Con thức đến 1-2h học bài hoặc nhắn tin với bạn, thậm chí người lạ. Con nhốt mình trong phòng cả ngày, chỉ rời màn hình vào giờ ăn cơm. Con cáu gắt khi bố mẹ hỏi chuyện.
Hơn một năm qua, nhiều phụ huynh phàn nàn việc phải đối mặt tình trạng như vậy. Họ bực bội, lo lắng nhưng rồi bất lực nhưng không phải ai cũng có thể giải quyết, chỉ có thể chờ đợi sau Tết Nguyên đán, trường học mở cửa trở lại, trẻ về với nhịp sống bình thường.
Học sinh ở nhiều tỉnh, thành phải học trực tuyến trong thời gian dài. Ảnh minh họa: TNS. |
Vòng luẩn quẩn vì trẻ quá buồn chán
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết những xáo trộn mà trẻ cùng gia đình gặp phải là mặt trái của việc trẻ tách ra quá lâu khỏi môi trường sống bình thường.
Thực tế, khi trường học bắt đầu đóng cửa, mọi người đã lưu ý phụ huynh cần tạo cho con lịch học tập mới, phù hợp việc học trực tuyến, cân bằng giữa cuộc sống thực và thế giới ảo, hoạt động trí óc và thư giãn, vận động.
Dù vậy, theo TS Trần Thành Nam, nhiều phụ huynh chưa làm tốt, đơn giản vì họ bận rộn, không có đủ thời gian để quản lý con, nhất là khi sau giãn cách, họ đi làm trở lại.
Bên cạnh đó, ông đánh giá không ít học sinh, kể cả bậc THCS, THPT, chưa có kỹ năng làm chủ bản thân tốt dẫn đến không cân đối được thời gian dành cho mạng và thế giới thực.
“Việc học online đã chiếm nhiều thời gian, trẻ còn giải trí trực tuyến nên ngồi yên một chỗ, trở nên lạm dụng, phụ thuộc Internet”, ông nói.
Tình trạng này dẫn đến các vấn đề như béo phì, đau cột sống, đau mắt, đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi tinh thần.
Tuy nhiên, TS Trần Thành Nam thừa nhận trong thời kỳ áp lực tăng cao vì học trực tuyến, trẻ lại không thể thoải mái ra ngoài, giao lưu với bạn bè, việc giải trí phụ thuộc nhiều vào thế giới ảo. Điều này hình lên vòng luẩn quẩn - trẻ nhàm chán, áp lực nên lên mạng giải trí rồi lại càng buồn nản.
Bên cạnh đó, việc dành quá nhiều thời gian trên mạng khiến trẻ dần đánh mất kỹ năng tương tác trong cuộc sống thực, ngại giao lưu trực tiếp, chỉ thích kết nối trên không gian mạng.
Ngoài ra, việc học online lâu, tiếp xúc với màn hình quá nhiều còn gây ra vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm, thậm chí tự gây hại cho bản thân.
Kéo con ra khỏi màn hình là việc nhiều phụ huynh nỗ lực thực hiện. Ảnh: Getty Images. |
Giúp trẻ cân bằng giữa đời sống thực và ảo
PGS.TS Trần Thành Nam cho biết sau thời gian dài học online, hạn chế ra ngoài, cơ bản, đứa trẻ nào cũng gặp vấn đề tâm lý, chỉ là vấn đề đã nghiêm trọng đến mức cần sự giúp đỡ của người bên ngoài chưa.
Ông cũng dẫn một số biểu hiện trẻ tổn thương sức khỏe tâm thần như thu mình lại, năng lượng giảm xuống, không làm gì nhưng thấy mệt mỏi, lịch ăn ngủ thay đổi, rối loạn, tâm trạng chuyển cực nhanh, đang vui vẻ tự dưng cáu gắt hay có những câu nói thể hiện cái nhìn bi quan về cuộc sống, hành vi mang tính nguy cơ như dùng chất kích thích, thể hiện không sợ đau.
Để hỗ trợ con trong thời kỳ khó khăn, TS Trần Thành Nam khuyên phụ huynh cần nâng cao năng lực nhận thức về sức khỏe tâm thần, không kỳ thị hay nghĩ rằng những vấn đề con gặp phải là do con lười hay viện cớ.
Nếu mọi thứ đang trong tầm kiểm soát, phụ huynh chỉ cần hỗ trợ con sắp xếp lại thời gian để cân bằng giữa cuộc sống thực và thế giới ảo.
Tuy nhiên, nếu tình hình “lệch chuẩn” hơn, bố mẹ cần giúp con chăm sóc 4 trụ cột của con người - thể chất, cảm xúc, xã hội, nhận thức.
Ông gợi ý phụ huynh tìm ra các hoạt động giúp con cân đối lại, đưa con vào lịch trình sinh hoạt hàng ngày, lập nhiệm vụ hàng ngày liên quan học tập, hoạt động thể chất, hoạt động liên quan đến cảm xúc (làm việc mình thích, thư giãn), trách nhiệm (làm việc nhà).
Như vậy, học online xong, trẻ hiểu mình còn nhiệm vụ nào ở thế giới thực, tạm rời thế giới ảo. Bố mẹ có thể có thêm phần thưởng để khích lệ con rời màn hình.
Bên cạnh đó, bố mẹ có thể thỏa thuận với con việc cài phần mềm quản lý thời gian sử dụng mạng, thiết bị điện tử, đồng thời gương mẫu thực hiện hoặc thưởng thêm thời gian lên mạng nếu con thực hiện tốt.
Ông cũng cho rằng những vấn đề mà trẻ và gia đình gặp phải cho thấy tầm quan trọng của việc mở cửa trường học. Cho trẻ trở lại lớp không chỉ để học kiến thức mà còn nhằm thiết lập lại thói quan, môi trường học tập hàng ngày.
Bộ GD&ĐT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình dịch tại địa phương (tính đến cấp xã/phường), chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp trước ngày 14/2.
Trước đó, nhiều chuyên gia y tế, giáo đã lên tiếng về hậu quả khi để trẻ học online lâu dài.
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đánh giá nếu việc học online, qua truyền hình kéo dài, tác động tiêu cực có thể sẽ lớn dần, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học và các đối tượng liên quan.