Sau Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời một trong tứ kiệt An Nam “Quỳnh, Vĩnh, Tốn, Tố” là cụ Nguyễn Văn Tố ra làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội trong Chính phủ Lâm thời.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc hội khoá I bầu ra. Cụ Nguyễn Văn Tố đứng hàng đầu (bên trái) cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh (ở giữa) và cụ Huỳnh Thúc Kháng (bên phải). |
Cụ Nguyễn Văn Tố, hiệu là Ứng Hoè, sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình nhà nho ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (ngày nay). Cụ thuộc lớp trí thức đầu thế kỷ XX, uyên bác cả Nho học lẫn Tây học. Cụ từng làm việc tại Viện Viễn đông Bác Cổ, hội trưởng Hội Truyền bá học chữ quốc ngữ và đã có đóng góp lớn trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hoá Việt.
Được sự tín nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời, cụ Nguyễn Văn Tố đã đem hết nhiệt tình cách mạng và tri thức uyên bác của mình đóng góp cho đất nước khi vừa giành được độc lập, tự do.
Hình ảnh một buổi họp của Hội truyền bá học quốc ngữ. |
Trên cương vị là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, cụ đã tích cực tham gia vận động nhân dân chống “giặc đói” và “giặc dốt”.
Kỳ họp thứ nhất, ngày 2/3/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các đại biểu đã nhất trí bầu cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tương đương Chủ tịch Quốc hội ngày nay).
Trên cương vị này, cụ có những đóng góp quan quan trọng vào việc ký kết hai văn bản Hiệp định 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946, tạm thời hoà hoãn thực dân Pháp, giúp Đảng và Chính phủ có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Cụ còn trực tiếp cùng Quốc hội xây dựng hiến pháp năm 1946, bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Cụ Nguyễn Văn Tố đang trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố vấn Vĩnh Thụy (Bảo Đại) tại Lễ khai mạc Tuần lễ Vàng ngày 17/9-24/9/1945 tại Nhà hát Lớn. |
Ngày 31/10/1946, Quốc hội đã bầu ra Chính phủ Kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Cụ Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ với cương vị mới là Bộ trưởng không giữ bộ nào. Chính phủ vừa thành lập được hơn một tháng thì Toàn quốc kháng chiến nổ ra. Trung ương Đảng, Chính phủ trở lại Việt Bắc.
Tài liệu lưu trữ về cụ Nguyễn Văn Tố tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho biết hình ảnh về Nguyễn Văn Tố, một nhà trí thức toàn tài, một vị chính khách (Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội, Bộ trưởng Bộ không bộ, Trưởng ban Thường trực Quốc hội) trong trang phục áo the, khăn xếp, giày Gia Định, luôn hết lòng vì dân, vì nước.
Tháng 10/1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công quy mô vào căn cứ địa Việt Bắc, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ bị bắt và hy sinh.
Tin Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố hy sinh khiến mọi thành viên Chính phủ đều vô cùng thương tiếc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hồi ký Chiến đấu trong vòng vây, viết lại: “Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta”.
Thư viết tay của cụ Nguyễn Văn Tố gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 6/1/1947 về việc báo cáo các công tác đã làm trong chuyến đi tuyên truyền, vận động nhân dân tại Hoài Đức, Hà Đông (2/1-5/1/1947). Trang 2 bức thư có chữ ký của cụ và bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay viết văn tế Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố với những lời lẽ trân trọng, tha thiết: “Nhớ cụ xưa / Văn chương thuần tuý, học vấn cao sâu / Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết / Mở mang văn hoá, cụ dốc một lòng / Phú quý, công danh cụ nào có thiết / Cụ dù hy sinh, tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt… Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc”.
Cụ Nguyễn Văn Tố là bộ trưởng đầu tiên hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.