Theo James Clapper - Giám đốc Tình báo an ninh Quốc gia Mỹ, trong thời gian tới chiến tranh mạng khó có thể xảy ra. Nhưng sự phát triển của công nghệ mới đã giúp khủng bố mạng chuyển mục tiêu tấn công từ công nghệ thấp gây hoang mang, chú ý tới mục tiêu công nghệ cao nhằm phá vỡ kết cấu hạ tầng xã hội.
Việc các nước phát triển giảm nguồn ngân sách quốc phòng làm dấy lên những lo ngại về an ninh quốc gia trước mối đe dọa khủng bố khi chúng chẳng hề bận tâm giữa tiền tuyến và hậu phương, lính tráng và dân thường.
Internet và mạng xã hội giúp chủ nghĩa khủng bố vươn 'vòi bạch tuộc' của mình ra bất cứ đâu trên thế giới. Ảnh: kopidev. |
Nỗi lo sợ đôi khi bị phóng đại quá mức, khiến chính phủ Mỹ luôn ở trong trạng thái báo động, sẵn sàng ứng phó. Một trong những cách thức để phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn là kiểm soát thông tin trao đổi của người dân. Tuy nhiên nền dân chủ Mỹ có những quy định nghiêm ngặt về thời điểm cũng như điều kiện cho phép cảnh sát làm điều này.
Sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin đang dần định hình mối quan hệ giữa người dân và chính phủ khi không ngừng gây ra những căng thẳng mới. Việc thu thập, lưu trữ và phân tích thông tin cá nhân, đời sống riêng tư của công dân chưa bao giờ dễ dàng như lúc này.
Các khái niệm về an ninh quốc gia, chiến tranh… ngày một thay đổi trong thời đại số. Thung lũng Silicon cần đứng trong hàng ngũ tiên phong chống khủng bố. Các nhà sáng chế và các công ty công nghệ cần lãnh đạo cuộc cách mạng thông tin, tìm cách bảo vệ hệ thống liên lạc chống lại sự xâm nhập của hacker. Đồng thời không được quá sa đà giữa những nỗ lực của chính phủ để bảo vệ xã hội và quyền cá nhân riêng tư.
Cuối thập niên 1960, chính sự phát triển công nghệ đã tạo ra các lỗ hổng mới cho kẻ xấu lợi dụng. Máy bay hiện đại giúp chúng di chuyển và kiểm soát các nạn nhân dễ dàng hơn. Vũ khí và chất nổ cũng từ đó dần trở thành những mặt hàng giao dịch phổ biến. Nguy hiểm nhất chính là công nghệ truyền thông. Sóng phát thanh, truyền hình và liên lạc vệ tinh giúp virus bạo lực lây lan toàn cầu.
Ranh giới giữa các quốc gia, lãnh thổ đã biến mất cùng với sự phát triển của Internet. |
Sang những năm 1970, các nhà phân tích đã cố gắng nghiên cứu những vũ khí mới mà phe cực đoan có thể dùng. Các mối bận tâm xoay quanh tên lửa dẫn đường, vũ khí hóa học, sinh học, thậm chí là hạt nhân. Nhưng họ đã quên mất sự có mặt của Internet - một vũ khí quan trọng bậc nhất của phe khủng bố hiện đại.
Internet giúp chúng truyền bá chủ nghĩa phi nhân loại, đồng thời cho phép chúng liên lạc với nhau một cách hiệu quả, tạo ra cộng đồng ảo những kẻ cuồng tín. Các clip hướng dẫn chế tạo bom, thông tin về nạn nhân xuất hiện nhan nhản trên những nhóm hội này.
Mạng xã hội trở thành phương tiện để các tổ chức cực đoan chiêu mộ thành viên, đặc biệt là nhóm người trẻ. Điển hình, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã khai thác hiệu quả phương tiện truyền thông xã hội này.
Số lượng vụ đánh bom ở Hoa Kỳ giảm từ 60 vụ/năm (1970) xuống còn 2 - 3 vụ/năm (2016). Các cuộc khủng bố thánh chiến bị dập tắt ngay từ lúc nhen nhóm ý định. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công nghệ Internet với an ninh quốc gia.
Các mối đe dọa hiện nay còn tương đối “nguyên thủy” khi sử dụng công nghệ thấp. Nhưng chúng đang dần học cách kiểm soát Internet, tiềm ẩn nguy cơ phá hoại nền kinh tế của các quốc gia. Hệ thống mạng sẽ trở thành con tin thay thế các cá nhân.
Thung lũng Silicon thực sự đã vào cuộc khi tại TiEcon - Hội nghị thường niên của các doanh nghiệp và nhà sáng tạo ở Santa Clarita, một số công nghệ phục vụ an ninh đã ra đời. Số khác có những ý tưởng thú vị về phương pháp tiếp cận mới để bảo mật thông tin; phát hiện vũ khí, chất nổ, chất phóng xạ và các chất nguy hiểm khác; cùng các biện pháp đối phó khác.
Với những thành tựu trên, thung lũng Silicon trở thành cái tên không thể thiếu trong cuộc chiến chống khủng bố thời hiện đại.