Cố vấn an ninh quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump, ông John Bolton đã bất ngờ trở thành mục tiêu công kích của Triều Tiên, là "cột thu lôi" cho cơn giận bất ngờ từ Bình Nhưỡng và lời đe dọa sẽ rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Bolton được biết đến với bộ ria mép rậm rạp và trắng muốt cùng quan điểm đối ngoại hung hăng. Ông cũng là nhân vật có thâm niên trong giới quan hệ quốc tế tại Washington D.C. và đã nhanh chóng thăng tiến để trở thành nhân vật thân tín cạnh tổng thống trong 5 tuần sau khi được bổ nhiệm. Thời gian gần đây, Bolton đã thay thế Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly để trở thành người thường xuất hiện bên cạnh tổng thống.
Các quan chức và cựu quan chức trong chính quyền nói rằng ông Bolton đã loại bỏ được các đối thủ để tạo dựng ảnh hưởng trong Nhà Trắng. Ông cũng tìm cách xóa bớt hình ảnh "diều hâu" bằng việc xây dựng mối liên hệ với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hay con rể kiêm cố vấn của tổng thống, Jared Kushner.
Công sức này có vẻ chưa đủ khi đến ngày 16/5, Triều Tiên đã lên án ý tưởng của ông Bolton về việc sử dụng mô hình phi hạt nhân hóa của Libya cho Triều Tiên.
John Bolton được xem là người có "cái tai" của tổng thống trong những tuần gần đây. Ảnh: AFP. |
Nan đề của chính phủ Trump
Đằng sau cuộc gặp ở Singapore là một điều mơ hồ, nhưng lại mang tính nền tảng: "phi hạt nhân hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Đối với Bình Nhưỡng, nó là một cụm với hàm ý rằng quá trình lâu dài và có sự tham gia của các cường quốc khác.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không "đối đầu" với sự mơ hồ đó, ông có vẻ sẵn sàng chờ đến ngày 12/6, khi cuộc gặp diễn ra, để mọi thứ rõ ràng hơn. Trong những lần xuất hiện trên truyền hình, Pompeo cũng mập mờ về lập trường của Washington trong cuộc đàm phán khi nói rằng mục tiêu của họ là ngăn cản Triều Tiên đe dọa lục địa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Guardian nhận định điều này có thể hàm ý rằng Washington vẫn có thể cho phép Bình Nhưỡng để lại một số đầu đạn, miễn là họ không phát triển tiếp tên lửa liên lục địa.
Bolton thì không thế. Ông đã bước vào Nhà Trắng với bài viết công khai trong một bài bình luận trên Wall Street Journal rằng Mỹ không nên "đợi đến phút cuối" để tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu với Triều Tiên.
Ông tỏ ra cứng rắn rằng Triều Tiên phải từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân, chuyển những vũ khí đã tách rời tới Mỹ. Tuyên bố này, cùng với lời đề nghị "mô hình Libya", đã khiến Bình Nhưỡng nổi cáu. Triều Tiên gọi sự so sánh của ông Bolton là xúc phạm và "mang điềm gở".
Năm 2003, Libya chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân và giải giáp kho vũ khí hủy diệt hàng loạt, đổi lấy sự chấm dứt các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi sau đó đã bị phe nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn lật đổ và sát hại.
"Chúng tôi đã biết về phẩm chất của ông Bolton trong quá khứ, và chúng tôi không giấu sự kinh tởm đối với ông ấy", Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan nói hôm 16/5.
Quan hệ Mỹ - Triều đang trong những ngày "nồng ấm" thì gặp phải diễn biến bất ngờ hôm 16/5, khi Triều Tiên dọa rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh tháng tới. Ảnh: AFP. |
Trước khi có tuyên bố dọa hủy từ phía Triều Tiên, ông Bolton tiếp tục ủng hộ việc duy trì quan điểm cứng rắn trong cuộc gặp sắp diễn ra ngày 12/6 tại Singapore. Trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông cảnh báo Mỹ sẽ không tháo dỡ các lệnh trừng phạt kinh tế cho đến khi Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Ông chỉ ra thỏa thuận với Libya vào năm 2003 là một khuôn mẫu cho cuộc đàm phán với Triều Tiên.
Một số nhà quan sát nói rằng Triều Tiên đang cố ép Tổng thống Trump bớt nghiêng về quan điểm cứng rắn, thiếu thỏa hiệp của Bolton, thay vì đó nghe theo Ngoại trưởng Pompeo, người vừa có 2 chuyến đi đến Triều Tiên.
