Ông Dương Công Minh khai sinh doanh nghiệp bắt đầu từ Công ty TNHH Thương mại Him Lam, chủ yếu xuất nhập khẩu trái cây qua Trung Quốc. Công việc kinh doanh trái cây nhanh chóng thua lỗ, ông chủ phải bán nhà để gỡ rối nợ. Từ đây Him Lam rẽ sang làm bất động sản (BĐS).
Lãnh đạo tập đoàn này từng chia sẻ cái tên Him Lam được chọn để đặt cho doanh nghiệp vì định tính chiến lược vươn ra tầm thế giới. Chọn một cái tên không dấu, dễ đọc thì sẽ dễ hòa nhập hơn, khi công ty tiến hành đầu tư các dự án ở nước ngoài hoặc dự án dành cho người nước ngoài.
Gom quỹ đất lớn
CTCP Him Lam được thành lập tháng 9/1994, trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty TNHH Thương mại Him Lam. Bước đầu với BĐS của doanh nghiệp này chỉ thuần về dịch vụ tư vấn hợp thức hóa nhà đất.
Khu đô thị Him Lam Tân Hưng đánh dấu bước chuyển mình từ dịch vụ sang đầu tư BĐS. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Sau khi tích lũy được vốn và kinh nghiệm từ lĩnh vực dịch vụ, Him Lam manh nha bước vào lĩnh vực xây dựng và phát triển nhà ở. Doanh nghiệp này lựa chọn TP.HCM là nơi bắt đầu với dự án Khu đô thị Him Lam Tân Hưng tại quận 7.
Không lâu sau đó, doanh nghiệp vươn ra thực hiện nhiều dự án đô thị lớn tại các tỉnh thành phố khác trong phạm vi cả nước: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Cần Thơ, Nghệ An …
Đến nay, tập đoàn này đã đầu tư và xây dựng trên 70 dự án nhà ở, khu đô thị mới. Tên tuổi gắn liền với các dự án khu đô thị và công viên công nghệ cao Him Lam tại Hà Nội, dự án Him Lam Tân Hưng với tổng vốn đầu tư 2.780 tỷ đồng, Dự án Khu Công viên Công nghệ thông tin Hà Nội tổng vốn 9.500 tỷ đồng...
Lợi thế của Him Lam trong thị trường BĐS là gom quỹ đất lớn để phát triển dự án. Mới đây, doanh nghiệp này được duyệt dự án BT nút giao thông Long Biên với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ. Đổi lại công ty được tạo điều kiện khai thác quỹ đất 20 ha ở Dương Xá (Gia Lâm) và 320 ha đất tại các phường Long Biên và Cực Khôi thuộc quận Long Biên, 135 ha đất bãi sông Hồng.
Như vậy, tổng quỹ đất phát triển đô thị của Him Lam ở khu vực này khoảng 475 ha, gấp gần 2 lần tổng quỹ đất mà Him Lam đã và đang triển khai ở 30 dự án.
Gần đây, với việc chuyển hướng đầu tư từ dự án cao cấp sang căn hộ vừa túi tiền cho thấy tham vọng “phủ sóng” hầu khắp các phân khúc của đại gia địa ốc này.
Làm sân golf ở đô thị
Điểm nhấn nổi trội nhất trong quá trình đầu tư vào BĐS của Him Lam chính là hệ thống sân golf. Không phải là doanh nghiệp đầu tư nhiều nhất, nhưng Him Lam là một trong những doanh nghiêp đầu tiên phát triển dịch vụ thượng lưu này.
Từ năm 1999, với khu liên hiệp sân tập golf tại Bình Thạnh, TP.HCM Him Lam đã manh nha ý định đưa sân golf bổ sung vào hệ sinh thái BĐS của mình.
Không lâu sau đó, doanh nghiệp này chính thức làm sân golf hoàn chỉnh, và đến nay đã rót khoảng 5.600 tỷ để đầu tư 2 sân golf có quy mô là Long Biên (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Lĩnh vực này được vận hành thông qua công ty thành viên là Công ty CP Đầu tư Long Biên (thành lập 2006).
Sân golf Tân Sơn Nhất là tâm điểm của dư luận trong những ngày vừa qua. Ảnh: Lê Quân. |
Nằm ở một vị trí tương đối nhạy cảm, nhưng sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất còn có các công trình khác như tổ hợp khách sạn, nhà hàng, trung tâm thể thao, nhà trẻ mẫu giáo, trường học cấp 1,2 và khu căn hộ 8 tầng, khu biệt thự.
