
TS Nguyễn Mạnh Hùng, người được mệnh danh là Tiến sĩ văn hóa đọc, vốn tu nghiệp ở Nga. Ngày tốt nghiệp đại học là ngày ông nhận ra rằng sự nghiệp học và tự học chính thức bắt đầu.
Ông rời Nga với thùng hàng 4 khối mà chủ yếu là sách và đĩa hát than. Sau này, khi làm nghiên cứu sinh, ông càng thấy rõ sự học và tự học là cực kỳ quan trọng và cần thiết cho không chỉ ông. Ông đọc rất nhiều, nhất là tại thư viện Lê Nin ở Matxcova. Ông tham gia nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện, các khóa kỹ năng và càng ngày càng ngẫm rằng sự học, tự đọc sách là việc hệ trọng của cả cuộc đời này. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã lùng sục các cửa hàng sách, cả cũ lẫn mới và đã mua được rất nhiều sách, trong đó có những cuốn quý và hiếm.
Và cứ thế, hơn 40 năm nay, TS Nguyễn Mạnh Hùng luôn coi tự học, chăm chỉ đọc sách là đường đi của mình. Cụm từ “Lifelong Learning” rơi vào đầu ông, ngấm vào ông từ lúc nào không hay.
Ông cho biết, khái niệm “học tập suốt đời” có từ thời ông mới học lớp một. Năm 1972, Ủy ban Phát triển giáo dục quốc tế của UNESCO đã công bố một báo cáo nổi tiếng là “Học cách sinh tồn - Hôm nay và ngày mai của thế giới giáo dục”, đề xuất kiến nghị coi giáo dục suốt đời là tư tưởng chủ đạo của chính sách giáo dục của các nước. Ông cho rằng mốc quan trọng khi ông bắt đầu học viết chữ, học cộng trừ thì thế giới đã bắt đầu Lifelong Learning. Vậy nên những năm ở Nga, rồi ở Mỹ, ở Úc, ở Đức, Pháp, Nhật,… cứ thế ông ngấm dần, thấm dần, nhất là thông qua thực hành và trải nghiệm.
12 năm làm việc ở FPT, ông tự học và “bị” học nhiều nhất. Ông học về quản trị và lãnh đạo, về tự động hóa và tin học, học tiếng Anh và học thiền, học giao tiếp và kết nối,… học đủ thứ, để trang bị cho mình những tri thức mới đáp ứng đòi hỏi của công việc.
Rồi ông rời FPT ra lập công ty sách Thái Hà với sứ mệnh ban đầu biến đây là nơi “Hội tụ tri thức, kết nối tương lai” với cụm từ nằm lòng “Tri thức cho ngày mai”. Cứ thế, hàng trăm đầu sách được ông và các cộng sự cho ra đời. Sách của Thái Hà Books là non fiction tức là phi giả tưởng, mang tính ứng dụng cao, đọc để ứng dụng vào công việc và cuộc sống. Ông tham gia và cũng đứng ra tổ chức rất nhiều hội thảo, hội nghị, khóa đào tạo, giao lưu với các chuyên gia, tác giả từ khắp thế giới.
Ngay cả lúc này, khi đã vào tuổi 60, vẫn vậy, chúng tôi vẫn thấy ông đang học và tự học. Ông đang học tiếng Pali, học yoga, khí công, học thực dưỡng, học trí tuệ nhân tạo AI. Ông học mỗi ngày và đều kiểm tra lại kết quả ứng dụng vào cuộc sống và công việc. Ông tâm sự rằng cũng chính nhờ có tư duy và lối sống Lifelong Learning mà cuộc sống luôn tươi đẹp, thấy mình vẫn đang khôn lớn và trưởng thành mỗi ngày.
Khi đón chúng tôi, trên tay ông đang là cuốn sách Học tập suốt đời của tác giả Michelle Weise. Ông nói đang đọc lại lần thứ 5 để chia sẻ sâu rộng về cuốn sách quan trọng và cần thiết này. Trên bàn làm việc của ông còn 5 cuốn nữa đang mở ra. Đó là Cách mạng học sâu bản tiếng Việt và The deep learning revolution bản tiếng Anh của tác giả Terrence J. Sejnowski do nhà xuất bảnThe MIT Press và Future Wise ấn hành. Cuốn thứ hai cũng đang mở trang là Future Wise: Điều gì đáng học cho tương lai? của tác giả David Perkins do nhà xuất bản Wiley ấn hành. Ngoài ra còn 2 cuốn nữa gồm Đại học đừng học đại - Học thế nào để không lãng phí quãng thời gian đại học và Speedreading - Đọc nhanh, hiểu sâu, làm chủ thông tin”.
Chúng tôi uống trà chậm rãi cùng ông. Chúng tôi ngồi nghe ông tâm sự về từng cuốn sách, từng chi tiết, từng điểm mấu chốt. Ông bảo, trong hành trình gần 20 năm gắn bó với ngành xuất bản, chính ông đã chứng kiến biết bao đổi thay của cuộc sống, của xã hội, và đặc biệt là của tư duy con người.
Một trong những thay đổi mang tính cách mạng mà ông luôn trăn trở, luôn tìm mọi cách lan tỏa, lan truyền, đó chính là sự dịch chuyển từ mô hình học tập truyền thống sang Học tập suốt đời.
TS Nguyễn Mạnh Hùng kể cho chúng tôi về thời điểm khái niệm Học tập suốt đời bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 2000, khi Internet và công nghệ thông tin bắt đầu len lỏi vào cuộc sống. Lúc đó, ông và các cộng sự, bạn bè đã cảm nhận được một luồng gió mới, một sự thay đổi tất yếu của thời đại.
FPT đã thổi vào ông và các đồng nghiệp trong ngành công nghệ những ngọn lửa về tự học và học tập suốt đời. Tinh thần tự học, văn hóa đọc sách tại FPT rất cao. Sau này, có một dồng nghiệp của ông, người thắp lửa và truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất cho ông về Học tập suốt đời, chính là ông Hoàng Nam Tiến, một người lãnh đạo xuất sắc và khác biệt của FPT, mà ông hay gọi thân mật là “Tiến béo”.
TS Nguyễn Mạnh Hùng đứng lên đi lại chậm rãi và chia sẻ tiếp, từ ngày thành lập Thái Hà Books vào năm 2007, ông và các thành viên nòng cốt ban đầu luôn nghĩ mọi cách để giúp những ai xung quanh mình có SÁCH HAY, MANG TÍNH TỨNG DỤNG CAO tự đọc, tự học, tự phát triển bản thân. Sau này và đến bây giờ, mỗi khi nghĩ đến việc lan tỏa tinh thần học tập suốt đời, hình ảnh anh Tiến Béo lại hiện lên trong tâm trí ông. Quả thật, cách đọc, cách học, cách suy nghĩ và cách hành động của mỗi người có thể khác nhau, nhưng đích đến thì hoàn toàn giống nhau: Đó là sự khao khát không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân, và đóng góp cho xã hội.
Ông kể rằng đã nhiều lần chia sẻ về tầm quan trọng của Học tập suốt đời với các vị lãnh đạo, trong đó có ông Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch Viettel và sau này là Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông và hiện nay là Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, ông Nguyễn Chí Vịnh (nguyên Thứ trưởng bộ Quốc phòng), ông Huỳnh Vĩnh Ái (nguyên Thứ trưởng bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch), bà Thanh Mai (Vụ trưởng Vụ Thư viện), ông Lê Thái Hỷ (Giám đốc sở TTTT TP.HCM), cùng nhiều lãnh đạo khác. TS Hùng luôn mong ước đến một ngày, cả nước sẽ cùng chung tâm huyết, cùng chung lòng hành động, như đã từng chung tay cho Tết Sách, Lì xì Sách, cho phong trào Khuyến đọc Việt Nam, đặc biệt là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Khi được hỏi, còn những nhân vật nào ở Việt Nam cũng tâm huyết với học tập suốt đời, TS văn hóa đọc Nguyễn Mạnh Hùng nói ngay không cần suy nghĩ về chị Tống Liên Anh. Ông nói chị Liên Anh được UNESCO Institute for Lifelong Learning (UIL) có trụ sở tại Hamburg, Đức 2 lần trao học bổng sang đó nghiên cứu, làm việc. Ông nhấn mạnh chị Liên Anh được UIL mời sang 2 lần theo diện chuyên gia, mỗi lần ở lại Hamburg làm tại Viện 1 tháng.
TS Nguyễn Mạnh Hùng nói về cuốn sách mà ông đang ôm trên tay Học tập suốt đời của Michelle R. Weise. Ông phân tích kỹ rằng, cuốn sách này không chỉ là một tài liệu nghiên cứu, mà còn là một lời giải đáp cho những trăn trở của chính ông và của hàng triệu người khác về tương lai của việc học tập và làm việc. Trong bối cảnh tuổi thọ con người ngày càng tăng cao, chúng ta đang đối mặt với một thực tế chưa từng có: Quãng thời gian làm việc kéo dài đến 100 năm, và chúng ta có thể thay đổi công việc 20-30 lần trong đời. Điều này đòi hỏi chúng ta phải liên tục học hỏi, thích nghi và đổi mới bản thân để có thể tồn tại và phát triển.
Ông dành thời gian nói về Tiến sĩ Michelle R. Weise, người đã dành nhiều năm nghiên cứu và phân tích những xu hướng thay đổi của thị trường lao động, và bà đã đưa ra một mô hình học tập mới, phù hợp với những người vừa học vừa làm. Mô hình này tập trung vào những đổi mới mang tính đột phá, nhằm đặt nền tảng cho một quá trình học tập liên tục, có định hướng rõ ràng, hỗ trợ toàn diện và hữu ích cho cả người lao động lẫn nhà tuyển dụng.
Học tập suốt đời của Michelle R. Weise, theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những thách thức và cơ hội của thị trường lao động trong thế kỷ 21, mà còn trang bị cho chúng ta những kỹ năng và tư duy cần thiết để thành công trong một môi trường làm việc luôn biến động.
Trước khi chia tay, TS Nguyễn Mạnh Hùng nhắc đi nhắc lại đến 3 lần những chữ những lời của Fukuzawa Yukichi về sự học mà ông cho rằng rất quý giá, rằng cứ luôn vang trong đầu ông: "Ông trời không sinh ra người đứng trên người, không sinh ra người đứng dưới người. Tất cả đều do sự HỌC mà ra." Ông tặng sách cho chúng tôi, có ghi rõ câu này và thêm vào “Chỉ có học, chỉ có tự học, chỉ có học tập suốt đời mới cho ta tự vươn cao và đứng vững.”
Bước ra khỏi phòng làm việc, ông vẫn nói thêm, cuốn sách Học tập suốt đời của Michelle R. Weise này sẽ là một người bạn đồng hành đáng tin cậy trên con đường học tập và phát triển của mỗi chúng ta. Hãy cùng nhau khám phá những bí mật của việc học tập suốt đời, và xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho bản thân, cho gia đình, và cho đất nước. Hãy cùng nhau đọc cuốn sách này và có lẽ cần nhiều buổi tọa đàm, trao đổi, cần bàn bạc và thực hành trong công việc và cuộc sống của chính chúng ta.