Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thuê Việt kiều làm giám đốc, sao lại không?

Nguồn lực trí thức kiều bào hiện nhiều tiềm năng, ít khai thác. Các nguồn lực trí thức, đặc biệt là trí thức kiều bào, sẽ được đảm bảo về vật chất lẫn những quyền liên quan...

Các nguồn lực trí thức, đặc biệt là trí thức kiều bào, sẽ được đảm bảo không chỉ về mặt vật chất mà cả những quyền liên quan, từ việc sở hữu trí tuệ cho tới các bằng sáng chế, phát minh được thực hiện tại Việt Nam.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân tại buổi gặp mặt chuyên gia trí thức kiều bào xuân Bính Thân “Kết nối và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2016”, diễn ra tại TP HCM ngày 17/2.

Các trí thức kiều bào đi thăm phòng thí nghiệm công nghệ nano (ĐHQG TP HCM) chiều 16/2.

Những rào cản trì kéo kinh tế phát triển

TS Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TP HCM, cho biết từ khi đi vào hoạt động tháng 10/2012, Trung tâm CNSH hiện là một trong những đơn vị mạnh dạn thuê Việt kiều làm phó giám đốc bằng những đãi ngộ “xé rào” cơ chế.

Và đến nay trung tâm đã được công nhận về chương trình chuyên sản xuất văcxin tự chủ cho cá khu vực ĐBSCL, trong đó có văcxin kháng bệnh cho cá tra, thay vì phải bỏ khoảng 300 triệu USD/năm để mua văcxin phòng trị bệnh cho cá như trước.

Tuy nhiên, theo ông Bình, ngoài những khó khăn trong việc thương mại hóa các sản phẩm đã nghiên cứu, còn cơ chế quản lý đề tài khoa học với các quy định về lập dự toán nghiên cứu, giải ngân, nghiệm thu đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động nghiên cứu.

Do đó, trung tâm đã tự xây dựng, quản lý và chi tiêu theo cơ chế riêng, được sự chấp thuận của lãnh đạo thành phố trong việc “xé rào” nhằm tập hợp chất xám và thu hút nguồn trí thức từ nước ngoài. “Nếu nơi tiếp nhận trí thức khoa học Việt kiều không thông thoáng thì không thể làm được điều này” - ông Bình khẳng định.

Trong khi đó, ông Ngô Đắc Thuần, Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật của SSC (Saigon Silicon City), cho rằng rào cản lớn nhất hiện nay khiến các nhà khoa học nói riêng và kiều bào nói chung ngần ngại trở về Việt Nam là thủ tục hành chính, chính sách quá rườm rà.

Nhiều nghị định, nhiều thông tư thay đổi xoành xoạch, chưa kể nhiều chính sách còn gây khó cho doanh nghiệp.

Theo ông Thuần, với ngành công nghiệp phần cứng, để làm ra cái board mạch bắt buộc phải nhập máy móc về và chỉ cần sử dụng máy second hand, vì vòng đời thiết bị này dài, nếu mua máy mới thì thời gian khấu hao lâu. Tuy nhiên, quy định hiện nay không cho nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng trên 5 năm.

Chưa hết, theo ông Thuần, luật quy định thuế VAT của máy móc thiết bị công nghệ cao nhập khẩu là 0%, trong khi thực tế doanh nghiệp khi nhập về phải đóng ngay 10% VAT và một năm sau mới được hoàn lại.

“Tiếng là một năm mà không bao giờ đúng một năm, nên có doanh nghiệp đã phải bỏ ra hàng chục triệu USD nhập khẩu thì số tiền phải tạm bị “trưng dụng” không hề nhỏ chút nào, làm doanh nghiệp mới đầu tư, phát triển bị hụt mất một số tiền dùng để làm vốn ban đầu” - ông Thuần than.

Thiếu cơ chế khai thác nguồn lực kiều bào

Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết hiện vẫn chưa thống kê được sự đóng góp chất xám từ phía các kiều bào ở nước ngoài.

Nhưng nếu thống kê được cũng không thể nào nói hết vì nguồn lực và tiềm năng người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn. Nếu chấp nhận tỉ lệ thống kê 10% trong 4 triệu người Việt đang ở nước ngoài có trình độ thạc sĩ trở lên, lực lượng trí thức Việt kiều đang có khoảng 400.000 người.