Mới đây, Thủ tướng đã kết luận dừng các hạng mục này để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét.
Lòng vòng tài chính ngân hàng
Dù định hướng chiến lược mũi nhọn vẫn là BĐS, Him Lam vẫn không dấu tham vọng tham gia vào hầu hết ngành kinh tế khác. Quy mô tập đoàn lên tới 30 công ty thành viên và công ty liên kết trong lĩnh vực địa ốc, tài chính ngân hàng, vui chơi giải trí và sân golf.
Việc góp vốn thành lập Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã tạo bàn đạp trong chiến lược đầu tư. Đây là cơ sở giúp tập đoàn này thực hiện chiến lược của mình không chỉ giới hạn trong mảng BĐS mà còn mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế khác, thông qua các kênh đầu tư tài chính gián tiếp khác nhau.
LienVietPostBank là ngân hàng còn khá trẻ, có tốc độ tăng trưởng tương đối ấn tượng. Đồ họa: Quang Thắng. |
LienVietPostBank tiền thân là Ngân hàng TMCP Liên Việt - LienVietBank, được NHNN cấp phép vào tháng 3/2008, với vốn điều lệ ban đầu 3.300 tỷ đồng. Him Lam là cổ đông lớn nhất với việc sở hữu 15% vốn.
Đến năm 2011, LienVietBank được một doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam tham gia góp vốn bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và cả tiền mặt, nâng vốn lên hơn 6.000 tỷ đồng.
Đế chế này từng vươn tay sang lĩnh vực tài chính thông qua sở hữu CTCP Chứng khoán Liên Việt (LVS).
LVS thành lập vào đầu năm 2009, với tên giao dịch ban đầu là CTCP Chứng khoán Viettranimex, vốn điều lệ 125 tỷ đồng. Có thời điểm Him Lam đã sở hữu lên đến 64% vốn LVS.
Năm 2013, LienVietPostBank nắm giữ 1.357.000 cổ phiếu LVS, tương ứng 11% vốn. Hiện LVS đã bị chấm dứt tư cách thành viên tại HOSE và HNX, do thua lỗ hai năm gần nhất, tương ứng lỗ 15 tỷ đồng và 11 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Liên Việt có vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng, là một công ty nữa do chính do ông Dương Công Minh là người đại diện theo pháp luật, là Chủ tịch HĐQT. Trước đây, công ty mang tên Liên Việt Holdings, cũng từng nắm giữ 31.29 triệu cp (4.8%) tại LienVietPostBank vào 30/6/2012, nhưng thoái vốn một năm sau đó.
Trong HĐQT của Liên Việt Holdings, ngoài Chủ tịch Dương Công Minh, những thành viên khác cũng nắm giữ nhiều chức vụ tại các công ty trên.
Như ông Nguyễn Đức Hưởng đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Liên Việt và Chủ tịch LienVietPostBank.
Ông Nguyễn Văn Huynh là Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, Thành viên HĐQT LVS; Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH H.T.H (Kinh doanh và cho thuê văn phòng), Thành viên HĐQT CTCP Liên Việt Holdings.
Trong “hệ thống LienViet” có sự gắn bó hỗ trợ nhiều trong hoạt động của Him Lam. Có thể xem LienVietPostBank là bàn đạp trong chiến lược đầu tư của Him Lam, khi được nhà băng này tài trợ nguồn vốn siêu khủng với giá rẻ.
Ở thời điểm 2011, Him Lam được hưởng lợi khá nhiều từ hình thức tài trợ không phải trả lãi suất (hoặc lãi suất rất thấp) là tạm ứng xây dựng công trình. Tổng số dư vốn tài trợ khi đó hơn 2.200 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay phải trả cho ngân hàng này vỏn vẹn chỉ có 27 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1.2%. Đây có thể được xem là nguồn tài trợ vô cùng ưu đãi khi lãi suất năm này có thời điểm lên đến 20%.
Tính đến cuối năm 2014, vốn điều lệ của Him Lam lên tới 6.500 tỷ, trong đó ông Dương Công Minh nắm giữ 99%, tổng tài sản gần 34.000 tỷ.