"Đây là căng thẳng có từ lâu: Bolton tin vào hành động quân sự, việc thay đổi chế độ ở Triều Tiên, trong khi Trump không tin vào bất cứ điều gì trừ việc có một 'thỏa thuận tốt', theo định nghĩa là mọi thỏa thuận do ông thương thảo đều đã là thỏa thuận tốt rồi", Wall Street Journal dẫn lời Max Boot, một nhà nghiên cứu an ninh quốc gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR).
"Tôi nghi rằng Kim đang cố khai thác khe nứt này, muốn tỏ ý cho Trump rằng ông không nên nghe theo chủ nghĩa hoài nghi của Bolton nếu ông muốn giành giải Nobel Hòa bình".
"Cái gai" trong mắt Bình Nhưỡng
Đó không phải cuộc đụng độ đầu tiên của Bolton với Bình Nhưỡng. Năm 2003, khi còn là một thứ trưởng ngoại giao trong chính quyền George W. Bush, lúc đó đang cố gắng thương lượng với Triều Tiên, ông Bolton đã có bài phát biểu tại Hàn Quốc lên án cố lãnh đạo Kim Jong Il là một nhà độc tài trong chế độ toàn trị.
"Khi truyền thông Triều Tiên gọi tôi là 'cặn bã loài người', tôi biết tôi đã đánh trúng mục tiêu. Đó có lẽ là tước vị cao nhất tôi nhận được trong thời gian phục vụ chính quyền Bush", ông Bolton viết trong hồi ký Không có Phương án nào cho Đầu hàng.
Ông phản ứng tương tự với những lời chỉ trích mới nhất từ Bình Nhưỡng.
"Tôi đã quen với việc đó rồi. Đó là những gì Triều Tiên làm. Câu hỏi là liệu đây có phải dấu hiệu họ không nghiêm túc xem xét mục tiêu của chúng ta về phi hạt nhân hóa hay không", ông nói.
Wall Street Journal dẫn lời các quan chức và cựu quan chức đánh giá trong vai trò là một trong số ít quan chức cấp cao của Nhà Trắng có nhiều kinh nghiệm làm việc ở Washington, Bolton đã tỏ ra khéo léo trong việc xoay xở để bộ máy hoạt động hiệu quả. Từng là một người làm việc dưới chính quyền của 3 tổng thống Cộng hòa trước đó, ông Bolton có sự linh hoạt và hiệu quả khi làm việc tại Cánh Tây của Nhà Trắng, việc khiến cho nhiều quan chức cấp cao hài lòng.
Triều Tiên đang cố ép Tổng thống Trump bớt nghiêng về quan điểm cứng rắn, thiếu thỏa hiệp của Bolton. Ảnh: AFP. |
Sự đắc thắng từ Washington
Vipin Narang, một nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), lại nhận định chính thái độ đắc thắng, cho rằng "áp lực tối đa" của Mỹ đã buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán, đã chạm đến giới hạn của Bình Nhưỡng. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thể hiện sự cởi mở về ngoại giao gần đây là do Triều Tiên vừa hoàn tất một thập kỷ xây dựng năng lực hạt nhân.
"Triều Tiên đã chuẩn bị để lờ đi rất nhiều điều mà Mỹ nói trước cuộc gặp, nhưng sự ăn mừng trước cuộc đua thật sự làm họ phát điên", Narang nói.
Trước khi những tuyên bố mạnh mẽ và bất ngờ được Triều Tiên đưa ra hôm 16/5, Tổng thống Trump vẫn đứng trước những lời khen ngợi và cả cơ hội giành giải Nobel Hòa bình.
Diễn biến bất ngờ không những gây ra nguy cơ cho cuộc gặp ở Singapore và cơ hội giành Nobel Hòa bình của Trump mà còn phô bày ra lựa chọn phức tạp mà chính quyền phải đối mặt trong cuộc gặp.
Họ phải lựa chọn lập trường như thế nào trước Triều Tiên, làm sao để đạt được mục tiêu giải trừ hạt nhân hoàn toàn, một cách xác tín và không thể đảo ngược (CVID) đối với bán đảo Triều Tiên nhưng lại không làm đổ bể hòa bình mong manh hiện tại. Ở hậu trường, đó còn là cuộc đua cộng sự nào sẽ có được "cái tai" của Tổng thống Trump, người luôn đòi hỏi một "thỏa thuận tốt".