Mới gần đây, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM vận động người dân không nên ăn thịt chó. Trong nhiều lý do được đưa ra cho lời khuyên này, có điểm đáng chú ý khi cho rằng chó là vật nuôi được thuần hóa và gắn bó với con người từ rất lâu, được xem như thành viên trong gia đình. Xét về mặt khoa học, chó là một trong những con vật đầu tiên được con người thuần hóa. Và cho đến nay, trong các loài vật nuôi, hỏi rằng có loài vật nào trung thành như con chó hay không? Chắc chắn là không! Những câu chuyện có thực về sự trung thành của chó với chủ đã được viết nhiều ở cả Việt Nam và trên thế giới.
Còn trong văn học, ta hẳn biết đến truyện Lão Hạc của Nam Cao, ai mà không xúc động đến ứa nước mắt khi lão Hạc phải dứt tình bán “cậu Vàng”. Xem Tắt đèn của Ngô Tất Tố, sao mà không xót xa khi chị Dậu phải bán con, bán chó để cứu chồng… Cảm cái nghĩa của loài vật bốn chân trung thành ấy, dạo xưa cụ Phan Bội Châu (1867-1940) trong thời gian bị an trí nơi Bến Ngự của Huế, đã nhắc nhớ chúng ta về nghĩa cả của loài vật này, xem trọng nó không kém gì con người.
Dạo ở Bến Ngự, cụ Phan thân già quạnh quẽ, ngoài tiếp khách vãng lai, những người ngưỡng mộ, bạn đồng chí thì bầu bạn trong nhà, cụ nuôi chó mèo. Có lần con mèo bị cướp mất, cụ thương tiếc làm bài Đường luật “Tiếc con mèo” đăng trên báo Tiếng Dân ngày 24/2/1934, trong đó có câu:
Năm canh chớp chóe đôi tròng mắt.
Bầy cướp hồn kinh một tiếng “ngao”.
Nhưng tình cảm của cụ Phan với vật nuôi, không đâu bằng loài chó. Mà cụ thể ở đây là con Vá và con Ky, hai trong số nhiều con chó mà cụ Phan nuôi. Riêng phần con chó Vá cụ ưu ái hơn cả. Bởi thế nên sau khi con Vá mất, hai năm sau cụ còn nhớ tiếc, viết bài “Lịch sử con Vá” đăng trên tuần báo Trung Kỳ số 14, ra ngày 15/4/1936 mà bày tỏ lòng thương yêu, nhớ đến từng kỷ niệm, dấu mốc với con vật trung thành.
Bia mộ con Vá. |
Sở dĩ cái lòng yêu chó của cụ tăng lên bội phần, ấy là do quanh nhà nơi cụ Phan ở, trộm cắp như rươi, mà toàn là tay giỏi cả. Thế nên việc nuôi chó của cụ Phan từ đó mà ra. Con Vá của cụ được một người bạn ở Bao Vinh đưa cho khi nó mới ba tháng tuổi. Dù là chó ta, Vá tỏ ra là con vật can đảm, dũng mãnh, trung thành không chịu khuất phục trước đối thủ. Thế nên mới có chuyện Vá từng xông vào mà giao tranh với cả đàn dê nơi chân núi Ngự Bình bất phân thắng bại. Lại có lần Vá cắn nhau với cả đàn chó Tây quanh nhà cụ Phan, dù kết quả bị thương hai con mắt rồi bị mù, nhưng chữ “dũng” thì không để đâu cho đủ.
Vẫn lời kể cụ Phan, Vá còn là con vật có “nghĩa”. Ở cùng chủ 8 năm trời, cắn cả trăm kẻ dám thình lình vào buồng cụ Phan nằm. Rồi có lần, con Vá bị bắt trộm nhưng vẫn tìm được cách thoát thân để về với chủ, làm cho cụ Phan xúc động mà cảm thán: “Người ta bắt mày là muốn nuôi mày. Chắc mồi nhử mày biết bao nhiêu thứ ngon. Sao mày bín rín gì nhà ta chỉ có ba hột cơm rơi, ba miếng rau lạnh và cứ ở theo ta lấy được, mạo hiểm quên chết, cho trọn chủ tớ với ta”. Lần khác Vá bị bắt trộm đến bốn ngày, bỏ đói không cho ăn, nhưng rồi vẫn tìm được đường về với cụ Phan. Hay có lần mụ người ở tính trộm tiền cụ Phan bị Vá phát hiện mà dừng tay. Lại có lần tay trộm lén vào nhà cụ, lấy áo mũ học trò cụ Phan rồi tính bài chuồn, nhưng bị Vá phát hiện, chẳng sợ gì gậy gộc làm tên trộm phải bỏ của chạy lấy người.
Có được con vật dũng, nghĩa như thế, cụ Phan xem nó như đầy tớ giữ nhà trung thành, kể cũng phải lắm. Thật cái đức tính của chó như con Vá, ứng với truyền khẩu của cha ông “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Điểm ấy được cụ Phan trong dòng hồi tưởng về con Vá cho hay “Duy có một việc này thì ở trong chủng tộc chó e con Vá là “độc nhất vô nhị”, là nó hễ thấy đồ ăn ở ngoài đường hay chỗ nào mà không phải trong tay chủ nhà nó cho ăn, thời nó nhất định không chịu ăn. Chó nhà tôi nuôi đồng thời có ba con, hai con trúng bả chết, duy con Vá chẳng bao giờ mắc bả. Mấy ông trộm xung quanh cứ hết sức bả nó, bả mãi bả hoài, mà không được nó”.
Với những tình cảm con Vá dành cho chủ và ở chiều ngược lại cụ Phan dành cho nó, thế nên khi con vật trung thành “nhân mắc bệnh đầu ung từ biệt tôi về với nước chó” ngày 21/5 năm Giáp Tuất (1934), cụ Phan khác với thói người thường, đào huyệt chôn con Vá, đắp mộ cho nó cao rộng hơn 1 thước tây ở ngay dưới chân sinh phần của cụ. Cụ lại còn làm tấm bia cao hơn 1 thước ta khắc năm chữ “Nghĩa dũng cẩu “Vá” chi trủng”. Nội dung bia phiên ra quốc ngữ như sau: “Vì có dũng, nên liều chết phấn đấu, vì có nghĩa nên trung thành với chủ. Nói thời dễ, làm thiệt khó, người còn vậy, huống gì chó. Ôi con Vá này, đủ hai đức đó, há như ai kia, mặt người lòng thú; nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ chó”.
Mộ chí con Ky. |
Mất con Vá, sau này cụ Phan còn mất một con chó trung thành khác mà cụ đặt tên là con Ky. Năm Đinh Sửu (1937) con Ky mất, cụ Phan cũng lập bia cho nó mang tên “Nhân trí cẩu “Ky” chi trủng”. Bia chữ quốc ngữ ghi: “Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí; người hơi có đức trí thường kém về phần nhân. Vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm thấy! Ai ngờ con Ky này lại đủ hai đức ấy.
Chung nhau thờ một chủ, thời xem là anh em, chẳng bao giờ như chó với mèo, thiệt là nhân đó. Thấy không phải chủ thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng ngon dẫn dụ, thiệt là trí đó. Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trong giống súc mà người e đến mày mới thấy. Mày sao vội chết! Hỡi trời! Hỡi trời! Lòng ta đau đớn, phải tạc mấy lời. Đau đớn quá! Đau đớn quá! Kìa những hạng muôn người!”.
Ngày nay ở mộ phần của cụ Phan Bội Châu ngay trong phần vườn cũ của cụ, nằm dưới mộ cụ là mộ của con Vá và con Ky với ba bia gồm bia chữ Hán, bia chữ quốc ngữ và bia mộ. Tình cảm của nhà yêu nước với con Vá và con Ky như với người thân thích, những tưởng cũng đáng để ta suy ngẫm về một loài vật trung thành với con người lắm chứ.