Tuần trước, cả Hà Nội xôn xao vì một mùa hè se se lạnh. Tháng năm đã đến lâu rồi mà người ta cứ ngỡ là cuối thu. Thế nhưng, chỉ trong chớp mắt, cái oi nồng và nắng gắt đã vồn vã rủ nhau tới “hỏi thăm”. Cái nắng chang chang mới ghé tầm một, hai hôm đã làm người ta thấy khó chịu. Vừa mới ra tới cửa đã phải chau mày, nheo nheo đôi mắt.
Tôi rời văn phòng khi trời đã bước vào cơn chập choạng. Ngước mắt nhìn lên, mặt trời là một khoảng đỏ vàng lơ lửng như trái chín sắp rụng lủng lẳng trên tòa cao ốc ở phía xa. Cái thứ màu vàng ấy trông mai mái như ấm nước chè tàu để nguội. Nền trời như được pha một chút màu tím than để làm nổi bật lên những ánh đèn đường lác đác. Người thưa hơn, thành phố bắt đầu yên ả.
Đi trên con đường vắng, hai bên trồng kín cây xanh, tôi nghe tiếng ve kêu râm ran. Chắc chúng đã say sưa hát khúc ca quen thuộc ấy từ sáng sớm, nhưng nào có ai để ý. Tiếng xe cộ, tiếng người nói ồn ào, cả những tiếng động lớn từ các công trường trong thành phố đã “lấn lướt” bài ca của thiên nhiên. Nghe tiếng ve kêu, tôi chợt thấy nhớ nhà, nhớ khu vườn rộng xanh um cây trái của ông bà ngoại.
Ở những con phố rợp bóng cây, người ta vẫn nghe thấy tiếng ve kêu râm ran giữa những tiếng động cơ ồn ã. |
Mỗi mùa hè, trong vườn không thiếu tiếng ve. Sau khi gà gáy sáng, ánh nắng đầu tiên còn chưa lóe, bầy ve đã kêu rả rích khắp các tán cây. Đến gần trưa, chúng lại rộn lên như thể có ai đó đang bật mấy cái loa thùng.
Vào chính ngọ, không gian bỗng trở nên im ắng. “Dàn đồng ca mùa hạ” chắc cũng mệt rồi. Nhưng đã bao lần anh em tôi giật mình thức giấc vì tiếng ve kêu, tỉnh dậy thì đã hết nửa buổi chiều. Bây giờ nghĩ lại, thấy nhớ những mùa hè lười biếng của tuổi thơ quá đỗi.
Bà tôi thường than tiếng ve làm người ta đau đầu, váng óc. Đã thế, bầy ve lại quá ồn ào, khiến bà không thể xem trọn vẹn bộ phim yêu thích. Thế nhưng, vào những buổi tối bị mất điện, nhà cửa tối thui, TV với đài đều phải “nghỉ hưu” bất đắc dĩ, thì có bọn ve kêu râm ran kể ra cũng vui tai.
Tiếng kêu của chúng trấn an bầy trẻ con tha thẩn chơi ngoài đường làng. Nếu im ắng quá, thể nào cũng có đứa nghĩ đến chuyện ma quỷ. Những hôm mất điện, anh em chúng tôi thường ra vườn, rình mò ở mấy gốc vải để “bắt cóc” một chú ve xấu số. Mấy đứa tranh nhau bóp khẽ vào bụng nó để nghe những tiếng kêu “ỉ, i” bé xíu như người bị viêm họng.
Tha thẩn ở cánh đồng ngày hạ để nô đùa rồi nhặt xác ve là trò vui của trẻ nhỏ ở vùng quê. |
Bà nhìn đàn cháu nhỏ, cười hiền từ rồi đủng đỉnh bảo: “Ve phải kêu cả một bầy mới ầm ĩ lên được. Chứ đằng này có mỗi một con thì ăn thua gì. Thôi, các cháu thả nó ra đi không phải tội”. Anh tôi mang chú ve con trả lại gốc cây vải. May mắn thay, đôi cánh mỏng manh của nó không bị rách.
Tôi còn nhớ, cứ đến mùa ve là những nhà có cây mít trong vườn lại lo ngay ngáy. Sợ bị trộm quả đã đành, đến nhựa mít trẻ con cũng không tha. Bởi nó chính là cái bẫy hoàn hảo nhất để tóm gọn mấy con ve. Chỉ cần bị dính một ít nhựa mít thì có mọc thêm cánh cũng không thoát được.
Có lần, ông ngoại có người bạn là chủ tiệm thuốc Bắc đến chơi. Vô tình, chúng tôi nghe “lỏm” được một thông tin rất thú vị. Hóa ra, xác ve là một vị thuốc Bắc hẳn hoi. Một cân xác ve đáng giá mấy trăm nghìn. Vừa nghe thấy vậy, mấy anh em đã mừng quýnh, lên kế hoạch “quyết tâm làm giàu”.
Tiếng ve râm ran trong vòm phượng vĩ là kỉ niệm đẹp thời cắp sách với bất kỳ ai. |
Từ đó, mặc kệ trưa nắng và lũ bọ xít hôi rình, mấy anh em cứ thế tha thẩn ngoài vườn nhặt xác ve. Chúng tôi còn gọi đùa đó là “hình nộm” của lũ ve. Từng cái xác ve bé xíu, màu nâu nhạt được nâng niu như trứng mỏng. Khổ nỗi, xác ve còn nhẹ hơn cả lá, nhặt hết buổi cũng chỉ đầy được cái túi bóng con con. “Biết bao giờ mới được một cân nhỉ?”. Mấy anh em hỏi nhau bằng ánh mắt buồn trong buổi chiều chập choạng trước khi bà gọi về ăn cơm.
Cả đám còn chưa kiếm được đồng nào thì em Bông đã lăn ra ốm vì dãi nắng. Bà bực lắm, mắng cho mỗi đứa một trận. Thế mới biết, làm ra đồng tiền khó đến nhường nào! Từ bữa đó trở đi, chúng tôi chẳng dám tùy tiện đòi bà mua quà sau mỗi buổi chợ như trước nữa. Từ sách vở đến áo quần, mấy anh em đều cố giữ cho thật phẳng phiu, ngay ngắn; để bà và mẹ không phải thắt lưng buộc bụng vì manh áo mới cho con.
Giờ đây, ở quê cũng như ngoài phố thị, nhà cửa đã lấn át hết cây xanh. Bản nhạc của những chú ve không còn “hùng tráng” như trước kia. Thế nhưng, cứ đến mùa hè người ta lại ngóng tiếng râm ran trong vòm lá, bởi nếu thiếu chúng, mùa hè chẳng còn vẹn nguyên.