Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thực hư chuyện ngân hàng lãi 'khủng'

“Khó khăn mà vẫn lãi lớn, thật tài”, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đã thốt lên khi nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh của một số ngân hàng sau 9 tháng.

Thực hư chuyện ngân hàng lãi 'khủng'

“Khó khăn mà vẫn lãi lớn, thật tài”, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đã thốt lên khi nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh của một số ngân hàng sau 9 tháng.

Chuyên gia này chia sẻ, tại các nước khác, ngân hàng có xu hướng giấu, giảm lợi nhuận và tăng dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu cũng như chi phí. Mục đích của việc làm này là để “trốn thuế” cũng như tìm cách giữ lại một phần dự trữ nhằm phòng trừ các trường hợp thanh khoản biến động. Nhưng tại Việt Nam, xu hướng của phần lớn các ngân hàng là tăng lợi nhuận. Mục đích của việc này, theo phân tích của chuyên gia nói trên, là để làm đẹp lòng cổ đông. “Ở Việt Nam, việc chi trả cổ tức quan trọng vì nhiều người nhìn vào tỷ lệ này để quyết định đầu tư cũng như đánh giá uy tín của doanh nghiệp”, ông nhận định.

 

Chuyên gia khuyên không nên tin tuyệt đối vào sổ sách của các ngân hàng, do đó, có thể lợi nhuận cũng sẽ không như công bố

Vì thế, theo ông, không có gì bất thường khi một số ngân hàng vẫn báo lãi. Chẳng hạn như Đông Á cho biết với con số hơn 1.042 tỷ đồng so với kế hoạch cả năm là 1.255 tỷ đồng hay Vietcombank công bố lợi nhuận trước thuế trên 1.081 tỷ đồng, tăng 5,46% so với cùng kỳ 2011. Một “ông lớn” khác là Vietinbank cũng cho hay lãi trước thuế quý III là hơn 3.177 tỷ đồng tăng trên 70,3% so với cùng kỳ 2011, sau thuế vượt 2.414 tỷ đồng. Nhà băng này lý giải, lợi nhuận tăng do đã cắt giảm bớt chi phí, trong đó có lương nhân viên.

Tính đến thời điểm này, Bưu điện Liên Việt là một trong những cái tên ngân hàng có mức lợi nhuận khiêm tốn hơn cả, chỉ đạt hơn 518 tỷ đồng trong khi chỉ tiêu đặt ra cả năm cho lợi nhuận trước thuế của nhà băng này là 1.500 tỷ đồng. Còn nhà băng báo lỗ là ACB với số tiền gần 500 tỷ đồng. Cụ thể, khoản lỗ từ đầu năm đến nay do kinh doanh vàng, ngoại hối lên tới hơn 1.144 tỷ đồng từ đầu năm và dự kiến còn có thể phát sinh thêm trong quý IV. Dư nợ tín dụng có khả năng mất vốn của nhà băng này cũng tăng hơn 500 tỷ đồng sau 9 tháng.

Có lời chúc mừng các ngân hàng báo lãi, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, xét theo hướng tích cực, việc ngân hàng vẫn cán đích lợi nhuận, thậm chí vượt kế hoạch đề ra sau 9 tháng là một “điểm sáng” của nền kinh tế. Ông nói: “Hệ thống ngân hàng gần như là ‘bộ tuần hoàn’ của nền kinh tế, nếu suy yếu thì nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng, và ngược lại”.

Nếu nhìn theo hướng tiêu cực hơn, chuyên gia này cho rằng, sẽ có ý kiến bức xúc khi thấy ngân hàng đạt lợi nhuận, ăn nên làm ra trong khi các doanh nghiệp khác lao đao, đóng cửa và phá sản. Định kiến “ngân hàng dùng ưu thế của mình sống trên lưng xã hội” có thể xuất hiện, dù thực tế thì hoạt động ngân hàng phải đối mặt với nhiều rủi ro. Do đó, ông Hiếu cho biết, cũng sẽ có những ngân hàng khó khăn và thua lỗ. Theo dự đoán của ông, con số có thể lên tới một nửa các nhà băng trong hệ thống.

Một chuyên gia kỳ cựu khác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì cho rằng, đừng nên tin tuyệt đối vào sổ sách của các nhà băng. Ông cho rằng, không nên chỉ nhìn số liệu các đơn vị này báo cáo mà tin rằng có lãi, vì cần căn cứ vào một số yếu tố khác như hạch toán thu chi, nợ xấu được giấu, chi phí vốn cũng như thu nhập không được hạch toán một cách chính xác.

Thậm chí, một số nhà băng có thủ thuật tái cơ cấu lại các khoản nợ xấu để không phải trích lập dự phòng rủi ro, đẩy lợi nhuận lên. “Nếu các chỉ tiêu này không chính xác, thì kết quả bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cũng chưa chắc được thực hiện đúng. Vì thế, không thể dựa vào lợi nhuận để đánh giá bức tranh hoạt động của ngân hàng”, chuyên gia này chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một ngân hàng tại Hà Nội có lợi nhuận không mấy khả quan cho biết, nhân tố tác động giảm lợi nhuận trong 9 tháng qua, chủ yếu do không tăng trưởng được cho vay, trong khi nợ xấu chưa được giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, việc điều chỉnh lãi suất cho các khoản vay cũ từ trên 20%/năm xuống còn 15%/năm cao nhất cũng tác động trực tiếp đến doanh thu của ngân hàng.

“Nợ xấu từ những năm trước còn đọng lại, tới một lúc nào đó phải hạch toán, trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cũng ăn vào lợi nhuận”, lãnh đạo này chia sẻ. Ông này cho biết thêm, các nghiệp vụ liên quan đến vàng bị siết, tiền lãi thu từ dịch vụ, đầu tư... giảm đi cũng tác động đáng kể tới con số lợi nhuận. Vì thế, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, số ngân hàng lỗ sẽ nhiều hơn lãi.

Lan Anh

Theo Infonet

Lan Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm