Theo South China Morning Post, chính phủ Trung Quốc mới ra lệnh phong tỏa một số khu vực sau khi phát hiện ổ dịch Covid-19 tại thủ đô Bắc Kinh. Điều này làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai tại quốc gia này. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định leo thang căng thẳng với Mỹ mới là mối đe dọa số một đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Kết thúc giai đoạn giãn cách xã hội đầu tiên từ tháng 1 đến tháng 3, kinh tế Trung Quốc dần gượng dậy. Sản lượng công nghiệp tăng trở lại và các chỉ số tiêu dùng nhích lên. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng leo thang trong thời điểm đại dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng.
Quan hệ Mỹ - Trung hiện ở tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. SCMP dẫn lời chuyên gia kinh tế Bo Zhuang thuộc hãng nghiên cứu TS Lombard nhận định rằng ổ dịch Covid-19 mới bùng phát tại Bắc Kinh không gây ra tác động đáng kể cho kinh tế Trung Quốc.
"Không còn tình trạng ngừng sản xuất hàng loạt. Hoạt động xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 tăng trưởng tốt hơn so với dự kiến, bởi vậy thị trường lao động cũng phục hồi mạnh mẽ. Mối đe dọa lớn nhất hiện nay là leo thang căng thẳng Mỹ - Trung", ông Bo nhấn mạnh.
Dịch Covid-19 lây lan từ một khu chợ tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Khó hoàn thành thỏa thuận thương mại giai đoạn 1
Cuối tháng 5, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ trừng phạt Trung Quốc sau khi nước này thông qua luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong. Ngày 3/6, Mỹ gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều có kế hoạch tung ra "danh sách đen" nhằm trừng phạt các doanh nghiệp của nước kia đang hoạt động tại quốc gia mình. Lu Zhengwei, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Công nghiệp Trung Quốc, nhận định rằng căng thẳng với Mỹ là chính mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc trong suốt phần còn lại của năm 2020.
Ngày 15/01, Tổng thống Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, hình thành sợi chỉ tích cực duy nhất kết nối quan hệ Mỹ - Trung. Tuy nhiên, sợi chỉ này ngày càng trở nên mỏng manh hơn.
Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành cam kết mua hàng hóa từ Mỹ trong năm 2020. Thời gian qua, quốc gia này đã nhập khẩu một lượng đáng kể nông sản Mỹ, đặc biệt là đậu nành, nhưng con số này chưa thấm tháp gì so với cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Trung Quốc khó có thể thực hiện được thỏa thuận mua hàng hóa Mỹ trong năm nay. Ảnh: Reuters. |
Thậm chí, các quan chức của Mỹ dự đoán Trung Quốc không thể hoàn thành cam kết mua 33,4 tỷ USD nông sản từ Mỹ trong năm 2020.
"Chẳng có cách nào để hoàn thành được các mục tiêu đó. Chúng tôi đã đặt mục tiêu xuất khẩu 36 triệu tấn đậu nành sang Trung Quốc trong năm 2020, nhưng bây giờ có thể xuất khẩu được 30 triệu tấn thì cũng là quá tốt rồi", một quan chức Mỹ nhấn mạnh.
Theo thỏa thuận, Trung Quốc đồng ý mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong vòng hai năm 2020-2021, từ mức cơ sở của năm 2017. Tuy nhiên, trên thực tế, trong tháng 5, tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2019 vì thuế quan tăng mạnh và vấn đề vận chuyển khó khăn.
Chính sách với Mỹ sẽ quyết định kinh tế Trung Quốc
Tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến gặp Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hawaii để thảo luận về quan hệ đang căng thẳng giữ hai quốc gia.
Tổng biên tập Global Times Hu Xijin đánh giá nếu cuộc gặp thực sự diễn ra, có thể thấy chính quyền hai bên nghĩ rằng căng thẳng đã trở thành một mối nguy hại có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Các nhà phân tích tại Beacon Policy Advisors nhận định rằng cuộc gặp gỡ giữa các đại diện cấp cao của hai nước "có thể đem lại một số cơ hội để giải tỏa căng thẳng và tuyên bố mang tính tích cực ở cấp độ cao hơn, nhưng không có khả năng dẫn đến một sự thay đổi lớn mang tính quyết định trong mối quan hệ".
"Tổng thống Trump nhận thấy giá trị chính trị khi chống lại Trung Quốc và chỉ trích Trung Quốc này về đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ông không mong muốn phá vỡ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vì điều này có thể khiến Trung Quốc ngừng việc mua nông sản của Mỹ", các nhà phân tích tại Beaconcho biết thêm.
Ông Dương Khiết Trì (trái) từng có cuộc gặp với ông Mike Pompeo (phải) tại Washington hồi tháng 11/2018. Ảnh: Getty Images. |
Chuyên gia Michal Meidan, Giám đốc Chương trình Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết: "Tại thời điểm này, thỏa thuận thương mại là yếu tố tích cực duy nhất của mối quan hệ".
Chuyên gia Bert Hofman, Giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định mức thuế quan Mỹ áp dụng trong hai năm 2018-2019 đã gây áp lực nặng nề lên các chuỗi cung ứng toàn cầu đặt tại Trung Quốc.
Ông Hofman nhấn mạnh rằng các động thái tiếp theo từ Mỹ có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Không phải dịch Covid-19, các chính sách thương mại với Mỹ mới chính là yếu tố định hình chuỗi cung ứng toàn cầu sắp tới, quyết định sự thăng trầm của kinh tế Trung Quốc.