Và việc mỗi năm có khoảng 200 - 300 trí thức Việt kiều về lập dự án hoặc làm ăn tại Việt Nam thì con số này vẫn “không là gì” so với tiềm năng nguồn lực.

“Tiếp xúc với các nguồn lực trí thức là Việt kiều, tôi thấy vướng mắc lớn nhất hiện nay là thủ tục hành chính. Nhà nước đang thiếu một cơ chế thủ tục hành chính thông thoáng, minh bạch và công khai để họ có thể tiếp cận được” - ông Bình thừa nhận.

Theo ông Ngô Đắc Thuần, chính sách luôn nói ưu đãi cho doanh nhân Việt kiều nhưng thực tế thì không phải vậy, và nếu có cũng không ưu đãi gì nhiều lắm.

Chẳng hạn tại Khu công nghệ cao TP HCM, Intel hay Samsung được rất nhiều ưu đãi, thậm chí vượt khung như tiền thuê đất là 0 đồng, nhưng dự án Silicon City vừa động thổ thì tiền thuê đất vẫn là 0,8 USD/m2, toàn dự án này là 52 ha thì số tiền thuê đất bỏ ra không hề nhỏ.

Chưa hết, TP HCM cũng đã lập ra một số quỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt kiều làm khoa học theo hướng đầu tư đối ứng. Nhưng đã hơn 5 năm nay, vẫn có không ít doanh nghiệp Việt kiều chưa tiếp cận được quỹ này, khiến cho các doanh nghiệp đến sau cũng nản!

Cũng theo ông Thuần, vấn đề quan trọng hiện nay là chính quyền và sở ngành các cấp phải xây dựng lại niềm tin cho các nhà khoa học, để họ còn có động lực tiếp tục đeo đuổi các dự án đầu tư có thể phát triển kinh tế cho đất nước.

Thứ đến là phải cải tổ triệt để những chính sách ban hành nửa vời, không phù hợp với thực tế, đồng thời thu hẹp khoảng cách trong đào tạo giữa nơi tổ chức đào tạo với người theo học, không thể để tình trạng đào tạo ra nhưng không thể sử dụng được vì không phù hợp với điều kiện hoạt động thực tế.

“Chỉ khi nào làm chủ được khoa học công nghệ mới nghĩ đến việc phát triển kinh tế được” - ông Thuần chia sẻ.

Sẽ có cơ chế kết nối với nguồn lực trí thức kiều bào

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân khẳng định “những vướng mắc, rườm rà về thủ tục hành chính, những trở ngại không đáng có trong công tác nghiên cứu, đào tạo và cả thương mại hóa sản phẩm của giới làm khoa học dứt khoát sẽ chấm dứt trong thời gian tới”.

Ngoài ra, theo ông Quân, không chỉ Chính phủ mà các sở ngành, viện trường cũng sẽ là nơi kết nối trực tiếp với nguồn lực trí thức khoa học từ nước ngoài về Việt Nam, thông tin những dự án, nhu cầu cũng như nguồn lực cần đáp ứng cho các loại hình đầu tư mà các nhà khoa học từ nước ngoài về đang muốn triển khai tại Việt Nam.

“Thông qua những dự án, công việc cụ thể, các nguồn lực trí thức sẽ được đảm bảo không chỉ về mặt vật chất mà còn đảm bảo các quyền liên quan, từ việc sở hữu trí tuệ cho tới các bằng sáng chế, phát minh được thực hiện tại Việt Nam sẽ được thực thi theo đúng quy định của pháp luật, kể cả pháp luật quốc tế trong các tình huống có liên quan đến tranh chấp sở hữu trí tuệ” - ông Quân khẳng định.

Riêng với các dự án khởi nghiệp tầm quốc gia, ông Quân cho biết hiện Bộ Khoa học - công nghệ đang có quỹ phát triển khoa học - công nghệ quốc gia, chuyên tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản và quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp để đổi mới công nghệ.

Bộ đang xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, dự kiến trong năm nay sẽ ban hành đạo luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thì sẽ có quy định một chương, điều về quỹ đầu tư mạo hiểm này cho chương trình khởi nghiệp quốc gia.

 

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160218/thue-viet-kieu-lam-giam-doc-sao-lai-khong/1053064.html

Theo Hồng Nhung-Trần Vũ Nghi/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm