Đã có thời người ta phải lập ra các trạm kiểm soát với súng ống lăm lăm chỉ để kiểm soát “kho vàng di động” là các xe tải chở hạt giống rau.
Một thời đã xa
Những bông cải sắc vàng, sắc trắng nở tưng bừng trong nắng đông bất chấp cảnh vườn tược tiêu điều với các khung sắt hoen rỉ nhô lên trời như bộ xương của một con cá voi khổng lồ mắc cạn.
Trung tâm sản xuất (SX) Kinh doanh Rau hoa quả Thường Tín trực thuộc công ty Giống rau quả Trung ương (Hà Nội) dường như là một cứ điểm trú chân cuối cùng của các giống rau nội từng làm mưa, làm gió một thời như su hào Sapa, su hào Sìn Hồ, su hào Hà Giang, cải bẹ, cải mào gà, cải Mơ, cải Đông Dư…
Thời đó mới đây thôi mà nghe như xa lơ, xa lắc. Thủa bao cấp, bộ giống rau của Việt Nam có rất ít với “căn cứ địa” được đặt ở Sa Pa (Lào Cai). Năm 1979, chiến tranh biên giới bùng nổ, Sa Pa bị tàn phá tan hoang.
Chị Bích bên những giống rau Việt. |
Lệnh cấm vận sau đó đã siết chặt các ngả, cả ngành SX rau của Việt Nam lâm vào tình trạng đình đốn vì thiếu giống trầm trọng. Bộ Nông nghiệp khẩn cấp tổ chức hội nghị, vời lãnh đạo Lào Cai, Hà Giang về giao kế hoạch SX hạt giống.
Công ty Giống rau quả Trung ương khi đó phải đưa cán bộ lên vùng cao để tổ chức SX, hướng dẫn gieo trồng, thu mua bằng hình thức đối lưu giống và gạo. Mỗi cân giống đổi ngang 12 cân gạo.
Anh Đỗ Đình Thung, cán bộ Phòng Kế hoạch, đã được điều động để thực hiện nhiệm vụ ấy. Những vùng đất lạnh lẽo hoang vu nhanh chóng biến thành các vương quốc su hào giống. Mỗi năm Hà Giang cung ứng khoảng 30 tấn, Sa Pa (Lào Cai) cung ứng khoảng 40 tấn, Sìn Hồ (Lai Châu) vài tấn hạt nữa nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu. 1 kg giống gieo được 1 ha nên lượng hạt đó chỉ gieo được khoảng 70.000 - 80.000 ha. Khan hiếm vẫn hoàn khan hiếm.
Khi ấy 90% diện tích su hào được gieo bằng các giống nội (kỳ thực các giống này có gốc gác từ thời thuộc Pháp đem sang), giống ngoại chỉ có chút ít từ Trung Quốc lén lút mang sang. Su hào đã khan hiếm nhưng chưa đến nỗi kiếm tìm đỏ mắt như bắp cải.
Nông dân để giống bắp cải bằng hai cách. Thứ nhất là từ mầm. Cây chặt đi lấy bắp rồi ra nhánh lại. Những cái nhánh nhỏ xíu như ngón tay trẻ con được người ta nuôi dưới bóng mát suốt cả mùa hè để đến khi trời chuyển mùa mới đem đi trồng. Cách này mười cây sống được dăm ba cây là may. Cách thứ hai là để giống bằng hạt, cũng được rất ít. Các giống rau đông thu hoạch sớm bán rất đắt nên ai sẵn giống trong tay là thắng to. Giống rau quy ra vàng. Một bao hạt su hào 25 kg trị giá bằng 4 chỉ, 1 tấn hạt được 16 cây vàng nên những chiếc xe tải chở hạt giống rau từ ngược về xuôi chẳng khác gì các xe tải chở vàng ròng bốn số chín. Khi giá thành SX gồm phân gio, công xá chẳng đáng bao nhiêu thì với giá giống ấy quả là một vốn bốn năm mươi lời.
Tuy nhiên, giống rau không được tung ra thị trường mà phân phối theo kế hoạch, cấp cho từng tỉnh. Việc quản lý chặt đến mức, tuyến xe khách đi từ Sa Pa về Hà Nội bị lần từng người, một lạng hạt giống không có giấy tờ cũng bị tịch thu. Xe chở hạt giống lại càng chặt, khi đi phải có cấp phép, khi về cứ cách quãng lại có một trạm kiểm soát. Hóa đơn xuất bao nhiêu về kho lại kiểm đếm từng bao một, thiếu tí là rầy rà to với công an.
Anh em trong công ty chỉ “ăn ra” được chút ít giống nhờ khâu lấy mẫu. Lượng hạt giống cho một biên bản lấy mẫu khoảng 1 kg thì nửa đưa phòng hậu kiểm, nửa đem kho lưu.
