Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kính viễn vọng 10 tỷ USD liệu có phủ nhận thuyết Big Bang

Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định những dữ liệu thu được từ kính viễn vọng James Webb mâu thuẫn với thuyết Big Bang.

Gần 100 năm qua, giả thuyết Vụ nổ Lớn (Big Bang) vẫn luôn được các nhà khoa học vũ trụ đưa ra và chấp nhận rộng rãi như một cách giải thích về sự khởi đầu của vũ trụ. Theo thuyết này, một vụ nổ lớn cách đây 13,7 tỷ năm đã khai sinh ra toàn bộ vũ trụ hiện nay khiến không gian liên tục mở rộng ra từ một điểm (gọi là điểm kỳ dị).

Nhưng niềm tin này gần đây đã có phần lung lay khi những hình ảnh từ kính viễn vọng James Webb đã mâu thuẫn với thuyết Big Bang. Một nhà nghiên cứu còn cho biết dữ liệu thu được từ kính James Webb đang khiến giới khoa học lý thuyết cảm thấy “hoảng sợ”.

Nhưng theo Cnet, những lo ngại này chưa đủ căn cứ.

Tin don Big Bang anh 1

James Webb được xem là kính viễn vọng không gian mạnh mẽ nhất từng được chế tạo. Ảnh: NASA.

Bài viết gây chú ý

Câu chuyện James Webb "viết lại" thuyết Big Bang bắt nguồn từ một bài viết đăng trên tạp chí của Viện Ý tưởng và Nghệ thuật Vương quốc Anh (IAI) hôm 11/8. Tác giả của bài viết này là nhà văn khoa học Eric Lerner, người viết cuốn sách The Big Bang Never Happened (Big Bang chưa từng xảy ra).

Bài đăng của ông đã được người đọc quan tâm và chia sẻ trên khắp các mạng xã hội. Điều này cũng dễ hiểu vì đây vốn là một quan điểm gây tranh cãi và thách thức sự hiểu biết từ trước đến nay của con người về vũ trụ. Bài viết này còn liên quan đến James Webb, thiết bị thiên văn học tân tiến nhất hiện nay, có khả năng nhìn thấy những vật thể mà hàng loạt kính thiên văn trước đó không thể.

Tin don Big Bang anh 2

Alison Kirkpatrick đã đổi tên tài khoản Twitter của mình để khẳng định rằng thuyết Big Bang vẫn đúng.

Những mâu thuẫn liên quan đến thuyết Big Bang bắt nguồn từ bức xạ nền (cosmic microwave background - CMB) được phát hiện vào năm 1964. Đây được cho là bức xạ còn sót lại từ Vụ nổ Lớn, ngay khi vũ trụ hình thành và các nhà khoa học có thể “nhìn thấy” nó bằng vệ tinh nhận diện được sóng điện từ.

Vì thế, để chứng minh thuyết Big Bang sai, các nhà khoa học cần tìm cách giải thích khác về bức xạ nền. Trong khi đó, Lerner đã bỏ qua khái niệm này, nên những lần nêu quan điểm của ông trước đây đã bị các tạp chí khoa học phủ nhận.

Bên cạnh đó, kính viễn vọng James Webb không thể nhìn thấy và phân tích những dữ liệu về bức xạ nền khi vụ nổ Big Bang diễn ra. Kính viễn vọng này chỉ có thể tham chiếu dữ liệu vài trăm triệu năm sau sự kiện này. Do đó, việc kết luận rằng rằng những dữ liệu của nó mâu thuẫn với thuyết Big Bang vẫn còn quá sớm.

Alison Kirkpatrick, nhà thiên văn học tại Đại học Kansas, Lawrence (Mỹ) thậm chí cho rằng dữ liệu từ James Webb có thể chứng minh cho thuyết Big Bang, bởi chúng cho con người nhìn lại hình ảnh vũ trụ từ thời cổ xưa nhất trước giờ.

"Nó cho thấy các thiên hà sơ khai rất khác biệt so với thiên hà của chúng ta ngày nay, chúng nhỏ hơn nhiều", bà Kirkpatrick nhận định.

Giới nghiên cứu không thực sự "hoảng sợ"

Lerner đã sử dụng một vài nghiên cứu về James Webb để phủ nhận thuyết Big Bang. Tuy nhiên, việc Lerner khẳng định những dữ liệu này khiến giới thiên văn học “hoảng sợ” là hoàn toàn sai sự thật.

Trước hết, ông đã đề cập đến một nghiên cứu về kính James Webb bắt đầu bằng từ “Panic!” (Hoảng sợ) và gọi đây là cách các nhà khoa học cảm thán khi nhận được những bằng chứng mâu thuẫn với thuyết Big Bang.

Trên thực tế, tiêu đề đầy đủ của bài nghiên cứu là "Panic! At the Disks: First Rest-frame Optical Observations of Galaxy Structure at z>3 with JWST in the SMACS 0723 Field”.

Khi đó, nhà thiên văn học Leonardo Ferreira, tác giả của bài nghiên cứu, đã lấy tên ban nhạc “Panic! at the Disco” nổi tiếng vào những năm 2000 cho tiêu đề bài viết của mình. Đây là một câu nói đùa, không biểu thị bất cứ trạng thái khủng hoảng trong ngành vũ trụ học nào.

Bên cạnh đó, Lerner còn hiểu sai ý của Alison Kirkpatrick khi trích dẫn câu nói của bà.

Tin don Big Bang anh 3

Những dữ liệu thu được từ James Webb chưa đủ để phủ nhận thuyết Big Bang. Ảnh: NASA.

Trong bài viết, Lerner đã nhắc đến câu nói của Alison Kirkpatrick được đăng trong tạp chí Nature ngày 27/7 như sau: "Ngay bây giờ, tôi thức trắng lúc 3h sáng, tự hỏi rằng mọi công trình của mình liệu có sai lầm hay không".

Theo Cnet, chia sẻ này của Kirkpatrick không liên quan đến thuyết Big Bang. Điều bà muốn nói đến là những dữ liệu đầu tiên James Webb gửi về đã cho thấy sự tiến hóa của vũ trụ.

Mới đây, trên Twitter cá nhân, Kirkpatrick cũng khẳng định rằng mọi người đã hiểu sai ý của bà trong câu nói và thậm chí còn đổi tên tài khoản của mình thành "Allison the Big Bang happened Kirkpatrick” (tạm dịch: “Allison thuyết Big Bang vẫn đúng Kirpatrick”).

Trong bài viết trên IAI, Lerner còn nói rằng quan điểm của ông đã bị tạp chí thiên văn cấm xuất bản. Ông cho biết thuyết mới ông đưa ra sẽ góp phần quan trọng để phát triển năng lượng nhiệt hạch trên Trái Đất. Song, theo Cnet, việc bài viết này dẫn đến đường link trang web của LPPFusion, công ty phát triển công nghệ của Eric Lerner, tồn tại rất nhiều mờ ám.

Đến nay, những dữ liệu từ James Webb mới chỉ được công bố khoảng một tháng. Chúng chưa đủ để phủ nhận hàng thập kỷ nghiên cứu của giới thiên văn, cũng như nền tảng tạo nên thuyết Big Bang. Để khẳng định điều này, giới khoa học sẽ cần thêm thời gian.

Thuyết Big Bang có thể sai

Những hình ảnh từ kính viễn vọng James Webb đặt ra nhiều nghi vấn về sự tồn tại của vũ trụ giãn nở, yếu tố giúp các nhà khoa học đặt ra thuyết Big Bang.

NASA sắp gửi iPad lên quỹ đạo Mặt Trăng

NASA sẽ trang bị iPad trên chuyến bay Artemis 1 để thử nghiệm hệ thống trợ lý ảo giọng nói, hỗ trợ phi hành gia trong sứ mệnh trở lại Mặt Trăng.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm