Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23/6, thượng tướng Lê Chiêm (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) khẳng định: “Bộ Quốc phòng cũng thống nhất quan điểm quân đội sẽ không tham gia làm kinh tế mà là lực lượng tinh nhuệ để bảo vệ tổ quốc. Như vậy sẽ tổ chức cố phần hóa và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp dự án sắp đầu tư.”
Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu tại cuộc họp sáng 23/6. Ảnh: P.T. |
Đề cập đến câu chuyện sân golf Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Lê Chiêm cho biết ngay sau khi nhiều người dân bức xúc, băn khoăn về tính hiệu quả của sân golf Tân Sơn Nhất, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã có chỉ đạo kiểm tra.
Hiện Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo dừng mọi hoạt động xây dựng các công trình bên trong sân golf Tân Sơn Nhất. Dự kiến ngày mai (24/6) Bộ họp bàn giải quyết, tinh thần là chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.
Đề cập tới lịch sử của sân golf, ông Chiêm cho hay, năm 2007, Bộ Quốc phòng nhận được ý kiến của lãnh đạo Chính phủ cùng 8 bộ đồng ý cấp phép xây dựng.
"Đó là do lịch sử để lại nhưng giải quyết thế nào, chúng ta phải bàn", Thứ trưởng Chiêm nói và khẳng định, quan điểm của Bộ Quốc phòng là ưu tiên phát triển hàng không, phát triển kinh tế xã hội.
Theo Thứ trưởng Chiêm, quỹ đất quốc phòng ở TP.HCM hiện còn rất lớn. Bộ đang thực hiện thanh tra toàn bộ hoạt động sử dụng quỹ đất này cũng như sự cần thiết của nó đến an ninh quốc phòng.
"Qua thanh tra nếu thấy vị trí nào cần thiết cho mục đích an ninh quốc phòng thì vẫn giữ lại, nơi nào không cần thiết Bộ sẽ giao TP.HCM để phát triển kinh tế", ông cho hay.
Bộ Quốc phòng cũng thống nhất quan điểm quân đội sẽ không tham gia làm kinh tế mà là lực lượng tinh nhuệ để bảo vệ tổ quốc. Điều đó có nghĩa là sẽ tổ chức cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp dự án sắp đầu tư.
Cụm sân golf Tân Sơn Nhất có quy mô lên tới 157 ha với bốn sân A, B, C và D. Riêng một phần sân A nằm phía đường Quang Trung, quận Gò Vấp; ba sân còn lại đều tiếp giáp với sân bay. Ảnh: Google Maps. |
Ngay sau phát biểu của đại diện Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Với đề án xây dựng sân bay Long Thành thì phải đến năm 2025-2027 mới có thể hoàn thành nên trước tiên vẫn là mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Chính phủ sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng tìm kiếm chuyên gia, tổ chức đánh giá khoa học phù hợp để nhanh chóng thực hiện dự án này".
Quân đội không được dùng tài sản chuyên dùng vào mục đích kinh doanh
Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 có nhiều quy định về chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân. Theo đó, tài sản công ở các đơn vị này được phân hai nhóm là đặc biệt và chuyên dùng.
Tài sản đặc biệt gồm vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đặc biệt; phương tiện đặc chủng, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; công trình chiến đấu, công trình phòng thủ chiến lược. Tài sản chuyên dùng là đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất thuộc doanh trại, trụ sở đóng quân, kho tàng, học viện, trường đào tạo nghiệp vụ quốc phòng, an ninh, trường bắn, thao trường, bãi tập, cơ sở giam giữ của lực lượng vũ trang nhân dân...
Theo quy định của luật: không được sử dụng tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và hình thức kinh doanh khác.