Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thước đo quyền lực của Tập Cận Bình

Phiên họp đầu tiên của Quốc hội Trung Quốc được kỳ vọng sẽ khởi động cho công cuộc cải cách hành chính lớn nhất kể từ năm 1998. Đây cũng được xem là “công cụ đánh giá quyền lực” của tân Chủ tịch Tập Cận Bình.

Thước đo quyền lực của Tập Cận Bình

Phiên họp đầu tiên của Quốc hội Trung Quốc được kỳ vọng sẽ khởi động cho công cuộc cải cách hành chính lớn nhất kể từ năm 1998. Đây cũng được xem là “công cụ đánh giá quyền lực” của tân Chủ tịch Tập Cận Bình.

Những cải tổ quan trọng của Trung Quốc sắp diễn ra được xem là thước đo quyền lực của tân Chủ tịch Tập Cận Bình.

Cho tới nay, chưa một chi tiết nào liên quan đến công cuộc cải tổ được tiết lộ nhưng một số nhà quan sát vẫn dự đoán có một số khả năng sẽ xảy ra. Trong đó, Bộ Đường sắt trong suốt 15 năm qua luôn tìm cách để tránh bị sáp nhập vào Bộ Giao thông sẽ bị bãi bỏ.

Các bộ bao gồm Bộ Nội vụ, Lao động và An ninh Xã hội và thậm chí Bộ Y tế sẽ có khả năng bị sáp nhập với nhau. Viện Khoa học và Viện Khoa học Xã hội cũng có khả năng gộp làm 1, bất chấp vai trò về cơ bản của hai cơ quan là khác nhau: một là trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ còn một hoạt động như là cơ quan cố vấn cho Chính phủ.

Trong khi đó, Bộ Môi trường có khả năng sẽ được mở rộng quyền hạn. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đầy quyền lực (NDRC) được xem là một siêu Bộ Công nghiệp và Kinh tế có khả năng biến mất nhưng rồi sẽ xuất hiện trở lại để sắm một vai trò mới: ủy ban cải cách, có nhiệm vụ chính là tái cấu trúc lại cơ cấu hành chính của nhà nước.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), hiện giờ được xem là cơ quan chuyên môn dưới sự giám sát của một phó thủ tướng, sẽ được thăng cấp và tăng cường quyền lực. Chưa hết, các doanh nghiệp nhà nước cồng kềnh mà gần đây phần lớn đều ra sức mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất sẽ đối mặt với nhiều áp lực hơn để tập trung vào những lĩnh vực cốt lõi, chủ chốt để nhường cơ hội cho các công ty tư nhân.

Cách đây 15 năm, dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân, Trung Quốc cũng đột ngột tái cơ cấu bộ máy. Tuy nhiên, tình hình lúc đó khác hẳn so với hiện nay. Năm 1998, Bắc Kinh đã bắt đầu quan ngại về sự kém hiệu quả của bộ máy nhà nước, bắt đầu từ các doanh nghiệp quốc doanh. Đó cũng là thời điểm khủng hoảng tài chính châu Á nổi lên đẩy Bắc Kinh vào tình thế nguy nan. Do đó, nhu cầu cấp thiết của họ lúc bấy giờ là phải cải tổ.

Nhưng ngày nay, tình huống khác xưa nhiều. Châu Á những năm gần đây đóng vai trò là đầu tàu tăng trường và vì thế, các doanh nghiệp nhà nước, với nhiều đặc quyền, được bơm không ít tiền từ ngân sách. Về lý thuyết, lúc này, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc hoàn toàn có thể duy trì công thức kinh doanh, sản xuất cũ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đã nhận thấy hệ thống hiện tại tồn tại nhiều vấn đề và muốn tránh những kịch bản xấu có thể xảy ra trong 5-10 năm tới.

Bên cạnh đó, trên thực tế, những cải cách sắp diễn ra cũng chính là sự chuẩn bị trước, dù được thực hiện trong “thời điểm thái bình” nhưng có tác dụng kiểm tra khả năng điều hành và quản lý nhà nước của giai cấp lãnh đạo Trung Quốc trong bối cảnh phải đối mặt với những thách thức lớn hơn nhiều so với quá khứ.

Công cuộc cải tổ cũng xảy vào đúng thời điểm Trung Quốc thực hiện chuyển giao quyền lực. Cuối tháng này, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo sẽ chính thức rời vị trí lãnh đạo đất nước và nhân vật thay thế họ lần lượt là ông Tập Cận Bình Lý Khắc Cường. Do đó, những cải cách đang vận động được trù liệu và quyết định bởi cả chính quyền sắp mãn nhiệm và đội ngũ lãnh đạo mới.

Chủ tịch sắp mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào (trái) và tân Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) thảo luận.

Tình huống này chính là sự khác biệt cơ bản so với những gì đã diễn ra trong năm 1998. Về phía tân Chủ tịch Tập Cận Bình, trong những bài phát biểu gần đây, ông tỏ rõ quyết tâm xây dựng một Trung Quốc “sánh ngang” với Mỹ. Đó là khát vọng về sự thịnh vượng và phát triển hòa bình. Ông không ngần ngại tuyên bố tiếp tục và đẩy mạnh cải tổ, có thể bao gồm cả lĩnh vực chính trị. Nhưng để thực hiện được những gì từng cam kết, tân Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ cần có quyết tâm lớn mà còn cần phải tập hợp được sự đồng lòng, nhất trí lớn cũng như quyền lực đủ mạnh bởi thế lực của các nhóm lợi ích phản đối cải tổ không hề nhỏ.

Phương Đăng

Theo Infonet

Phương Đăng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm