Được hình thành và kiến tạo bởi sự thiên biến vạn hóa của thiên nhiên, Cappodocia khiến người ta giật mình bởi những thung lũng gồ ghề bí ẩn có dáng vẻ như trên một hành tinh khác ngoài Trái Đất. Ngoài việc sở hữu kho báu tuyệt mỹ về cảnh sắc thiên nhiên, Cappodocia còn khiến người ta rung động bởi bề dày hiếm có về lịch sử hình thành, nền văn hóa bản địa lâu đời, cùng nếp sống hiền hòa chân chất của con người xứ bình nguyên thơ mộng. Nơi này vào năm 1985 đã được UNESCO đưa vào danh sách những Di sản của Nhân loại.
Hàng triệu năm trước, những đợt phun trào của núi lửa thời cổ đại đã phủ dày và lấp kín toàn bộ khu vực này. Trải qua triệu triệu năm dâu bể, với những cơn xoay chuyển đất trời, vạn vật luân chuyển biến hóa không ngừng, các đợt gió nước và sự biến hóa khôn lường của thiên nhiên, vùng đất trầm tích này dần bị bào mòn, cắt gọt, điêu khắc trở thành một vùng thung lũng kỳ ảo như hiện nay.
Vô số các khối đá mềm xốp kích cỡ khác nhau đã hiện diện khắp nơi. Từ thời La Mã, để chống lại khí hậu khắc nghiệt nóng và khô vào mùa hè, giá buốt vào mùa đông, tận dụng những gì thiên nhiên ban tặng, người dân vùng này đã biết cách đục khoét vào các phiến đá xốp nhưng chắc chắn này làm nơi trú ngụ.
Những công trình trong lòng đất ở Cappodocia được tạo tác bởi bàn tay con người. Ảnh: Travel. |
Dần dà, cả thung lũng được trải rộng, không chỉ khoét vào lòng núi đá những chỗ ở, trú thân, người dân còn xây dựng tu viện, nhà thờ, các công trình công cộng. Tất cả đều khoét vào lòng các khối đá. Làng mạc, đô thị, môi trường sống hiền hòa, được xây dựng một cách công phu, kỳ lạ và có chút hư ảo mơ hồ không có thực, trên nền đá trầm tích của một vùng cao nguyên cằn khô đầy gió, nhưng bình yên đến từng hơi thở này.
Có quá nhiều thứ phải thăm thú và nhìn ngắm tận mắt ở Cappodocia mà tôi đọc được trên các tài liệu tham khảo, khiến tôi có chút đầy ắp và hấp tấp. Những thung lũng kỳ diệu như Thung lũng Tu Sĩ, Thung lũng Bồ Câu; những ngôi làng có một không hai trên thế giới như Avanos, Goreme, Uchisar; những đô thị ngầm dưới lòng đất tiện nghi đến kinh ngạc như Derinkuju, Kaymakli.
Tất cả đều khiến tôi háo hức muốn khám phá thật nhiều và thật tường tận. Và cơ hội để bay khinh khí cầu qua khu vực bình nguyên kỳ ảo này một lần, cũng là điều tôi nhất định phải làm.
Những thung lũng đá là thu hút tôi một cách kỳ lạ nhất. Tờ mờ sáng tôi đã tìm đến thung lũng Pasabag để đón những ánh bình minh đầu tiên ùa đến nơi này. Từ trên cao nhìn xuống, thung lũng có hàng trăm hàng nghìn cột đá vươn thẳng lên trời. Có vô số liên tưởng kỳ thú đến cảnh sắc nơi đây, như là Thung lũng Nấm, vì nhìn như có một rừng nấm trùng trùng bên dưới. Hoặc Thung lũng Tu Sĩ, vì các cột đá trông giống như các vị tu sĩ đang mặc áo chùng có trùm đầu. Hoặc cũng có thể là Thung lũng Ống Khói, thậm chí còn có tên gọi vui vẻ khác là “Thung lũng nhạy cảm” để mô tả trăm vạn mỏm đá có hình dáng kỳ lạ “mọc” rải rác khắp nơi ở khu vực này.
Lúc bình minh ló dạng thì cả vùng Pasabag trở nên mê hoặc khôn tả. Ánh nắng dịu dàng ban mai len qua những cột đá, trải một tấm thảm màu vàng nhạt lên nền đất, những bụi hoa nhỏ, những rặng cây xanh, những vách núi gồ ghề. Một bức tranh lớn biến đổi diệu kỳ và huyền ảo lung linh.
Ngoài Thung lũng Tu Sĩ kỳ ảo, Cappodocia còn có Pigeons Valley - thung lũng Bồ Câu. Nơi này có vô số những vách núi được người dân đục thành những hang nhà cho đàn đàn chim bồ câu bay về đây trú ngụ, sinh sản, làm bạn thân thiết với cư dân. Có lẽ chim bồ câu luôn mang đến thông điệp hòa bình, nên khắp nơi trên thung lũng này, hoa cỏ nở tươi sắc thơm hương, chim chóc ríu rít gọi nhau vui vẻ.