Một thời gian sau số lưu kia anh em nhấm nháy chia nhau mỗi người một tí. Giống lấy về cũng chỉ để trồng trong vườn nhà, chẳng bán mua gì dù nó hiếm ngang với thuốc phiện. Do giá giống Nhà nước và giá chợ đen chênh nhau cả chục lần nên vẫn có chuyện buôn lén lút như trường hợp ông S ở một công ty giống trong mạn Hà Tây cũ. Sau khi đơn vị này được phân phối hàng, thấy nhu cầu trong dân lớn quá nên ông đã gom của cán bộ trong đơn vị mỗi người một lạng đem bán ra ngoài. Chuyện bại lộ ông S phải tra tay vào còng, ngồi bóc lịch trong nhà đá. Từ 1982 đến 1987 là thời kỳ hoàng kim của rau nội. Khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, mở mang quan hệ với các nước thì những công ty đa quốc gia tràn vào với vô số giống rau tân tiến.
Cảnh tượng tiêu điều ở nơi giữ giống rau. |
Su hào ta năng suất không bằng su hào Nhật, mẫu mã cũng không bằng khi mười cây chỉ được bảy củ đạt chuẩn còn giống ngoại mười củ như mười, tính thời vụ lại càng thua vì giống ngoại chỉ 45 ngày trong khi giống nội tới 60 ngày. Được cái an ủi là chất lượng bù lại nhưng dường như tiêu chí ấy nó không hợp với thời buổi kinh tế thị trường này cho lắm.
Le lói hi vọng
Chị Trương Thị Bích, người gắn bó với Trung tâm SX Kinh doanh Rau hoa quả Thường Tín 28 năm đang phơi đống thân cải Mơ vừa thu hoạch. Phơi xong chị phải đem ủ ba bốn ngày cho quả “chín” đều rồi đập vỡ vỏ tách lấy hạt phục vụ công tác chọn dòng, phục tráng và giữ giống. Hai ba năm về trước giống su hào Sa Pa, Sìn Hồ, Hà Giang còn được duy trì ở đây nhưng nay thì không. Su hào Nhật đã át hết tất cả. Giống Sìn Hồ cơ bản mất, giống Sa Pa còn thoi thóp, giống Hà Giang chỉ lay lắt vài sào trồng ở Phó Bảng.
Giờ đây chị Bích chỉ trồng mấy giống như củ cải Hà Nội, xà lách Đăm, cải bẹ mào gà, cải Mơ... Đến cả giống cải Đông Dư lừng lẫy thủa nào cũng không còn trụ lại được khi bị giống Đại Đình Phổ của Trung Quốc đánh bại với ngoại hình y hệt mà giá bán chỉ phân nửa. Hiện trên đất Đông Dư - quê hương của loại cải trứ danh này cũng chỉ còn vài hộ trồng ở những mảnh vườn nho nhỏ đang mỗi ngày một teo tóp đi trong cơn lốc đô thị hóa.
Việc chị Bích cùng các đồng nghiệp đang làm nhiều khi cũng chỉ là để giữ gien, lưu đấy thôi chứ ít có tính thương mại. Ước tính giống rau trên thị trường hiện nay đến 90% là ngoại, tuy nhiên cũng có chút ánh sáng được nhen nhóm. Hàng trăm loại rau nội ngày nào giờ chỉ còn một hai tia hi vọng là xà lách Đăm (Hà Nội) thứ rau cuốn rất chặt, ăn giòn sần sật mà xà lách ngoại không thể sánh, là cải Mơ - loại cải chỉ có ở Việt Nam góp phần làm nên món ăn trứ danh canh cải cá rô, là một hai giống cải bẹ. Nhờ đó mà sản lượng hạt giống cải bẹ nội của công ty mấy năm trước chỉ 20-30 tấn giờ đã vọt lên 40-50 tấn, cải Mơ trước vài tấn giờ đã mấy chục tấn, xà lách cũng được khoảng chục tấn. Nhờ đó công ty làm ăn có lãi.
Chuyện rau nội rau ngoại cũng giống như gà ri gà công nghiệp mươi năm về trước. Chạy theo trào lưu một hồi rồi người tiêu dùng lại trở về truyền thống, trở về với chất lượng mà thôi. Nhưng xem ra hi vọng ấy sẽ mỏng manh nếu không có một chính sách kích cầu căn cơ cho rau nội. Nếu một người không bao giờ ăn rau nội sẽ mất hẳn khái niệm ngon nên xơi rau ngoại vẫn thấy ngon như thường giống như không có cái đẹp để cạnh tranh thì cái xấu cũng không còn xấu nữa.