Khi phát hiện ung thư, nhiều người thay vì điều trị đúng bài bản đã vội quay lưng tin vào các bài thuốc đông y chưa được kiểm chứng.
Hết gạo lức, muối mè, xáo tam phân, sâm, nấm, lá đu đủ, thơm… cho đến tê giác, nhung hươu, rắn… Bệnh chưa thấy khỏi mà nhiều người đã chết trong đau đớn vì quá hy vọng vào các bài thuốc Đông y.
Bài thuốc của… tử tù
Một bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã đưa cho phóng viên tờ giấy photocopy giới thiệu thang thuốc “thần sầu” chữa ung thư và nói: “Tôi không muốn nhìn thấy cảnh bệnh nhân bỏ ngang phương pháp điều trị tây y mà chạy theo phương thuốc đông y để rồi bỏ lỡ thời gian vàng”.
Đập vào mắt của người xem là dòng chữ: “Thang thuốc thần kỳ mới nhất chữa bệnh ung thư” với lời mở đầu: “Thang thuốc này do một tử tù trước lúc chết sợ thất truyền mới tiết lộ bí mật gia truyền này. Từ đó đến nay, biết bao người đã nhờ đó mà được cứu sống. Mong mọi người truyền bá rộng rãi làm từ thiện cứu nhân tích đức”.
Cụ thể toa thuốc này gồm năm vị: 6 quả lớn hồng táo; 1 ngọn lá thiết thụ (nếu không có thì thay bằng 1 nắm thiên niên kiện); 1 lạng bán chi liên; 2 lạng bạch hoa xà thiệt thảo; 2 lạng bồ công anh. Cách sử dụng thang thuốc trên làm 2 lần rất đơn giản, lần 1 đổ 15 chén nước nấu thuốc trong 2 giờ liền rồi lấy nước để riêng ra; lần 2, đổ 10 chén nước nấu trong 2 giờ, lấy nước một trộn với nước hai để uống như uống trà.
Sự hiệu nghiệm của thang thuốc “thần kỳ” này còn được nhấn mạnh: “Chủ trị các bệnh ung thư. Các kết quả thử nghiệm cho thấy phương thuốc này chữa được các bệnh: Ung thư đường ruột, ung thư gan, ung thư tử cung, ung thư dạ dày… chỉ cần uống vào sau 4 đến 6 giờ, đã thấy hiệu nghiệm kỳ lạ.
Điều trị ung thư hiện nay chỉ bằng ba phương pháp: Hoá, xạ, phẫu… (ảnh chụp một ca phẫu thuật ung thư tại Bệnh viện FV TPHCM). |
Đối với người bình thường, mỗi tháng uống một lần vì nó có tác dụng trị các bệnh về phủ tạng, kể cả các bệnh về van tim, mạch vành và bệnh về máu. Bán chỉ liên là loại dược liệu có tác dụng thải chất bẩn trong cơ thể. Vì vậy, uống xong thuốc, không nên uống thêm nước nóng, nó sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc.
Nếu bệnh đã phát nặng đến mức thể hiện ra ngoài thì có thể dùng bán chỉ liên còn tươi, giã nát vắt lấy nước, hoà với nước lã đun sôi làm nước uống, còn bã đắp vào chỗ đau. Khi uống thuốc này mà bị ra máu thì điều đó chứng tỏ thuốc thải được chất độc ra, hết màu có nghĩa là hết độc. Không phải lo ngại gì”.
Điều đáng nói, là dù bài thuốc trên có nhiều điểm không hợp lý nhưng nhiều người mắc các loại ung thư đều không ngần ngại áp dụng. Tại BV Ung bướu, chị Trần Thị Thủy, có chồng bị ung thư gan được hóa trị 2 lần, cho biết: “Thấy bài thuốc hay quá nên gia đình tôi đành bỏ ngang hóa trị để áp dụng theo bài thuốc trên mua về sắc uống. Uống được 2 lần, lần nào chồng tôi cũng bị nôn ra nên tôi không dám cho uống tiếp”.
Khi đem thang thuốc trên đến Viện Y học dân tộc (YHDT) TP.HCM để xin phân tích và xác minh thực hư về tính hiệu quả của loại thuốc này. Các BS, lương y tại đây đều khẳng định, chắc chắn bài thuốc trên không thể nào chữa được ung thư như quảng cáo.
Chẳng hạn như hồng táo có chứa chất nhầy, có tính chất làm dịu cổ họng thường được dùng trong việc điều trị chứng đau họng. Lá thiết thụ (lá đu đủ) có chứa chất men papain, các acid amin có khả năng tiêu hóa được thịt (protid), giải phóng được các acid amin. Trong lá đu đủ còn chứa một ancaloit đắng có tên là cacpain và glucoxit cacpozit. Chất cacpain có tác dụng lên hệ thống tim mạch, làm mạnh tim và chậm nhịp tim…
Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có công trình khoa học nào khẳng định lá đu đủ chữa được bệnh ung thư.
Suy kiệt đến mức không thể hồi sức
Một bệnh nhân khác ở Bến Tre phát hiện mình bị ung thư gan. Chạy chữa khắp nơi từ bệnh viện Bình Dân, Chợ Rẫy, Ung bướu… mà vẫn bó tay vì bệnh đã vào giai đoạn cuối, anh quyết định trở về với y học cổ truyền.
Từ 2 năm nay, anh chỉ toàn uống thuốc nam, ăn chay và luyện... khí công để chống chọi với ung thư. Ban đầu, anh mua thuốc nam do các thầy ở Bến Tre kê toa về tự sắc uống. Thấy không đỡ, nghe ở TP.HCM có cơ sở y học cổ truyền trị ung thư bằng Đông y, anh khăn gói lên khám.
Được các bác sĩ gieo hy vọng, anh mua hàng tá thuốc về uống, mong khỏi bệnh. Uống được nửa tháng, bệnh chẳng những không khỏi mà còn tái phát dữ dội, bụng căng chướng. Anh vội từ Bến Tre lên TP.HCM khám, lấy thuốc uống tiếp nhưng lúc này bệnh đã trở nặng, anh phải nằm lại điều trị.
Sau 2 ngày uống thuốc nam tại đây, anh rơi vào hôn mê, cơ thể hoàn toàn suy kiệt vì cả một thời gian dài chỉ toàn ăn rau, củ không đủ dưỡng chất. Người nhà vội chuyển anh sang Bệnh viện Bình Dân. Một tuần sau anh qua đời trong đau đớn, chẩn đoán tại BV Bình Dân là do vỡ khối u gan.
Không chỉ trường hợp trên, nhiều bệnh nhân ung thư cơ sở cũng hy vọng khỏi bệnh nhờ phương pháp tăng cường nội lực. Một số bệnh nhân cho biết, cứ “bấu được gì thì bấu”. Khi nào ở đây không chữa được thì họ chuyển sang… bệnh viện khác. “Ở đây theo Đông y, đâu có đủ dụng cụ mổ xẻ. Chuyển sang bệnh viện khác tiếp máu, đỡ đỡ rồi lại qua đây chữa tiếp!”, nhiều bệnh nhân ung thư “hồn nhiên” nói.
Trong khi đó, một bác sĩ hồi sức cấp cứu ở một bệnh viện lớn tại TP.HCM cho biết, nhiều bệnh nhân ung thư “mù quáng” theo chế độ ăn kiêng để trị ung thư đến kiệt sức, thời gian sống rút ngắn lại. Nhiều trường hợp chuyển viện suy kiệt đến mức không còn “hồi sức” được nữa.
Ung thư biết sớm trị lành
GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, từng khẳng định “ung thư biết sớm trị lành”, thế nhưng cứ nghe ung thư nhiều người lại nghĩ đó là “án tử”. Chính vì điều này đã dẫn đến suy nghĩ sai lạc, không điều trị theo hướng hoá, phẫu, xạ được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng mà tin vào những quảng cáo vô tội vạ, mách bảo từ vỉa hè, sản phẩm của kênh bán hàng đa cấp, bài thuốc chưa được kiểm chứng. Mất thời gian vàng vì loay hoay với những phương pháp không tên tuổi, nhiều người đã bỏ qua cơ hội điều trị.
Theo các chuyên gia, đúng là một số bài thuốc Đông y có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, nhưng đây chỉ là hỗ trợ điều trị, chứ không thể chữa khỏi hẳn được căn bệnh. Các bệnh nhân đang điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị, hóa trị sở dĩ luôn cảm thấy mệt mỏi là do lượng hồng cầu sụt giảm rất nhiều sau mỗi lần trị liệu.
Trong khi đó, các bài thuốc Đông y chủ yếu là thuốc mát, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, thậm chí tăng lượng hồng cầu, nên khiến cơ thể dễ chịu tạm thời. Nhưng đây không phải là phương pháp để chữa khỏi ung thư. Mong rằng, người bệnh cần cảnh giác với những loại thuốc, bài thuốc được khoác cái tên thần dược, thần kỳ... kẻo tiền mất tật mang.
PGS.BS Nguyễn Thị Bay, giảng viên khoa Y học cổ truyền Đại học Dược TP.HCM cho rằng, khả năng điều trị ung thư của các bài thuốc Đông y cần phải được sàng lọc, nghiên cứu tiếp tục. Không nên khuyến khích việc sử dụng những phương pháp chưa được chứng minh khoa học. Người bệnh sử dụng loại thuốc trên chắc chắn chưa thấy lợi mà sẽ làm trễ thời gian điều trị bằng phương pháp khác.