Nắng hè rực rỡ chiếu rọi lên những vách đá có đính vô số bùa “mắt quỷ”, một phong tục lâu đời của người Thổ Nhĩ Kỳ để xua đuổi những gì tối tăm xấu xa và không may mắn, hóa giải và biến tất cả thành điềm lành. Dưới ánh nắng tươi sáng của mùa hè, màu xanh cobalt đặc trưng của những miếng đá mang hình mắt quỷ được treo trên các cành khô, đính vào vách đá, lung linh trên những cành cây vươn ra thung lũng, điểm thêm những nốt nhạc rộn ràng đáng yêu cho không gian chung.
Có ba ngôi làng nổi tiếng ở Cappodocia tôi đều ghé đến. Làng Avanos cổ kính, nơi truyền đời các nghề thủ công nổi tiếng của vùng đất này như dệt thảm và làm gốm sứ. Những tấm thảm kỳ công, đa sắc và những sản phẩm gốm tinh xảo như phô diễn hết tay nghề của các nghệ nhân lão luyện trong làng.
Goreme là ngôi làng sầm uất vui nhộn nhất ở Cappadocia, bởi có nhiều “khách sạn” và phòng trọ trong hang đá do người dân cải tạo những căn nhà ở trước đây để làm nơi trú ngụ cho khách phương xa. Làng Uchisar khô cằn nhưng bình yên trải rộng xen lẫn làng mạc nhà cửa phố xá với cây cối thanh bình.
Các thành phố ngầm cũng là những độc đáo riêng có của vùng Cappadocia. Để tránh các cuộc chiến tranh tôn giáo, để ẩn thân an toàn hơn dưới lòng đất, con người vùng này thời La Mã cổ đại, đã biết khoét sâu xuống lòng đất những đô thị ngầm, gây kinh ngạc không tưởng cho nền kiến trúc đương đại hôm nay. Ước tính có cả trăm đô thị ngầm chìm dưới lòng đất ở khu vực này, và hiện nay có khoảng 40 đô thị đã được tìm thấy.
Du khách có thể ngắm nhìn bao quát cảnh sắc Cappadocia trên khinh khí cầu. Ảnh: Huỳnh Thu Dung. |
Tôi vào thăm đô thị ngầm Kaymakli, chính là đô thị lớn nhất của vùng. Thật không tưởng tượng nổi sâu dưới lòng đất lại có một đô thị hoàn chỉnh, đầy đủ chức năng và tiện nghi đến vậy. Có đến 6, 7 tầng hầm được khoét sâu xuống lòng đất, không chỉ có nhà ở với đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp. Bên cạnh đó còn có tu viện, nhà thờ, nơi cầu nguyện, nơi sinh hoạt cộng đồng, kho dự trữ lương thực, hầm rượu, nơi sản xuất rượu nho, nhà vệ sinh công cộng...
Hệ thống dẫn khí và thoát khói là kỳ diệu nhất, tuy đơn sơ nhưng có thể giúp cho cả một đô thị vận hành bình thường, người ta có thể nấu nướng dưới lòng đất, không khác gì đang trên mặt đất. Quả là một kỳ quan. Trải nghiệm bay khinh khí cầu là điều khiến tôi mong chờ nhất, vì nghe nói đây là một trong những điểm bay khinh khí cầu ngắm cảnh đẹp nhất thế giới, bên cạnh Bagan của Myanmar.
Trên chiếc khinh khí cầu như chiếc bong bóng khổng lồ, tôi đã trải qua một giờ đồng hồ bồng bềnh trên không, trên độ cao hơn 1.000 m, đi qua khoảng 2-3 km chiều dài của cùng Cappodocia kỳ diệu này, ngắm nhìn mặt đất trọn vẹn với những vẻ đẹp và kỳ ảo của thiên nhiên cũng như cảnh vật và phố xá nơi này. Những chóp đá muôn hình vạn trạng, những làng mạc lặng lẽ mà kỳ diệu, khung cảnh thanh bình trải rộng bên dưới, khiến cho tôi liên tục reo hò thích thú, tận hưởng từng giây từng phút của hành trình.
Thiên nhiên ngoạn mục kỳ bí, văn hóa bản địa đặc sắc và giàu có, lịch sử hình thành lâu đời, nếp sống cư dân hiền lành hiếu khách. Tất cả đã biến Cappodocia trở thành một thung lũng thần tiên trên xứ sở của vương triều huyền thoại Ottoman, thật xứng đáng để đặt chân đến một lần trong đời, để mang về những trải nghiệm quý báu không thể nào quên.