Quản lý lỏng lẻo, chồng chéo
Báo cáo của UBMTTQ TP.HCM, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, toàn TP đã có đến 56 vụ ngộ độc thực phẩm với 1874 người ngộ độc, có tới 16 người tử vong. Theo Chi cục ATVSTP TP, số vụ ngộ độc đã giảm 28% so với những năm trước đây.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng chi cục ATVSTP - cũng cho rằng, việc quản lý ATTP trên địa bàn TP còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Tiêu biểu như nguồn nông sản, thực phẩm nhập vào TP chưa được kiểm soát nguồn gốc. Hiện nay có khoảng 80% số sản phẩm nông sản tại TP là được nhập về từ các tỉnh khác. Trong khi đó, việc kiểm soát ATTP chủ yếu thông qua test nhanh và lấy mẫu tại 3 chợ đầu mối, và các mẫu này cũng chỉ mang tính “đại diện”.
Hơn nữa, vì TP.HCM chưa có kho lạnh nên nếu kết quả test nhanh các mẫu hàng trên cho ra kết quả dương tính, thì việc lưu giữ lô hàng để chờ định lượng là điều không thể. Khi kết quả định lượng cho thấy có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép thì lô hàng đã được lưu thông ra ngoài thị trường, đã được người dân tiêu thụ.
Theo ông Hòa, việc quản lý kinh doanh và sử dụng phụ gia cũng là một vấn đề “nhức nhối” đối với cơ quan chức năng. Tại một số chợ, phụ gia thực phẩm lẽ ra cần được quản lý riêng thì lại được bày bán chung với phụ gia ngành công nghiệp. Đối với phụ gia sang chiết thì việc ghi nhãn cũng chưa được thực hiện đúng.
Thực phẩm bẩn gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Trong khi đó, đến nay, luật vẫn không quy định người kinh doanh phụ gia phải có chứng chỉ hành nghề trước khi được cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Người kinh doanh phụ gia hạn chế về kiến thức nên chưa đủ trình độ hướng dẫn cho người sử dụng. Đó là một trong những lý do các cơ sở kinh doanh thức ăn và người dân vẫn “vô tư” sử dụng phụ gia ngoài danh mục hoặc vượt quá hàm lượng cho phép.
Người dân biết ăn gì?
Những năm gần đây, thông tin liên quan đến các chất nguy hại có trong thực phẩm liên tục trở thành vấn đề người dân quan tâm, bức xúc. Có thể liệt kê như Melamine trong sữa và các sản phẩm từ sữa; bột bắp rang cháy có trong bột cà phê; DEHP dùng làm chất tạo đục, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, gia súc gia cầm; Tinopal có trong bún; 3-MCPD có trong nước tương; các chất tăng trọng, tạo nạc ở lợn; hóa chất không rõ nguồn gốc làm thịt thối rữa trở thành thịt tươi; hóa chất nhuộm màu gia cầm…
GS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó chủ tịch UB TƯMTTQ TP - cho rằng, rất khó dự đoán và kiểm soát hết tất cả những chất nguy hại có thể có trong thực phẩm với số lượng hóa chất lớn và rất đa dạng hiện nay. Phần lớn các phương tiện kiểm nghiệm hiện có trong nước chủ yếu kiểm soát các đối tượng nhắm đến, chứ chưa cho phép nhận diện thêm các chất lạ khác không nằm trong tầm nhắm.
Khi cơ quan chức năng than khó trong quản lý nguồn gốc, khó kiểm soát các chất nguy hại có trong thực phẩm kiểm nghiệm thì người tiêu dùng có thông thái cũng bó tay.Hiện nay, một số mặt hàng thực phẩm có thể còn phải chịu sự quản lý của 3 bộ: NNPTNT, Công Thương, Y tế và thêm Hải quan nếu được nhập từ nước ngoài về. Theo GS Sơn, sự chồng chéo đó vừa gây khó cho quản lý, vừa làm nhà sản xuất tốn kém chi phí khi muốn đưa sản phẩm ra thị trường.