Hơn 7h tối, trời đã nhá nhem, tôi mới bước ra khỏi văn phòng. Hơi nóng từ mặt đường vẫn bốc lên hừng hực như hun. Cả ngày “trốn” trong điều hòa, khiến con người ta cảm thấy héo hon, èo uột đi mấy phần. Nhưng cứ nghĩ đến việc bước ra ngoài, ai cũng thấy ngại.
Thấy cổ họng khô khốc, tôi tấp vào quán cà phê ven đường, định bụng mua một ly sinh tố. Khắp phố phường, ai nấy đều rệu rã, cái oi bức dường như đã vắt kiệt sức người. Chợt nghe có tiếng người nói sau lưng: “Cô ơi, cho tôi nhờ một tí”. Tôi vội vàng đứng gọn sang bên. Một bà chắc phải gần bảy mươi, đang tươi cười với đôi quang gánh trên vai. Trong hai cái thúng của bà đầy những vỏ chai nhựa và giấy vụn.
Sống trong lòng phố thị hiện đại và hối hả, lâu lâu tôi mới thấy những đôi quang gánh giản dị, tòng teng giữa tấp nập người xe. Chúng làm tôi nhớ đến bà ngoại, nhớ đến làng quê nghèo đầy gió Lào, nắng cháy.
Lớn lên ở làng quê, tuổi ấu thơ tôi thơm mùi rơm rạ. Ảnh: Water Governance Centre. |
Ngày bé, mỗi lần xem tivi, tôi lại ước được sống trong căn nhà tiện nghi, có điều hòa mát lạnh. Hồi đó, ở quê điện đóm còn phập phù lắm. Nhiều khi, cứ đến giữa trưa, mấy bà cháu đang ăn cơm là lại mất điện. "Mồ hôi mẹ, mồ hôi con" cứ thế nhỏ cả vào bát. Đứa em tôi làm nũng, định bỏ bát cơm đứng dậy, bà lại phải dỗ dành: “Thôi ăn đi cháu! Đến chiều có gió từ ngoài biển thổi vào là mát ngay!”.
Chưa đợi được gió biển, chỉ nghĩ đến những cơn gió Lào đang thổi từ trưa đến giữa buổi chiều là mấy chị em tôi rùng mình. Những cơn gió mang hơi nóng rát từ phía tây ấy, đã ám ảnh những đứa trẻ miền Trung từ khi còn bé tí. Nó không hiền hòa như cơn gió lộng, để đám con nít thả diều vào mỗi chiều tháng năm.
Trên đầu thì nắng đốt, tứ phía gió Lào bủa vây, nên cứ giữa trưa là xóm làng được yên ắng. Vì lũ trẻ con chẳng đứa nào dám bén mảng ra ngoài. Chỉ cần ra sân cào thóc dăm phút là cả người đỏ như con tôm luộc. Thứ duy nhất an ủi người nông dân trong những trưa tháng sáu là thóc mau khô.
Cứ nghĩ đến cái nắng như thiêu, như đốt của những ngày chính hạ, tôi lại thương bà, thương mẹ, thương những người nông dân quanh năm chỉ biết nhờ trời. Mùa hè, cũng là mùa phơi phóng, gặt hái. Nắng có gắt đến đâu người ta cũng chẳng dám bỏ dở công việc đồng áng để nghỉ ngơi. Không phơi thóc cho khô, gặp mấy ngày mưa liên tục thì chỉ có khổ.
Những cọng rơm vàng trở thành một món đồ chơi thú vị cho bọn trẻ thôn quê. |
Năm tôi học lớp 4, con đường cái chạy qua làng mới được đổ nhựa. Bà tôi nhìn lớp nhựa đen, đang bóng loáng lên dưới nắng trưa bằng đôi mắt hấp háy niềm vui: “Phơi thóc ở đây thì nhanh khô phải biết!”. Mới được có mấy hôm, đi chợ về bà đã than thở: “Đường mới, nó làm bằng cái gì mà nóng thế nhỉ? Vừa mới dẫm xuống là bỏng cả chân”.
Mấy đứa cháu nghe vừa buồn cười, lại vừa thương. Cả đời lam lũ, trừ những hôm có đám xá, nào mấy khi bà biết đến đôi dép. Mẹ và các bác tôi có mua dép cho bà, bà cũng than vướng víu, chẳng chịu đi. Thế nên, bàn chân bà mới đặc biệt: nó to bè, hai ngón chân cái vênh vênh, mà người ta vẫn gọi là “bàn chân Giao Chỉ”. Có như thế, những ngón chân mới bám chặt được xuống bùn, bám chắc vào nền đất thịt trơn như đổ mỡ những ngày mưa.
Thời đó, điện đóm ở quê còn chập chờn lắm. Năm tôi lên sáu, cả làng mới có điện. Tính ra, chúng tôi là lứa đầu tiên không phải học bài bằng đèn dầu. Nhưng điện thời đó yếu lắm, cứ đến chập tối là dây tóc bóng đèn đỏ như con đom đóm đực. Bà bực mình tắt đi, cả nhà lại ăn cơm dưới ánh đèn dầu leo lét.
Ngày điện lưới về, bố tôi mua ngay cái quạt tai voi cũ, để các con được mát mẻ. Bà tôi cũng không phải mất giấc ngủ trưa, ngồi phe phẩy chiếc quạt mo cho bầy cháu nữa. Mấy chị em tôi háo hức lắm! Nhưng nào ngờ, cái quạt quay một cách lừ đừ, cả lũ còn nhìn rõ mồn một những cánh quạt xanh xanh, đã gỉ gần hết.
Nhớ về chuyện ngày xưa, tôi thương bà ngoại rất nhiều. Ảnh: Vanhoa. |
Một ngày nọ, giữa trời nóng như nung, chúng tôi nghe thấy tiếng kêu khóc thảm thiết, vọng ra từ nhà bác Vạn. Bác Vạn bị say nắng nặng, dẫn đến sốc nhiệt rồi đột tử. Thấy nắng to, chồng lại than mệt trong người, vợ bác đã cản. Nhưng bác Vạn cứ tiếc cái ruộng lạc đã đến kì thu hoạch, lại thêm nắng to, phơi mới mau khô. Thế là bác cứ nằng nặc đòi đi ra đồng, rồi ở ngoài đó luôn, chẳng về với vợ con nữa…
Mỗi lần về thăm bà, chị em tôi lại ngồi kể cho nhau nghe những câu chuyện ngày xưa. Chuyện về cơn gió Lào rát mặt, trời nắng chang chang vẫn phải ra sân phơi thóc. Bà cười bảo: “Chắc tại chúng mày thấy khổ quá, nên mới nhớ lâu”. Mấy chị em nghe thấy thế chỉ cười. Giờ đây ngồi nhớ lại, chúng tôi phải cảm ơn những ngày tháng gian khổ ấy. Nhờ có gian khổ mà chúng tôi biết yêu thương và trân trọng hiện tại.