Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Này mùa hạ cuối, ta còn nợ gì nhau…

Những ngày hè ấy đặc biệt và thân thương quá đỗi. Màu nắng chói, cánh phượng hồng và những giọt nước mắt của nuối tiếc cứ vấn vương, như sợi tơ mỏng manh không bao giờ đứt hẳn.


Từ đầu tuần, cứ mỗi lần đi qua các trường học, cảnh ríu rít, nhộn nhịp của ngày lễ bế giảng lại hiện ra trước mắt tôi. Cuối tháng Năm rồi, đã đến lúc bọn trẻ con tạm rời xa sách vở để tận hưởng một mùa hè vô ưu, không còn điểm số, không còn những ganh đua, không còn các bài kiểm tra “khó nhằn” để nếp nhăn hằn trên vầng trán .

Có vẻ, mùa hè chỉ vui với đám trẻ cấp I, cấp II. Mấy hôm trước, khi đi ngang qua một trường cấp III cổ kính trong lòng phố, tôi thấy những cô nữ sinh thơ ngây, mắt đỏ hoe bịn rịn nói lời chia tay. Các em nán lại sân trường lâu hơn một chút, cầm trên tay nhành phượng vĩ, chụp cùng nhau vài bức hình kỉ niệm. Những cái ôm thật chặt, giọt nước mắt cứ thế rơi. Mùa hạ cuối cùng của một thời hồn nhiên áo trắng, ai mà không lưu luyến.

Mỗi lần nhìn những cô bé xinh xắn mười bảy, mười tám tuổi khoe vẻ đẹp thanh tân trong tà áo dài trắng tôi đều đau đáu nhìn theo. Sinh ra ở vùng quê nghèo, phải vượt qua quãng đường gần chục cây số để đến trường mỗi sáng, áo dài trắng là ước mơ xa xỉ với tôi và chúng bạn.

Nay mua ha cuoi,  ta con no gi nhau… anh 1
Những nữ sinh tuổi 18 mắt hoe đỏ trong lễ bế giảng. 

Ngày đó, lũ chúng tôi có hai chiếc áo đồng phục mùa hè và một áo khoác mùa đông. Những ai có anh chị lớn hơn vài tuổi, đã ra trường, thường mặc lại áo đồng phục mùa đông cũ cho tiết kiệm.

Còn áo đồng phục mùa hè được may bằng thứ vải cứng, mỗi lần chạy nhảy tưởng chừng nghe được cả tiếng sột soạt như thể bao tải dứa cọ vào nhau. Đầu tháng tư, còn chưa nóng lắm, nhưng nếu phải mặc áo đồng phục đi học cũng đủ thấy "ngốt" rồi.

Ngày đó, điện thoại thông minh còn là thứ rất xa vời với chúng tôi. Để có vài tấm ảnh làm kỉ niệm, cả lớp đã phải thuê bác thợ ảnh ở ngã tư thị trấn đến chụp. Mùa bế giảng, bác thợ ảnh ấy, cũng bận rộn hơn ngày thường, nên việc “đặt lịch, hẹn nhiếp ảnh gia” đâu phải dễ. Mấy đứa con gái đến năn nỉ cả buổi người ta mới đồng ý. Cả một lũ ngố tàu, mặt không son phấn, nhanh nhẹn xếp thành hàng trước cổng trường để chụp với thầy chủ nhiệm một bức ảnh đánh dấu khoảnh khắc cuối cùng thầy trò bên nhau. Trong bức ảnh năm ấy, có những đôi mắt buồn nheo lại vì nắng, nhưng vẫn cố gắng để nụ cười gượng gạo nở trên môi…

Nay mua ha cuoi,  ta con no gi nhau… anh 2
Sân trường vẫn đó, nhưng tiếng cười còn đâu.

Nói thật, giờ đây khi nhìn những cô cậu học trò xinh như mộng trong bộ ảnh kỉ yếu công phu, tôi không khỏi chạnh lòng. Thế nhưng, đó chưa phải là nuối tiếc lớn nhất trong những tháng ngày cắp sách. Thời ấy, cả xóm ai cũng nghèo! Chúng bạn toàn loẹt quẹt dép lê đi học, nên đứa nào cũng thấy bình thường. Nếu vô tình nhìn thấy những cô nữ sinh mặc áo dài trắng trên ti vi, cũng chỉ tặc lưỡi như thể thứ ấy thuộc về một nơi xa xôi nào đó. Giờ đây, khi xem lại những bức ảnh cũ thời cấp III, đám bạn tôi bảo vẫn thấy quý nụ cười hồn nhiên, giản dị của một thời con nít ấy. Hình như, những năm tháng sau này, chúng tôi đã đánh rơi nó ở đâu rồi.

Điều khiến tôi tiếc nuối nhất, là cả lớp đã không thể vô tư ở bên nhau trong mùa hè cuối cùng. Kì thi đại học như một tảng đá lớn, còn treo lơ lửng trên đầu. Chỉ còn vài tiếng nữa là xa nhau rồi, thế mà chuyện để nói với nhau cũng chỉ quẩn quanh trong những câu hỏi quen thuộc: “Ôn thi đến đâu rồi? Hôm qua mày có giải thêm được bài toán nào không? Sắp đến ngày thi rồi, tao lo quá”. Lời cuối, thầy chủ nhiệm nói với cả lớp, vẫn là: “Thầy mong các em cố gắng ôn tập thật tốt cho kì thi đại học. Áp lực từ kì thi lớn ấy, đã cướp mất chút hồn nhiên cuối cùng của các cô cậu học trò tuổi mười tám.

Nay mua ha cuoi,  ta con no gi nhau… anh 3
Tuổi học trò mãi là kí ức đẹp trong cuộc đời mỗi người. 

Trong những trang lưu bút viết vội giữa giờ ra chơi, chúng tôi chia sẻ cùng nhau những lo lắng về kì thi trước mắt. Nhiều lần, tôi hoài nghi về cái “tuổi học trò vô tư” mà người ta vẫn nói. Người lớn luôn bảo rằng: thi xong tha hồ mà gặp nhau. Thế nhưng kì thi lớn của mùa hè năm ấy đã tạo một khoảng cách giữa chúng tôi, giữa người thắng và kẻ thua, giữa thành công và thất bại! Cha mẹ và thầy cô có hiểu cho điều đó hay không?

Áp lực của mùa hè năm ấy chẳng là gì so với những giông tố sẽ thử thách chúng tôi trên đường đời. Có lẽ đám trò nhỏ tuổi mười tám mới chỉ như mầm cây non, phải bật mình khỏi lớp vỏ cứng. Phía sau những lo lắng và hoài nghi là lời cảm ơn tới cuộc đời, người thầy đã dạy cho chúng tôi một bài học lớn. Nếu giờ đây được trở lại khoảnh khắc diệu kì ấy, tôi sẽ đến bên bạn bè, nở một nụ cười thật tươi và khẽ vỗ về: “Vui lên đi, tất cả sẽ qua thôi!”.




Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm