Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thuế nước ngọt, nỗi ám ảnh béo phì và cuộc tranh cãi khắp Á Âu

Trên thế giới có khoảng 20 quốc gia đang áp dụng thuế đường. Với mục đích giảm nguy cơ béo phì, thuế đường gây tranh cãi khi làm tăng chi phí sản xuất, giảm doanh thu ngành F&B.

thue duong, tranh cai, a au anh 1

Thuế đường (thường được áp dụng đối với nước ngọt) luôn là đề tài gây tranh cãi ở bất cứ quốc gia nào. Những người ủng hộ xem thuế đường như một cách giải quyết tình trạng béo phì bằng cách hạn chế tiêu dùng, khuyến khích sản xuất đổi mới và tạo ra sáng kiến y tế cộng đồng.

Ngược lại, những người phản đối cho rằng, biện pháp này kém hiệu quả, khiến tăng chi phí sản xuất và các công ty chỉ đơn giản là sẽ đẩy mạnh kinh doanh ở khu vực không có thuế đường.

Năm 2017, UAE, Bồ Đào Nha và Sri Lanka đã áp dụng thuế đường đối với đồ uống chứa đường. Anh, Ireland và Nam Phi cũng bắt đầu áp dụng từ năm 2018 này.

Mỹ

Cả thuế đường và thuế soda đã được áp dụng ở một số bang của Mỹ làm cuộc tranh cãi ngày càng trở nên nóng hơn. Chủ tịch Coca-Cola ở Bắc Mỹ, Sandy Douglas phát biểu tại một hội nghị rằng thuế này ở Philadelphia là một "thảm họa" khi tăng chi phí và khiến tình hình kinh doanh giảm sút. PepsiCo sau đó đã ngừng bán loại 2 lít và 12 lon ở một số nơi. CEO của PepsiCo - Indra Nooyi lên tiếng phản đối các loại thuế "thụt lùi" không công bằng nhắm tới một ngành hàng.

Tháng 8/2017, một công ty nghiên cứu thị trường cho biết doanh số đồ uống có đường giảm đáng kể tại thị trường Philadelphia 5 tháng sau khi luật có hiệu lực nhưng lại tăng ở các nơi khác. Điều này cho thấy, khách hàng chỉ đang chuyển địa điểm mua sắm thay vì từ bỏ thói quen uống nước ngọt.

Tuy nhiên, trung tâm Khoa học về Lợi ích Cộng đồng (CSPI) cho biết đánh thuế ở Berkeley, CA và Mexico đã giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường và tăng tiêu thụ đồ uống lành mạnh, đồng thời tạo doanh thu cho các biện pháp y tế công cộng khác.

Mexico, Colombia, Chile, Caribbean

 Mexico đánh thuế 1 peso trên 1 lít soda từ năm 2014. Một phân tích được công bố trên tạp chí Y tế vào tháng 3/2017 cho biết trong năm đầu tiên đã giảm được 5,5% nhu cầu và tiếp tục giảm 9,7% trong năm thứ hai đối với sản phẩm có chứa nhiều đường này.

Trong khi đó, tại Columbia, đề xuất khoản thuế 20% trên đồ uống ngọt đường đã bị dập tắt vào ngày cuối cùng của năm 2016 sau khi bị loại khỏi một gói đại tu thuế lớn.

Chile áp dụng thuế đối với đồ uống có đường từ tháng 9/2014 và giảm thuế đối với đồ uống không có đường, trong khi Barbados và Dominica đánh 10% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường vào năm 2015.

thue duong, tranh cai, a au anh 2
Mexico đánh thuế 1 peso trên 1 lít soda từ năm 2014 .

Anh

Nhà chức trách Anh ngày 6/4 đã tiến hành đánh thuế đối với các loại nước uống có đường để giảm bớt tình trạng béo phì và sâu răng ở trẻ em do đồ uống này gây ra.

Theo đó, những loại nước uống có chứa 5g đường trong 100 ml nước sẽ phải chịu mức thuế 0,21 euro (0,25 USD) cho mỗi lít nước, trong khi những nước uống có hàm lượng đường hơn 8 g/100 ml sẽ bị áp thuế 0,31 USD/1 lít nước.

Những loại nước uống có đường bán chạy nhất như Fanta, Ribena và Lucozade đã giảm hàm lượng đường để tránh loại thuế trên, tuy nhiên 2 loại nước uống Coca-Cola và Pepsi sẽ phải nộp thuế trên do hàm lượng đường lên tới mức hơn 10 g đường/ lít nước.

Chính phủ Anh hy vọng sẽ thu được 274 triệu euro (335 triệu USD) mỗi năm từ loại thuế này.

Pháp

Trước Anh, năm 2012, Pháp cũng đã đánh thuế 7 xu/lít với đồ uống có đường hay bất kỳ chất tạo ngọt nào khác. Việc đánh thuế không chỉ mang lại ít nhất 120 triệu euro/năm cho ngân sách Pháp mà còn tác động ngay lập tức lên thói quen tiêu dùng của ngươi dân.

Lần đầu tiên trong vòng 8 năm, lượng tiêu thụ đồ có ga đã giảm và tiếp tục giảm trong những năm sau đó. Tuy nhiên chưa dừng lại ở đây, vào tháng 10 năm ngoái, chính phủ nước này tiếp tục tăng thuế lên 19 xu/lít cho các sản phẩm có hàm lượng đường trên 11g/100ml.

Canada

Tháng 2/2017. chính phủ Canada đã thông báo kế hoạch áp thuế nước ngọt dự kiến vào năm 2018-2019.

Các tổ chức sức khỏe của nước này kêu gọi chính phủ áp thuế đường, cho rằng nó sẽ cứu sống được tới 13.000 mạng sống trong vòng 25 năm tới và thu về 11,5 tỷ CAD (8,6 tỷ USD).

Ấn Độ

Tháng 7/2017, một báo cáo chỉ ra hàng trăm hãng sản xuất đồ uống của Ấn Độ đang chuẩn bị sản xuất nước hoa quả có ga nhằm phá vỡ kế hoạch GST mới được triển khai trước đó.

Nếu làm vậy, các nhà sản xuất tin rằng sản phẩm của họ sẽ chỉ chịu thuế 12% thay vì tới 40% đối với các loại nước ngọt có ga như Coke, Pepsi và Sprite.

Thái Lan

Thái Lan, một quốc gia trong khối ASEAN đang lên kế hoạch áp thuế 20% đối với các loại đồ uống chứa đường.

Ngoài ra, để khuyến khích các nhà sản xuất đồ uống giảm lượng đường trong sản phẩm của họ, hải quan nước này cũng sẽ áp thuế giảm dần theo lượng đường từ 15%, 10%, 5% thậm chí miễn thuế. Các nhà sản xuất sẽ có 2 năm để chuẩn bị.

Hong Kong

Thay vì đánh thuế vào đường, Hong Kong lại đưa ra hệ thống ghi nhãn đồ ăn và đồ uống, tăng cường các chương trình về đồ ăn có lợi cho sức khỏe tại các trường học và giới thiệu chương trình hiển thị nội dung calo trong căn-tin.

Một chai nước ngọt có ga chứa bao nhiêu đường? Bạn có biết trong một chai nước ngọt có ga chứa bao nhiêu đường? Zing.vn thực hiện những thí nghiệm sau để bạn có cách nhìn chân thực nhất.

V.Thùy

Bạn có thể quan tâm