Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thương chiến Mỹ - Trung leo thang, doanh nghiệp Việt cần cẩn trọng

Khi chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang, các tập đoàn bị ảnh hưởng tìm đến "nơi trú ẩn" an toàn hơn, doanh nghiệp Việt nên làm gì?

Cuối tuần trước, Mỹ tăng thuế từ 10% lên 15% đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu hai nước không đạt được một thỏa thuận thì chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục đánh thuế vào ngày 15/12 tới đây.

Trước đó, Bắc Kinh cũng đã đáp trả bằng mức thuế 10% vào 75 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, chủ yếu là các sản phẩm nhạy cảm với ngành nông nghiệp. 

Sáng 6/9, các chuyên gia tại hội thảo "Chiến tranh thương mại leo thang: Mừng lo của doanh nghiệp Việt?" đã đưa ra những cập nhật và phân tích tác động của chiến tranh thương mại nói chung và cách ứng phó của doanh nghiệp trong tình hình mới.

Cuộc chiến chưa từng bớt gay gắt

Đó là khẳng định của tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. Ông Phạm Sỹ Thành cho biết kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra, chưa một loại thuế nào được xóa bỏ hay giảm, ngoài ra tất cả những lời đe dọa của hai bên từng đưa ra đều trở thành sự thật sau đó. 

doanh nghiep trong chien tranh thuong mai anh 1
Môi trường kinh doanh của nền kinh tế thế giới đang trở nên rủi ro hơn rất nhiều bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: Reuters.

"Điều này tạo ra một thế giới rất rủi ro đối với môi trường kinh doanh", ông Thành nói. 

Cụ thể, tiến sĩ Phạm Sỹ Thành nhận định chiến tranh thương mại đã ngay lập tức tác động tiêu cực đến khu vực xuất khẩu và công nghệ cao của Trung Quốc. Các doanh nghiệp chế tạo Trung Quốc có chuỗi cung ứng liên quan đến Mỹ gặp nhiều khó khăn bởi mức thuế mới. 

Theo ông Thành, trong cuộc chiến này, người thua là các hãng sản xuất hàng hóa chịu tác động bởi ràng rào thuế quan của Mỹ và Trung Quốc cũng như các công ty sản xuất cung cấp hàng trung gian cho các hãng trên. Kẻ thắng là những nhà sản xuất hàng hóa Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh trong thị trường nội địa Mỹ và các nhà xuất khẩu đến từ nước thứ ba.

Việc áp thuế sẽ làm tăng chi phí các tư liệu sản xuất và linh kiện đầu vào của các doanh nghiệp công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến, lắp ráp. Tuy nhiên càng về sau, người tiêu dùng càng chịu ảnh hưởng lớn, áp lực lạm phát cũng sẽ gia tăng. 

Nhà đầu tư nước ngoài đang bán mạnh chứng khoán Việt

Để giảm thiểu tác động của việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu, Trung Quốc đã giảm bớt dự trữ bắt buộc và bơm tiền ra thị trường nhằm hạ giá đồng NDT. 

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhìn nhận đồng NDT giảm giá làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn và Việt Nam sẽ trở thành thị trường nhập khẩu các mặt hàng và công nghệ không cao đang dư thừa ở Trung Quốc.

"Điều này sẽ gây khó khăn cho sản xuất trong nước, làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc, gây sức ép lên tỷ giá tiền đồng và USD. Nếu Việt Nam xử lý không tốt sẽ làm lạm phát tăng, làm giảm giá trị đồng nội tệ, đe dọa ổn định nền kinh tế", ông Tuyển giải thích. 

doanh nghiep trong chien tranh thuong mai anh 2
Ông Mathew Smith, Giám đốc nghiên cứu, phân tích của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết các nhà đầu tư đang tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn. Ảnh: Nguyễn Sơn.

Về tác động đến thị trường tài chính, ông Mathew Smith, Giám đốc nghiên cứu, phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một lý do dẫn đến sự biến động mạnh nhất từ trước đến nay ở các thị trường chứng khoán Mỹ.

Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đi ngang và giá kim loại quý tăng lên. Tất cả đều cho thấy các nhà đầu tư toàn cầu đang tìm kiếm những kênh trú ẩn an toàn. Điều này cũng được phản ánh bởi sự tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi trọng yếu.

“Các nhà đầu tư nước ngoài thậm chí đang bán mạnh chứng khoán Việt Nam. Điều này cũng cho thấy sự e ngại của họ trước những rủi ro", ông Mathew dẫn chứng.

Doanh nghiệp Việt cần điều chỉnh theo hướng cân bằng

Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển nhận định trước bối cảnh này, doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực điều chỉnh theo hướng cân bằng hơn.

Theo đó, Việt Nam nên giảm nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, nhất là các sản phẩm công nghệ cao để tăng nhập khẩu các sản phẩm này từ Mỹ. Khi EU - FTA có hiệu lực, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU thay vì chỉ tập trung vào thị trường Mỹ. 

doanh nghiep trong chien tranh thuong mai anh 3
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành cho biết chiến tranh thương mại liên tục leo thang kể từ khi xảy ra, chưa một loại thuế nào được xóa bỏ hay cắt giảm. Ảnh: Nguyễn Sơn.

Trong khi đó, ông Phạm Sỹ Thành cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế và lấp các khoảng trống về mặt pháp lý. 

Trước hết, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để hoàn thiện việc quản lý, cung cấp và kiểm tra xuất xứ hàng hóa, qua đó tranh thủ nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA cho doanh nghiệp bản địa.

Tiếp theo, Việt Nam nên nâng cao việc theo dõi và quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng ở khu vực là một cơ hội vàng để Việt Nam chào đón các chuỗi cung ứng phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn của mình.

Hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế nặng, nhiều công ty châu Á hồi hương

Hàng loạt công ty châu Á đang di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và về quê nhà để tránh thuế trừng phạt của Mỹ.

Ông Trump quyết trị Trung Quốc dù kinh tế Mỹ bị tổn thương

Giới quan sát nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy rõ rằng ông quyết tâm đối đầu Trung Quốc, cho dù chiến tranh thương mại có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ.

Hải Tuệ

Bạn có thể quan tâm