Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế nặng, nhiều công ty châu Á hồi hương

Hàng loạt công ty châu Á đang di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và về quê nhà để tránh thuế trừng phạt của Mỹ.

Theo CNBC, làn sóng "reshoring" - xu hướng chuyển sản xuất từ Trung Quốc về quê nhà của các công ty do chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - phổ biến nhất trong lĩnh vực máy móc và thiết bị điện tử của Nhật Bản và Đài Loan.

Phân tích của Nomura cho thấy các công ty châu Á "hồi hương" để tránh thuế trừng phạt của Mỹ đánh lên hàng nhập khẩu Trung Quốc. Trong nhiều tháng qua, Mỹ và Trung Quốc liên tục áp thuế lên hàng hóa của nhau. Đợt thuế trừng phạt mới nhất có hiệu lực từ ngày 1/9.

Nomura đánh giá Đài Loan là nền kinh tế hưởng lợi lớn từ việc các công ty chuyển dịch nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc vì xung đột thương mại.

Doanh nghiep chuyen san xuat khoi Trung Quoc anh 1
Các công ty máy móc và thiết bị điện tử của Nhật Bản và Đài Loan lũ lượt rời Trung Quốc. Ảnh: PCBCart.

Chuyển nhà máy "về nhà"

Theo khảo sát của South China Morning Post, khoảng 40 công ty Đài Loan đang tìm cách chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc về lại vùng lãnh thổ này. Chính quyền Đài Loan đang thúc đẩy sáng kiến "Invest Taiwan" nhằm lôi kéo các công ty hồi hương.

Chương trình cho phép doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay có lãi suất thấp để di dời. Nhà sản xuất bảng mạch Flexium và hãng máy tính Quanta đang trở lại Đài Loan. SK Hynix, công ty sản xuất chip lớn thứ hai thế giới, cũng chuyển dây chuyền sản xuất một số mô-đun chip sang Hàn Quốc.

Công ty Nhật Bản Mitsubishi Eletric di dời hạ tầng sản xuất các công cụ máy móc theo tiêu chuẩn Mỹ từ Đại Liên (Trung Quốc) về Nagoya (Nhật Bản). Nhà sản xuất Toshiba Machine và Komatsu cũng có kế hoạch dịch chuyển tương tự.

"Xu hướng này phù hợp với hiện tượng chuyển hướng thương mại ở châu Á thời gian gần đây", chuyên gia kinh tế Sonal Varma và Michael Loo của Nomura giải thích.

Doanh nghiep chuyen san xuat khoi Trung Quoc anh 2
Chi phí nhân công tại Trung Quốc gia tăng cũng là lý do khiến các công ty muốn chuyển sản xuất khỏi quốc gia này. Ảnh: SCMP.

Trên thực tế, nhiều công ty toàn cầu - ví dụ như Dell - từ lâu đã lo ngại về tình trạng chi phí lao động gia tăng ở Trung Quốc. Do đó, họ tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại để đẩy nhanh quá trình di dời nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Nomura ước tính hơn một nửa số công ty lên kế hoạch dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc là các doanh nghiệp Mỹ và Đài Loan. Hôm 23/8, Tổng thống Donald Trump "ra lệnh" cho các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc "ngay lập tức" và sản xuất sản phẩm "tại quê hương".

Không chỉ là lo đối phó trước mắt

Giới quan sát cho biết sau ngành công nghiệp điện tử, các doanh nghiệp may mặc, giày dép, túi xách và thiết bị điện cũng sẽ di dời khỏi Trung Quốc đại lục.

"Đó không chỉ là quyết định mang tính đối phó trước mắt. Các công ty cũng xác định rời khỏi Trung Quốc là chiến lược mang tính lâu dài", Nomura nhận định.

Thuế trừng phạt của chính phủ Mỹ không phải lý do duy nhất dẫn đến việc các doanh nghiệp quyết định di dời dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.

"Căng thẳng thương mại leo thang và nhu cầu hạn chế rủi ro là những lý do chính dẫn đến quyết định chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Nhưng nhiều công ty cũng lo ngại nguy cơ an ninh mạng tại Trung Quốc", các chuyên gia Nomura khẳng định.

Dù vậy, Nomura đánh giá thị trường khổng lồ tại Trung Quốc vẫn là yếu tố quan trọng đối với các công ty. "Quy mô thị trường nội địa của Trung Quốc quá lớn, các khu vực khác tại châu Á còn bị hạn chế về năng lực sản xuất. Vì vậy, có nhiều lý do để các công ty duy trì một phần dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc", Nomura giải thích.

Ông Trump quyết trị Trung Quốc dù kinh tế Mỹ bị tổn thương

Giới quan sát nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy rõ rằng ông quyết tâm đối đầu Trung Quốc, cho dù chiến tranh thương mại có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm