Thế nên, trong chi tiêu nội bộ, ban giám hiệu của nhiều trường đã chủ trương tiết kiệm các khoản từ nguồn chi thường xuyên để đến hết năm, tài chính có thể dôi dư ra một ít làm nguồn thưởng cho giáo viên.
Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chuẩn bị quà hỗ trợ Tết cho những lao động diện hợp đồng từ nguồn học phí. |
“Khéo co thì ấm”
Ông Bùi Thế Giới - Trưởng phòng GD&ĐT huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) - bật cười khi nghe hỏi về tiền thưởng Tết cho giáo viên: “Không phải là thưởng Tết, mà là hỗ trợ Tết. Chứ kinh phí hoạt động đã ít ỏi, huyện miền núi đủ thứ khó khăn, không có nguồn thu từ xã hội hóa”.
Ông Giới cho biết kinh phí cho việc hỗ trợ Tết cho giáo viên chủ yếu từ 2 nguồn quỹ công đoàn cơ sở và nguồn tiết kiệm chi do các đơn vị đã được giao tự chủ tài chính. Trung bình, mỗi giáo viên của huyện Sơn Tây được hỗ trợ 500.000-700.000 đồng từ nguồn tiết kiệm chi tiêu nội bộ; thêm khoảng 200.000 đồng từ nguồn quỹ công đoàn.
Bà Phạm Thị Hoàng Điệp - Giám đốc điều hành trường Mầm non Nốt nhạc xanh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) - cho biết: “Cho dù rất khó khăn vì nhà trường không hoạt động từ hơn nửa năm nay, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì quà Tết cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường. Thưởng Tết nói thật là không còn nguồn nào để thưởng vì đến nay, nhà trường vẫn đang “gồng” để hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên. Nhưng quà Tết sẽ phải có. Ít nhất, mỗi phần quà cũng có đủ mứt Tết, hạt dưa, bánh kẹo… để động viên tinh thần là chủ yếu. Hiện nay, giáo viên đa phần là đã về quê. Nhà trường rà soát lại danh sách để có những hình thức chuyển quà phù hợp”.
Ông Giới chia sẻ: “Tuy chưa phải là nhiều so với một số ngành nghề khác, với những trường ở miền núi, điều kiện kinh tế hội lại khó khăn, đây là một cố gắng lớn. Và cũng với mục đích động viên giáo viên là chủ yếu, bởi tâm lý chung là sau một năm làm việc, cũng mong có một phần thưởng, dù nhỏ nhưng cũng là món quà Tết của nhà trường.
Nguồn quỹ công đoàn và tiết kiệm chi tiêu nội bộ cũng không dư dả bao nhiêu vì khoản kinh phí này vốn đã quá ít. Sự hỗ trợ của các đơn vị trường học cho cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng đủ để tàu xe về quê đón Tết”.
Nói về chuyện thưởng Tết cho giáo viên, thầy Nguyễn Hữu Thịnh, Hiệu trưởng trường THPT Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) - một ngôi trường nằm ở vùng đặc biệt khó khăn giáp biên giới Việt - Lào, chia sẻ: “Chúng tôi tự thưởng Tết cho chính mình. Mỗi năm, anh em công đoàn tự vận động góp quỹ. Số quỹ ấy trích ra thăm hỏi đồng nghiệp lúc đau ốm, hiếu hỉ và một số công tác tình nghĩa khác. Còn lại bao nhiêu, cuối năm, công đoàn tự cân đối mua sắm chút quà, gọi là góp Tết cùng giáo viên. Phần quà chủ yếu mang giá trị tinh thần để thầy cô góp thêm hương vị Tết cùng với gia đình gồm mì chính, dầu ăn hay hạt dưa, khoảng từ 200.000-300.000 tùy giá thị trường”.
Ngoài ra, từ nguồn tiết kiệm chi tiêu nội bộ, mỗi giáo viên nhận thêm khoảng từ 500.000-700.000 đồng. Thầy Thịnh cũng rất thật lòng: “Tâm lý so sánh chắc không tránh khỏi, nhưng nhìn hoàn cảnh của các em học sinh miền núi thiếu thốn đủ thứ, lại thấy những thiệt thòi của mình không thấm vào đâu. Chỉ mong sao có thể truyền thụ cho các em những tri thức mới để phần nào thay đổi được cuộc sống vốn rất nghèo ở vùng miền núi này”.
Ban giám hiệu trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) đang tính toán cân đối từ các nguồn chi để làm sao nâng mức hỗ trợ Tết cho giáo viên cao hơn một chút so với những năm trước.
“Cao hơn” ở đây là chỉ nâng từ 700.000 lên một triệu đồng, nhưng theo như thầy Lê Huy Phương là phải cân nhắc lắm vì trường gần như không có nguồn thu nào ngoài kinh phí được cấp từ ngân sách.
Trường nằm ở địa bàn điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, các khoản chi khác dành cho hoạt động dạy - học là vừa đủ, sự hỗ trợ từ quỹ hội cha mẹ học sinh để hỗ trợ các hoạt động của học sinh không đáng kể nên nguồn chi thường xuyên cũng phải cân đối để hỗ trợ thêm.
Thế nhưng, nói như thầy Phương, dù ít dù nhiều, phải cố gắng để nâng mức hỗ trợ cho giáo viên sau một năm bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.
