Theo bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ Savills TP.HCM, nhiều thương hiệu quốc tế quan tâm đến thị trường Việt Nam từ những năm 2019, nhưng kế hoạch bị trì hoãn do ảnh hưởng bởi Covid-19.
"Tuy nhiên, những thương hiệu này đang tái khởi động kế hoạch ra mắt sau khi các chuyến bay quốc tế được khai thác lại tại Việt Nam năm 2022", bà nói.
Những thương hiệu mới thường có yêu cầu cao về vị trí, diện tích, khả năng trưng bày, độ nhận diện thương hiệu... cho mặt bằng đầu tiên khi thâm nhập thị trường.
Mặt khác, nhiều tên tuổi lớn đã có mặt trên thị trường như Uniqlo, Muji, Thế Giới Di Động, Con Cưng... thời gian qua cũng liên tục ra mắt điểm bán mới với quy mô lên đến hàng nghìn m2 tại TP.HCM.
"Mặc dù thuộc nhóm ngành chịu ảnh hưởng đáng kể trong hơn 2 năm dịch bệnh bùng phát, chiến lược mở rộng quy mô cửa hàng và sự chú trọng đầu tư về trải nghiệm mua sắm của các thương hiệu bán lẻ cho thấy vai trò quan trọng của các cửa hàng vật lý trong kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp", bà Phương Quyên nhìn nhận.
Một cửa hàng flagship của Muji tại TP.HCM. Ảnh: Muji. |
Do đó, bà cho biết mặt bằng tại quận trung tâm hoặc các trung tâm thương mại lớn, nổi tiếng vẫn đang khan hiếm bởi có nhiều lợi thế về quy mô, uy tín của chủ đầu tư và có một lượng khách hàng trung thành ổn định.
“Tùy ngành hàng, các chủ doanh nghiệp sẽ lựa chọn diện tích mặt bằng phù hợp. Ví dụ, nhà hàng lẩu hoặc nướng, hoặc cửa hàng thời trang nhanh vẫn giữ nguyên diện tích cửa hàng quy mô lớn để đảm bảo đủ số lượng bàn và vòng xoay phục vụ trong một ngày, hoặc mới đủ để trưng bày sản phẩm. Cùng với đó, các mô hình cửa hàng đa thương hiệu với quy mô diện tích từ 350-1.000 m2 dự kiến vẫn sẽ mở rộng nhờ thế mạnh đa dạng về hàng hóa, giá cả”, bà nói thêm.
Mặc dù vậy, vị chuyên gia này nhấn mạnh mô hình bán lẻ quy mô lớn sẽ đi kèm nhiều gánh nặng về giá thuê, chi phí đầu tư và vốn mua hàng hóa. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu kĩ về thị trường và tiềm năng tiêu thụ trước khi ra quyết định. Số cửa hàng cũng phải được lên kế hoạch rõ ràng để chia sẻ lượng khách tốt nhất mà không bị lấn át doanh số của nhau.
Theo báo cáo thị trường quý IV/2021 tại TP.HCM của Savills Việt Nam, khi các hoạt động kinh tế và thương mại mở cửa trở lại, các chủ cho thuê mặt bằng bán lẻ không còn áp dụng chính sách hỗ trợ như giảm giá trực tiếp trên giá thuê hay giảm giá lên đến 50% trong tháng thuê đầu tiên. Giá chào thuê trung bình trong quý cuối năm 2021 đạt 1,15 triệu đồng/m2/tháng.
Tuy nhiên, một số chủ cho thuê tại các khu vực ngoài trung tâm, đặc biệt là ngoại ô, vẫn áp dụng chính sách kích cầu như kéo dài thời gian thi công, không tính tiền thuê hoặc tiền phí dịch vụ trong thời gian thi công.
Báo cáo mới công bố tháng 2 của Savills châu Á Thái Bình Dương về thị trường bán lẻ cũng đánh giá Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có thị trường bán lẻ tại các thành phố lớn phục hồi nhanh nhất với hoạt động kinh doanh ổn định và gián đoạn định kỳ.
Trong khi các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hà Nội, TP.HCM vẫn duy trì mức tăng trưởng giá thuê một cách khiêm tốn từ khoảng 0,5-13% thì các thị trường lớn như Singapore, Hong Kong, Seoul, Tokyo vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh trong 6 tháng cuối năm 2021 với mức từ -16% đến -28%.
Trước đó, đánh giá của CBRE Việt Nam nhấn mạnh thị trường bán lẻ TP.HCM sẽ khởi sắc vào cuối năm nay, đẩy giá thuê mặt bằng phục hồi vào nửa cuối năm.
JLL cũng bày tỏ kỳ vọng vào sự cải thiện của thị trường TP.HCM trong năm nay. Đơn vị này cho rằng do nguồn cung mới và nhu cầu phục hồi sau Covid-19, giá thuê dự kiến sẽ tăng, lần lượt ở mức 90,4 USD/m2/tháng tại khu vực trung tâm và 37 USD/m2/tháng ngoài trung tâm cuối năm nay.
Còn ở Hà Nội, JLL dự đoán trong năm nay sẽ đón khoảng 73.454 m2 sàn từ các dự án ngoài trung tâm, cùng với hoạt động mở rộng của các chuỗi thương hiệu lớn được kì vọng sẽ giúp thị trường sôi động trở lại.