Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Bi kịch' lợi nhuận ảo hàng nghìn tỷ của ngân hàng 

Số lãi hàng nghìn tỷ đồng mà nhiều nhà băng công bố có thể chuyển thành con số âm hoặc giảm mạnh nếu họ trích lập đủ dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu.

'Bi kịch' lợi nhuận ảo hàng nghìn tỷ của ngân hàng 

Số lãi hàng nghìn tỷ đồng mà nhiều nhà băng công bố có thể chuyển thành con số âm hoặc giảm mạnh nếu họ trích lập đủ dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu.

Ngân hàng 'sợ' lãi lớn

Theo số liệu ước tính, hết 6 tháng đầu năm, Vietcombank đạt khoảng 2.600 tỷ đồng lợi nhuận, Sacombank đạt 1.700 tỷ và Ngân hàng Đông Á là 776 tỷ. Trước đó, Habubank cho biết lợi nhuận trước thuế hết quý I/2012 là hơn 39 tỷ đồng, Ngân hàng Quân đội lãi trước thuế 903 tỷ; Vietinbank lãi trong 4 tháng đầu năm khoảng hơn 2.000 tỷ...

Trong bối cảnh kinh tế đình đốn, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, nhưng nhiều nhà băng vẫn báo lãi hàng nghìn tỷ đồng tạo ra một nghịch cảnh kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng báo lãi lại đang “khóc thầm”. Tổng giám đốc một nhà băng cỡ vừa tại Hà Nội cho biết, lợi nhuận mà các ngân hàng công bố có yếu tố ảo rất lớn do chưa tính đủ trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu. “Nếu tính đúng, tính đủ, nhiều ngân hàng còn lỗ lớn chứ chẳng có lãi như hiện nay”, ông này nói.

Một số ngân hàng có thể không lãi như công bố nếu trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, nợ xấu tính đến hết tháng 5/2012 là 4,47% trên tổng dư nợ và tổng số tiền các nhà băng đã trích lập dự phòng rủi ro là 67.000 tỷ đồng. Trước đó, tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ, nợ xấu thực tế của hệ thống ngân hàng lên tới 10%.

Trao đổi với phóng viên, một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, có sự khác biệt giữa 2 con số này là bởi việc tính nợ xấu theo các chuẩn khác nhau. Số nợ 10% là theo chuẩn mới nhưng chưa được áp dụng chính thức trong các báo cáo công bố của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đây là chỉ tiêu cơ quan quản lý phải nắm được để đánh giá đúng thực trạng sức khỏe hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, thành viên hội đồng quản trị một ngân hàng tại TP HCM chia sẻ, số liệu thực về nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế có thể cao hơn nhiều con số 10%. Ông này cho biết, các tổ chức quốc tế như Fitch đánh giá nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam cao hơn khoảng 3 lần so với con số công bố chính thức theo tiêu chuẩn trong nước.

Vị này phân tích: “Chỉ cần nợ xấu tăng gấp đôi thôi, số tiền trích lập dự phòng bổ sung cũng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng và nhiều ngân hàng sẽ lỗ nặng”. Tuy nhiên, ông này cho biết, việc nhân đôi số lượng dự phòng rủi ro tổng thể (tăng thêm hơn 67.000 tỷ đồng nữa khi nợ xấu từ 4,47% lên hơn 10%) sẽ không chính xác mà nó phụ thuộc vào từng ngân hàng.

“Nhìn vào việc doanh nghiệp chết hàng loạt, sản xuất đình đốn, ngân hàng thừa tiền mà không dám cho vay vì sợ mất vốn thì có thể thấy rằng, việc trích lập dự phòng bổ sung sẽ không hề nhỏ với nhiều tổ chức tín dụng. Thậm chí, cả một số ngân hàng lớn cũng khó khăn chứ không nói đến đơn vị nhỏ”, ông này khẳng định. Còn tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, khi trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ xấu (theo tỷ lệ 10%), lợi nhuận thực tế của các ngân hàng có thể không cao như công bố.

Không bình luận về lợi nhuận thực tế của ngân hàng khi trích lập đủ dự phòng rủi ro cho nợ xấu nhưng ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) nói: “Cả nền kinh tế phát triển chậm, khách hàng của ngân hàng cũng khó khăn nên hoạt động kinh doanh không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng đặc biệt nguồn thu từ các khoản cho vay”.

Giải thích việc cứ phải công bố lợi nhuận ảo và hứng chịu búa rìu dư luận do lãi nghìn tỷ, tổng giám đốc một nhà băng thuộc nhóm G14 (14 ngân hàng trong nước lớn nhất) nêu ra 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, các VIP trong hội đồng quản trị ngân hàng đã cam kết về tăng trưởng lợi nhuận với cổ đông; nếu không đạt thì ngoài việc giá cổ phiếu xuống dốc, uy tín của họ bị suy giảm và có nguy cơ mất ghế.

Thứ hai, các ngân hàng cũng nhìn nhau trong việc công bố lợi nhuận; khi tổ chức tín dụng nhỏ, khó khăn chồng chất còn báo lãi thì nhà băng lớn không thể kém được.

Thứ ba, việc công bố lợi nhuận còn liên quan đến uy tín chung của ngân hàng trong việc huy động vốn – yếu tố sống còn trong bối cảnh hiện nay. Nếu ngân hàng lỗ hoặc lãi ít (với các nhà băng vốn lãi lớn nhiều năm liên tục), khả năng huy động sẽ giảm sút và điều này sẽ đẩy họ vào khó khăn còn lớn hơn.

Ông này kết luận: “Dư luận chỉ trích, chúng tôi cũng phải ráng chịu, chứ uy tín ngân hàng, rồi huy động sụt giảm mạnh thì còn mệt mỏi hơn nhiều”. Thành viên hội đồng quản trị một nhà băng lớn thì tiết lộ: “Có nhà băng cực khó khăn, lâm vào tình trạng bị kiểm soát nhưng vẫn lên báo công bố mình có hàng nghìn tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp thì bảo sao các ngân hàng khác dám công bố mình lỗ được. Đó cũng là một nguyên nhân của bi kịch lợi nhuận ảo hàng nghìn tỷ đồng”.

TUỆ MINH

Theo Infonet

TUỆ MINH

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm