương vong cho người khác thì cơ quan chức năng sẽ có căn cứ, biện pháp tước dao của người đang sử dụng.
Từ đó, đại biểu đoàn Bình Định đề nghị sửa lại nội dung dao, vật sắc nhọn đang được người dân sử dụng cho hành vi đe dọa người khác thì được coi là vũ khí thô sơ. Hoặc là dao nhập khẩu, không chứng minh được cho mục đích lao động, sinh hoạt thì xem là vũ khí thô sơ.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đề nghị giải thích theo hướng: Nếu dao phục vụ cho lực lượng vũ trang thì gọi là vũ khí, còn đối tượng xấu, manh động sử dụng gọi là hung khí, trường hợp gia đình sử dụng thì gọi là công cụ sinh hoạt, lao động.
“Dao dùng cho gia đình làm sao gọi là vũ khí được, đó là công cụ của gia đình”, đại biểu Phạm Văn Hoà nói.
Về khai báo vũ khí thô sơ, vũ khí sát thương cho công an xã, ông đề nghị phải rành mạch trong vấn đề này. “Đối với sản xuất kinh doanh thì phải khai báo, còn gia đình sử dụng thì không thể gọi là vũ khí. Theo tôi, không nên yêu cầu phải khai báo, bởi nếu làm vậy sẽ gây phiền hà cho người dân”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an (điều hành hoạt động Bộ Công an). Ảnh: Như Ý. |
Đảm bảo tính khả thi trước khi trình Quốc hội thông qua
Tiếp thu giải trình cuối phiên họp, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Bộ Công an (điều hành hoạt động Bộ Công an) cảm ơn các ý kiến phát biểu. Các đại biểu đã kiến nghị, đề xuất, đề nghị bổ sung, điều chỉnh một số nội dung, như: Tên gọi của dự thảo luật; quy định, khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; nội dung liên quan đến quy định khai báo vũ khí thô sơ; quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép về vũ khí, vật liệu nổ...
Theo Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, với những nội dung trên, ngay trong quá trình xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đã được Chính phủ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan soạn thảo chủ trì với các cơ quan liên quan nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cũng đánh giá về những tác động đa chiều một cách kỹ lưỡng, tạo cơ sở cho việc đề xuất nội dung, quy định trong dự thảo luật được đảm bảo về tính khả thi; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
“Các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận hôm nay rất tâm huyết, cơ quan soạn thảo sẽ lựa chọn tối đa và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến hợp lý để khẩn trương tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo việc sớm hoàn chỉnh dự thảo luật được chặt chẽ, chất lượng hơn và đảm bảo về tính khả thi hơn trước khi trình Quốc hội thông qua”, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ nêu rõ.
Sử dụng dao có tính sát thương cao trong lao động, sản xuất, sinh hoạt không phải khai báo
Về nội dung này, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến, Bộ Công an cho biết, dao có tính sát thương cao là phương tiện lưỡng dụng được người dân sử dụng phổ biến trong lao động, sản xuất, sinh hoạt hàng ngày.
Do đó, dự án luật quy định các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành phải khai báo thông tin về số lượng, chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu, tên cơ sở sản xuất.
Việc khai báo này không thuộc ngành nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và không phát sinh thủ tục hành chính. Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ sau khi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao (số liệu khai báo hàng tháng) thì mới khai báo.
Đối với người dân khi sử dụng dao có tính sát thương cao trong lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không phải khai báo.
Bộ sách "Vững bước trên con đường đổi mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những công trình nổi bật của NXB Chính trị Quốc gia Sự thật; gồm hai tập, tập một gồm các bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng bí thư đăng trên báo Nhân Dân từ năm 2011-2014. Tập 2 là những bài từ năm 2015-2017.
Nội dung sách tập trung vào các vấn đề đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc; chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...