“Giá trị vật chất có thể không thấm vào đâu so với mức chi tiêu trong những ngày Tết, nhưng đấy là món quà nhỏ để chung vui với gia đình các thầy, cô giáo trong ngày vui sum họp gia đình”, thầy Phương chia sẻ.
Trường Mầm non Nốt nhạc xanh trao quà hỗ trợ cho giáo viên nhà trường. |
Chính quyền cùng tham gia hỗ trợ
Với những trường miền núi cao, đa số giáo viên đều là người từ những địa phương khác đến. Những ngày gần Tết, khu nhà công vụ lại nhộn nhịp không khí chuẩn bị Tết. Các giáo viên nữ thường tranh thủ cùng nhau làm một số loại mứt, phơi hành, củ kiệu để làm dưa món. Sau khi học sinh nghỉ Tết, thầy cô còn phải dọn dẹp vệ sinh trường lớp 1-2 ngày mới bắt đầu lên đường về quê.
Vì vậy, không khí chộn rộn của những ngày trước Tết ở các khu tập thể của giáo viên ở những miền biên viễn khiến những ai xa nhà đều thấy nôn nao.
Thầy Nguyễn Hữu Thịnh cho biết: “Suất quà Tết của công đoàn chủ yếu là nhu yếu phẩm, nhưng giáo viên lại thích nhận quà hơn là nhận tiền mặt. Họ vui vì cũng có quà mang về góp Tết cùng với gia đình”.
Trong khi giáo viên miền núi hầu như hoàn toàn không có tiền thưởng Tết, ở thành phố, tiêu biểu như Đà Nẵng, mức thưởng Tết cho giáo viên, ngoài nguồn từ quỹ công đoàn và tiết kiệm chi tiêu nội bộ, còn có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Từ khoản tiết kiệm chi thường xuyên, thu nhập tăng thêm mức cao nhất của trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) được hơn 9,9 triệu đồng, thấp nhất là khoảng 5,2 triệu đồng/người.
“Năm nay, thời gian học sinh dừng đến trường dài. Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, khi các em lớp 8-9 đến trường trở lại thì canteen của trường cũng không hoạt động nên nguồn thu dịch vụ của công đoàn là không đáng kể. Vì vậy, quà Tết của công đoàn gửi đoàn viên năm nay cũng 'tùng tiệm' hơn so với những năm trước”, thầy Phạm Thanh Bửu, Hiệu trưởng nhà trường, nói.
Từ nguồn vận động của thầy cô giáo, học sinh vùng cao Nam Trà My nhận tiền lì xì ở buổi học đầu tiên sau Tết Nguyên đán. |
Với cơ chế tự chủ tài chính, từ nguồn tiết kiệm kinh phí hoạt động ngân sách Nhà nước của trường, tổng cộng các khoản thưởng Tết, lễ của mỗi giáo viên trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là khoảng 12,5 triệu đồng/người.
Cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngô Gia Tự, cho biết: “Khoản chi khác do ngân sách Nhà nước cấp về, trước hết phải ưu tiên cải thiện điều kiện dạy học như tu bổ cơ sở vật chất, sửa chữa nhỏ, tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần của giáo viên, các hoạt động phục vụ dạy - học khác như hoạt động ngoại khóa. Số kinh phí còn lại mới được tính đến là tiết kiệm chi. Chứ không phải ngân sách cấp về là giữ nguyên, không tổ chức hoạt động gì rồi để cuối năm chia thưởng cho giáo viên là không đúng”.
Bên cạnh đó, cộng thêm cả tiền thưởng Tết Dương lịch, trung bình, mỗi giáo viên của trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) được khoảng 4,5 triệu đồng từ các khoản tiền để chi tiêu cho Tết Nguyên đán.
Ngoài tiền thưởng Tết của công đoàn, mỗi giáo viên khối công lập ở Đà Nẵng còn được thành phố hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người. Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết: “Đây là khoản tiền hỗ trợ Tết chung cho cán bộ công chức của thành phố, đã nằm trong nghị quyết, cứ đến hẹn là sẽ chi. Năm nay, Đà Nẵng triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị nên tập trung hết các nguồn thu từ quận, huyện về một đầu mối. Do vậy, thành phố sẽ ban hành nghị quyết bổ sung thêm giáo viên các trường THCS, tiểu học và mầm non vốn trước đây thuộc UBND các quận, huyện hỗ trợ tiền Tết”.
Cô Đinh Thị Kem - điểm trường xóm Đèo Chim, trường Tiểu học Nghĩa Dũng (xã Nghĩa Dũng, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) - chia sẻ: “Tôi chỉ mong sao ra Tết, các em trở lại trường đầy đủ là vui rồi. Cho dù mức sống của đồng bào đã ít nhiều được cải thiện, ý thức về việc cho con tới trường đã cao hơn trước nhiều, sau một kỳ nghỉ dài ngày, không phải ai cũng nhớ để nhắc con tới trường đúng giờ, nhất là sau các kỳ nghỉ lễ, Tết. Thậm chí, nhiều nơi, thầy cô cứ vào mỗi sáng phải dậy thật sớm đi đến các ngõ xóm để gọi các em đã đến giờ học”.