Vụ Đông Xuân năm nay, hàng nghìn nông dân Quảng Ngãi trồng 997 ha ớt tập trung chủ yếu ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức... Cuối tháng 2, thời gian cao điểm ớt chín rộ, nhiều gia đình tất bật ra đồng thu hoạch.
Dù thời tiết thuận lợi, ớt đạt năng suất cao nhưng nông dân vẫn lo lắng nông sản khó xuất khẩu, giá cả giảm mạnh.
"Mỗi sào ớt 500 m2 chúng tôi đầu tư cây giống, phân bón, công chăm sóc khoảng 15 triệu đồng. Nếu như năm ngoái mỗi kg ớt bán giá 25.000 đến 30.000 đồng thì năm nay rớt xuống chỉ còn 8.000 đến 10.000 đồng khiến nông dân thua lỗ", bà Trần Thị Hiền (ngụ xã Nghĩa Thương) cho hay.
Cánh đồng ớt ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vào mùa thu hoạch. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó giám đốc Hợp tác xã Điện An 3 (xã Nghĩa Thương), cho hay so với vụ mùa năm ngoái thì giá ớt năm nay giảm mạnh đến 70%. Năm ngoái, nông dân địa phương trồng 70 ha đạt sản lượng khoảng 1.400 tấn, doanh thu 30 tỷ đồng.
Theo ông Thắng, hiện nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc giao thương tại các cửa khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bị hạn chế. Do vậy, giá ớt bán ra thị trường đang giảm sâu khiến nông dân không có lãi.
Trước bối cảnh nông dân tiêu thụ ớt gặp nhiều khó khăn, một số thương lái vẫn tiếp tục thu mua tìm hướng xuất khẩu sang các nước khác. Tiểu thương Đỗ Thị Tường Vy cho biết mỗi ngày gia đình thu mua 5 tấn ớt giúp nông dân ở các địa phương Quảng Ngãi.
Nông dân thu hoạch ớt trên cánh đồng xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa. Ảnh: Minh Hoàng. |
"Thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn, chúng tôi không mua thì nông dân để ớt chết khô trên đồng. Hiện doanh nghiệp đang xúc tiến hợp tác, bảo quản ớt bằng phương pháp đông lạnh mở hướng xuất khẩu sang các nước Singapore nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nông dân", bà Vy nói.
Trong khi đó, một số thương lái không đóng thùng ớt như những năm trước mà thuê nhân công lặt cuống để bảo quản đông lạnh chờ dịch bệnh Covid-19 lắng xuống mới xuất khẩu.
"Thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn, chúng tôi thu mua của bà con mỗi ngày 5 tấn ớt để bảo quản bằng phương pháp đông lạnh mở hướng xuất khẩu sang Singapore nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nông dân", Tiểu thương Đỗ Thị Tường Vy (ngụ huyện Mộ Đức) cho hay.
Ớt được bảo quản trong kho lạnh chờ tạm lắng dịch bệnh Covid-19 để xuất khẩu. Ảnh: Minh Hoàng. |
Chia sẻ khó khăn cùng nông dân, bà Nguyễn Trần Châu Luyến (ngụ TP Quảng Ngãi) thu mua hàng nghìn tấn ớt để bảo quản đông lạnh. "Chúng tôi thu mua khoảng 8.000 tấn ớt của nông dân các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức... tập kết về nhà máy để nhặt cuống, bảo quản đông lạnh chờ hết dịch bệnh Covid-19 mới xuất khẩu", bà Luyến nói.
Trước tình hình dịch virus corona diễn biến phức tạp, Ban thường vụ Huyện ủy Bình Sơn (Quảng Ngãi) vừa phát đi thư ngỏ kêu gọi doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ "giải cứu" nông sản giúp nông dân địa phương vượt qua khó khăn, giảm bớt thiệt hại về kinh tế,
Theo lãnh đạo Huyện ủy Bình Sơn, hiện nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho việc giao thương tại các cửa khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bị hạn chế. Một số cửa khẩu tiếp tục lùi thời gian thông quan.
Do vậy, một số mặt hàng nông sản của huyện Bình Sơn không xuất khẩu được, nhất là dưa hấu, ớt trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Thống kê của ngành nông nghiệp huyện Bình Sơn cho thấy địa phương có hơn 8.600 tấn dưa hấu và gần 13.500 tấn ớt trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch.