Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lựa chọn bộ trưởng Tài chính của ông Trump ảnh hưởng kinh tế ra sao

Với việc chính thức đề cử ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump đang gửi một thông điệp mạnh mẽ về định hướng kinh tế của mình.

Ông Scott Bessent tại sự kiện vận động tranh cử của ông Trump tại Asheville. Ảnh: Reuters.

Là nhà đầu tư đầy kinh nghiệm và cũng có tiếng ôn hòa hơn so với nhiều ứng viên khác, sự lựa chọn dành cho ông Scott Bessen không chỉ làm yên lòng các nhà đầu tư mà còn tạo ra hy vọng về một chính sách tài chính ổn định hơn trong nhiệm kỳ sắp tới của Tổng thống Donald Trump.

Theo AP, ông Scott Bessent, 62 tuổi, là một nhà quản lý quỹ nổi tiếng với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực đầu tư toàn cầu. Ông đã từng làm việc cùng những tên tuổi huyền thoại như George Soros và Stanley Druckenmiller, góp phần không nhỏ vào thành công của những chiến lược đầu tư mang tính đột phá.

Tuy nhiên, Bessent không chỉ được biết đến với tài năng tài chính, mà còn bởi những quan điểm mạnh mẽ về giảm thâm hụt ngân sách, cải cách thuế và nới lỏng các quy định kinh doanh.

Nhân tố ổn định

Trước đó, thông tin về việc ông Trump có ý định đề cử Scott Bessent đã gây chú ý. Bộ Tài chính Mỹ đóng vai trò quan trọng với quyền giám sát rộng rãi về chính sách thuế, nợ công và tài chính quốc tế.

Các chiến lược gia đánh giá Bessent, người sáng lập công ty đầu tư Key Square Group tại Connecticut, là một lựa chọn “an toàn” so với các ứng cử viên khác. Bessent được kỳ vọng thuyết phục ông Trump chọn cách tiếp cận mềm mỏng hơn về thuế quan, giảm bớt quy định để thúc đẩy tăng trưởng và tập trung giảm thâm hụt ngân sách.

Susannah Streeter, Trưởng bộ phận tiền tệ và thị trường tại Hargreaves Lansdown, nhận định: “Việc ông Trump chọn Bessent làm Bộ trưởng Tài chính đã nâng cao tâm lý nhà đầu tư và Phố Wall dự kiến tiếp tục đà tăng trưởng. Kinh nghiệm lâu năm của Bessent trong việc điều hướng thị trường đã mang lại niềm tin về các chính sách ủng hộ doanh nghiệp sắp tới”.

Theo CNN, lựa chọn Bessent đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn tại Mỹ, bao gồm Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, người mô tả Bessent là một “lựa chọn xuất sắc” và Jeffrey Sonnenfeld, người sáng lập Viện Lãnh đạo CEO tại Yale, cũng ca ngợi Bessent là “một người thực tế và hợp lý”.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cánh tả như Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã chỉ trích mạnh mẽ lựa chọn này và cho rằng Bessent không đại diện cho lợi ích của tầng lớp lao động. Bà Warren tuyên bố: “Việc ông Trump chọn một nhà quản lý quỹ tỷ phú làm Bộ trưởng Tài chính chỉ cho thấy ông ấy tiếp tục duy trì một hệ thống thiên vị dành cho giới siêu giàu”.

Tony Carrk, Giám đốc điều hành của tổ chức tiến bộ Accountable.US, cũng bày tỏ lo ngại rằng nhiệm vụ đầu tiên của Bessent sẽ là thúc đẩy các chính sách cắt giảm thuế tiếp tục mang lại lợi ích cho tầng lớp thượng lưu.

Quan điểm về chính sách

Một số nhà phân tích cho rằng trong nhiệm kỳ mới này, ông Trump và Bessent sẽ sử dụng thuế quan như một công cụ đối ngoại mạnh mẽ.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đề xuất mức thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, 20% đối với hàng hóa từ các quốc gia khác và lên đến 2.000% đối với xe hơi sản xuất tại Mexico.

Bessent ủng hộ việc sử dụng thuế quan, nhưng với cách tiếp cận thận trọng hơn. Trong một bài phỏng vấn với CNBC, ông cho biết: “Thuế quan nên được áp dụng dần dần và có mục tiêu, để tránh gây ra những cú sốc lạm phát không cần thiết”.

Trong một cuộc phỏng vấn khác với Bloomberg, Bessent cũng nhấn mạnh rằng thuế quan có thể được coi là một “biện pháp trừng phạt kinh tế mà không cần gọi là trừng phạt”, giúp Mỹ gây áp lực lên các đối tác thương mại mà không cần áp dụng các biện pháp trừng phạt chính thức.

Trong một bài viết trên Fox News, Bessent cho rằng thuế quan có thể giúp đạt được các mục tiêu chính sách đối ngoại, từ việc yêu cầu các đồng minh chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng đến chống nhập cư trái phép và buôn lậu fentanyl.

ong Trump,  Bo Tai chinh My anh 1

Xe tải xếp hàng dài tại cầu vượt biên giới Mỹ - Mexico sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế quan 25% nếu nước này không siết chặt nhập cư trái phép và buôn lậu fentanyl. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, quan điểm này cũng gặp không ít chỉ trích. Nhiều nhà kinh tế, bao gồm Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cảnh báo rằng chính sách thuế quan của ông Trump có thể làm tăng chi phí sản xuất và gây ra tình trạng lạm phát, đặc biệt nếu được triển khai trên diện rộng.

Bên cạnh vấn đề thuế quan, AP cho biết Scott Bessent là một người ủng hộ mạnh mẽ việc giảm thâm hụt ngân sách, điều mà ông coi là “vấn đề lớn nhất của nền kinh tế Mỹ”. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông đã kêu gọi một chương trình giảm thâm hụt toàn diện, kết hợp với việc gia hạn các điều khoản của Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2017.

Dù các điều khoản cắt giảm thuế này được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chúng cũng được dự báo làm tăng thêm từ 6.000 tỷ USD đến 10.000 tỷ USD thâm hụt ngân sách Mỹ trong vòng 10 năm tới. Để giải quyết vấn đề này, Bessent đề xuất cắt giảm chi tiêu và tái cấu trúc thuế.

“Người dân Mỹ đang lo lắng về vấn đề nợ công. Chúng ta cần một chương trình giảm thâm hụt mạnh mẽ để đưa nền kinh tế trở lại trạng thái cân bằng”, Bessent nói.

Bessent ủng hộ mục tiêu “3-3-3”, tức là giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP vào năm 2028, đạt tăng trưởng kinh tế 3% và tăng thêm 3 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo CNBC.

Tác động tới thị trường tài chính toàn cầu

Một số chuyên gia cho rằng việc bổ nhiệm Bessent sẽ có lợi cho các đồng tiền châu Á trong thời gian tới.

“Quan điểm rằng Bessent là lựa chọn an toàn có thể giúp thị trường trái phiếu Mỹ và các đồng tiền châu Á, đặc biệt là đồng nhân dân tệ”, Scott Spratt, chiến lược gia tại Societe Generale, nhận định.

Trong khi đó, CEO Tesla Elon Musk chỉ trích Bessent là một lựa chọn “theo lối mòn” đồng thời cho rằng Mỹ cần sự thay đổi táo bạo hơn.

Bessent cũng được biết đến là người ủng hộ ngành công nghiệp tiền mã hóa. Ông có thể trở thành Bộ trưởng Tài chính Mỹ đầu tiên công khai ủng hộ tài sản kỹ thuật số, phù hợp với cam kết của ông Trump đưa Mỹ trở thành “thủ đô tiền mã hóa của thế giới”.

Thực tế, giá Bitcoin đã tăng vượt mốc 99.000 USD vào tuần trước, khi các nhà đầu tư ngày càng kỳ vọng vào sự trở lại của ông Trump. Tuy vậy, hiện giá đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đang suy yếu và phổ biến giao dịch dưới mốc 94.000 USD/BTC.

USD tăng vọt, nhân dân tệ rớt giá sau tuyên bố của ông Trump

Chỉ số USD-Index tăng mạnh nhờ thông tin áp thuế mạnh mẽ mà Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa tuyên bố.

Đồng USD có thể mạnh đến mức nào khi ông Trump trở lại Nhà Trắng?

Ông Trump mong muốn đồng USD yếu đi để các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ có thêm lợi thế cạnh tranh. Nhưng thực tế, đồng bạc xanh đã vọt tăng sau khi ông tái đắc cử.

Trung Quốc chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại 2.0 với ông Trump

Nếu Trung Quốc tận dụng cơ hội để hồi phục kinh tế nội địa và thúc đẩy hệ thống đa phương, cuộc chiến thương mại mới có thể trở thành “món quà chiến lược” cho Bắc Kinh.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm