Thương mại điện tử - hướng phát triển của doanh nghiệp
Môi trường kinh doanh trực tuyến tạo ra những cơ hội lớn, nhưng đi kèm với đó là áp lực cạnh tranh gay gắt.
Chính thức xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1997, sau 15 năm, Intetnet đã thâm nhập sâu sắc, toàn diện vào mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Trên nền tảng đó, thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đã hình thành và những năm gần đây phát triển với nhịp độ nhanh chóng. Môi trường kinh doanh trực tuyến tạo ra những cơ hội chưa từng thấy nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt. Doanh nghiệp (DN) nào lỗi nhịp có thể mất khách hàng trong thời gian ngắn.
Thương mại điện tử - xu thế kinh doanh mới. |
Nhiều bất cập
Theo ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT, sau 15 năm, hiện nay có tới 1/3 dân số Việt Nam truy cập Internet, 156 triệu thuê bao di động (176% dân số). Đây sẽ là nguồn mang lại giá trị lớn nếu ta biết khai thác. Dự báo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, trong 2 năm tới, con số này sẽ tiếp tục tăng cao, dự kiến, hơn một nửa dân số sẽ truy cập Internet hàng ngày, tạo cơ hội lớn để các DN khai thác, tận dụng nhằm đem lại doanh thu cao.
Không chỉ thế, kết quả điều tra sơ bộ tình hình ứng dụng TMĐT do Cục TMĐT tiến hành, thời gian người dùng sự dụng Internet hiện nay cao gấp 2,5 lần so với xem TV. Quyết định mua hàng của từng cá nhân lệ thuộc nhiều vào Internet. TMĐT đã chứng minh vai trò không thể thiếu, là kênh marketing tiếp xúc khách hàng nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí, tăng doanh thu.
Hầu hết các DN đều đã sử dụng email trong hoạt động kinh doanh, với các mục tiêu chủ yếu là quảng bá, giới thiệu DN, trao đổi thông tin kinh doanh và chăm sóc khách hàng. Trên 40% DN tham gia điều tra có website và 12% DN tham gia các sàn TMĐT. Hoạt động kinh doanh trên các website liên tục tăng về chất lượng, với 36% các website cho phép đặt hàng trực tuyến, 20% DN cho biết tham gia các sàn TMĐT mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, TMĐT ở Việt Nam dù phát triển nhanh nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều vấn đề. Theo các chuyên gia, khi ứng dụng TMĐT, DN còn gặp rất nhiều trở ngại. Đứng đầu là vấn đề an ninh, an toàn, nhận thức, cách thanh toán điện tử, logistics, khả năng pháp lý, nguồn nhân lực... Hiện nay, trong cộng đồng DN Việt Nam, lượng website chỉ dao động từ 35-45%, không có đột biến trong những năm qua. Sàn giao dịch TMĐT dù mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng chứa không ít rủi ro. Cùng với đó, hệ thống quan điểm, chính sách hiện nay chưa theo kịp sự phát triển của TMĐT. Thu thuế trên TMĐT vẫn là bài toán đau đầu. Mua hàng theo nhóm, kinh doanh đa cấp, quản lý website bán hàng trực tuyến luôn tiềm ẩn những sai phạm và chưa có một chế tài xử lý vi phạm nào thực sự thỏa đáng.
Nguồn nhân lực - cốt lõi của thành công
Dù đã đạt được một số thành công, song theo ông Trần Hữu Linh, năng lực cạnh tranh DN Việt rất yếu kém. Bởi thế, để nâng cao sức cạnh tranh, DN chỉ có thể chủ động ứng dụng phương thức, công cụ mới trên nền tảng Internet. Kinh doanh điện tử sẽ là giải pháp rất hữu hiệu, giúp DN tiếp cận thông tin nhanh chóng hơn, có chiến lược kinh doanh, phương thức kinh doanh theo hướng hiện đại hơn.
Tuy nhiên, để làm được, vấn đề nguồn nhân lực được cho là yếu tố then chốt nhất. TS Nguyễn Văn Thoan, Trưởng bộ môn TMĐT, GĐ Trung tâm Thông tin, ĐH Ngoại thương cho biết, hầu hết các DN hiện nay đều cho rằng, nguồn nhân lực cho TMĐT rất yếu và thiếu. Song, vấn đề không chỉ nằm ở đó. Trên thực tế, thế hệ sinh viên tiềm năng hiện nay rất đông. Ngày càng nhiều tầng lớp thanh niên sinh viên mơ ước thành doanh nhân thành đạt với TMĐT, nhưng tỷ lệ thành công của họ dường như còn thấp. Trong số 3.500 sinh viên được học về TMĐT, chỉ có khoảng 50 sinh viên tâm huyết thực sự với nghề, bởi theo TMĐT khó khăn hơn nhiều so với ngành nghề khác. Vậy làm sao để có nguồn nhân lực chất lượng cao? Đây là câu hỏi chưa dễ giải đáp. Xu hướng tất yếu là đẩy mạnh đào tạo trực tuyến, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với các tổ chức, hiệp hội và DN.
Theo Đại Đoàn Kết