Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết Đoan ngọ, nhớ mùi cơm rượu, thương cây vải già góc sân

​ Không mang tới sự háo hức, khiến lòng ta phải rộn ràng, Tết Đoan ngọ đến thật giản dị và bình yên, giống như cách người ta ăn một quả mận chua để vơi đi cơn khát giữa trưa hè.

Sống xa nhà, xa vòng tay của bà và mẹ, lại bị cuốn theo guồng quay hối hả của cuộc sống tấp nập nơi phố thị, nên nhiều khi tôi quên mất những dịp lễ tết nho nhỏ trong năm. Cứ thấy người ta bán bánh Trung thu, mới nhớ ra sắp đến rằm tháng tám. Khi những chiếc bánh trôi, bánh chay tròn trịa được bày ở khắp các quán hàng hai bên đường, lại giật mình vì Tết Hàn thực đã về. Hôm nay cũng vậy, khi nhìn thấy rượu nếp, bánh tro, mận và vải được các bà, các cô tấp nập hỏi mua, tôi mới sực nhớ ra: Tết Đoan ngọ!

Kí ức dẫn tôi về những ngày xa xăm của ấu thơ văng vẳng tiếng cười. Khi ấy, tôi không bao giờ quên bất cứ dịp lễ, Tết, hội hè nào. Bởi căn bếp luôn đỏ lửa của bà vẫn khẽ “nhắc” đứa cháu ngây thơ về những ngày đặc biệt.

Qua hết ngày mùng một, sang đến mùng hai đầu tháng, bà tôi đã rậm rịch ủ cơm rượu. Ở quê, hàng quán không sẵn như trên phố. Đã thế, nhiều người lại sợ, nếu có đem ủ cơm rượu đi bán cũng chẳng ai mua. Dù có vất vả, khó nhọc, các bà, các mẹ cũng thích tự làm lấy. Ở quê tôi thuở ấy, hiếm lắm mới có nếp cẩm. Hạt gạo tím lạ lùng kia là thứ xa xỉ được những người làm ăn trên miền ngược mang về. Cả làng đều ủ cơm rượu bằng nếp cái hoa vàng. Qua “ba chìm bảy nổi” những hạt gạo bóng bẩy, căng tròn cũng thơm quyện mùi men.

Ngay thang nam,  nho mui com ruou,  thuong cay vai gia o goc san anh 1
Cơm rượu, cái hồn của Tết Đoan ngọ. Ảnh: Internet

Trẻ con thì chỉ ăn được vài thìa cơm rượu là say, nhưng đứa nào cũng háo hức, bởi một lẽ khác. Bà mới bê nồi cơm nếp xuống đất, đứa lớn, đứa bé đã cầm sẵn thìa, tranh nhau cạo lớp cháy vàng ruộm, giòn hơn bánh đa. Mấy anh chị em vừa ăn, vừa trêu đùa nhau, tiếng cười dâng đầy căn bếp nhỏ.

Cách đó cả tháng, người ta đã bán mận khắp các hàng hoa quả ngoài chợ. Nhưng mận đầu mùa vốn đắt nên bà chẳng mấy khi mua làm quà cho bầy cháu. Thế nên, cả lũ mới nôn nao chờ đến Tết Đoan ngọ để được ăn mận thỏa thích. Còn vải thiều, trong sân nhà bà cũng có một cây. Nhưng khổ nỗi, nó thường đậu trái muộn hơn “bạn bè”. Đến mùng một, nếu thấy quả vải còn khoác lớp áo xanh kiêu kỳ, lũ chúng tôi buồn lắm. Cứ chiều chiều, mấy anh em lại ra đứng ở gốc cây, thèm thuồng nhìn lên, như giục đám quả non kia mau chín.

Ngay thang nam,  nho mui com ruou,  thuong cay vai gia o goc san anh 2
Ở quê tôi, thay vì ăn bánh gio, người ta ăn thịt vịt vào Tết Đoan ngọ. Ảnh: Style News.

Tết Đoan ngọ ở quê tôi không có bánh gio. Thay vào đó, người ta sẽ mua vịt về xáo măng, ăn với bún. Từ sáng sớm, bà tôi đi chợ, mang về một cặp vịt béo núc ních. Chúng bị trói cánh, trói chân, cố lê cái dáng lạch bạch trên sân đến tội. Vừa nghe thấy tiếng “quàng quạng” lạ lẫm, mấy con chó cứ thế sủa váng cả lên. Sự ồn ã, náo nhiệt cho người ta cảm giác hao hao giống Tết. Bà mới đặt nồi nước lên bếp để làm thịt vịt, lũ cháu đã nghĩ đến nồi canh măng vừa thơm, vừa béo, ngọt tận nơi cuống họng. Thế mà, nhắc tới chuyện nhổ lông vịt, đứa nào cũng đùn đẩy nhau.

Ngày Tết Đoan ngọ ở quê tôi còn được gọi là “tết con rể”. Các chàng rể sẽ cùng tập trung ăn bữa cơm, uống chén rượu với bố vợ. Hôm ấy, các cô tôi có mặt ở nhà đông đủ. Điều đó, làm đám cháu nhỏ vui lắm. Ra giêng, hết gieo trồng rồi cấy hái, trăm việc nhà nông cứ thế dồn lên vai người phụ nữ. Lấy chồng ở làng bên mà người ta tưởng như xa lắm…

Ngay thang nam,  nho mui com ruou,  thuong cay vai gia o goc san anh 3
Vải thiều là một thức quà quen thuộc trong ngày Tết Đoan ngọ. Ảnh: Thieunien.vn

Khi còn nhỏ, tôi luôn thắc mắc vì sao người ta nghĩ ra nhiều cái Tết thế! Lớn lên, xa nhà mới hiểu: Tết là để sum vầy. Nhờ có những ngày Tết lớn, nhỏ mà người ta mới có dịp quây quần cùng nhau. Hóa ra, đó chỉ là cái cớ, chỉ có nhớ thương là thật!

Giờ đây, nếp nhà xưa chỉ còn lại bà và hai bác. Lễ chẳng còn tiếng lũ trẻ ríu rít, ồn ào. Cây vải ở góc sân chỉ còn trong kỷ niệm. Quả của nó ngày càng nhỏ và chua. Trong một cơn mưa lớn đầu hạ, “anh bạn già” đã bị sét đánh, trụi cả ngọn. Nó vẫn được bà tôi trưng dụng để căng dây phơi. Vài năm sau, thân cây mục ra, bác tôi chặt đi làm củi.

Hôm nay, khi tôi tới văn phòng, đã thấy rượu nếp, bánh gio và hoa quả trên bàn. Mùi men rượu cứ vấn vương làm tôi nhớ những ngày thơ ấu quá đỗi.


Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm