Bị đánh vì thích đọc y thư
Cụ Nguyễn Hữu Thắng – cha đẻ của lương y Toàn, kể rằng, hồi mới lên tám, hoặc mười tuổi, cậu bé Toàn đã rất ham mê đọc y thư, sợ cháu trai hỏng mắt, ông nội liền cất tiệt mấy quyển sách vào tủ khóa lại, nhưng không hiểu sao cậu bé vẫn giấu được vài quyển để đầu giường, tối đến cậu chùm chăn lại, bật đèn pin lên để đọc sách. Có lần nói không được, ông Thắng phải dùng roi vọt để cậu bé Toàn bớt thói quan đọc sách đêm.
Ngồi kế bên bố mình, ông Toàn nhoẻn miệng cười hiền rồi bảo: “Đọc sách của ông nội thấy cuốn hút giống như chơi trò chơi vậy, đọc sách tôi có thể tự nghĩ ra cách pha trộn cây thuốc để chữa bệnh, tác dụng của từng loại cây đối với cơ thể người bệnh...”. Chuyện tưởng chừng chỉ như trò chơi con nít vậy thôi mà hóa ra lại là cái duyên tiền định, tuổi thơ ông cứ mải miết bên ông nội Nguyễn Hữu Hách cùng với kho sách mà ông cất trong tủ.
Ông Toàn bên những cuốn sách thuốc của mình. |
Thấy cháu ham mê đọc sách và bốc thuốc, ông nội thường dắt cậu bé Toàn theo mỗi khi đi chữa bệnh. Lâu dần thành quen, mới lên 10 tuổi mà Toàn đã có thể tự tay bốc thuốc giúp ông nội và phụ giúp ông phơi thuốc, quét nhà...
Lương y Toàn dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà mới xây dựng nằm bên đường Lê Hồng Phong. Ông tự hào: “Đó là cơ ngơi mà dòng họ Nguyễn Hữu đã gây dựng suốt 15 đời nay. Ngôi nhà này là nơi gia đình tôi ở, đồng thời cũng là nơi để thuốc và đón tiếp bệnh nhân từ khắp nơi trong cả nước tìm về khám chữa bệnh”.
Trong ngôi nhà mới xây, chúng tôi chú ý đến những quyển sách y học phương đông được để ở vị trí trang nghiêm, sạch sẽ. Đó là kho sách quí được lưu giữ từ 15 đời nay của dòng họ Nguyễn Hữu.
Có người trầm trồ: “Chỉ cần ông ấy dựa vào kho sách này cũng đủ để đem lại no ấm cho dòng họ suốt mấy đời sau nữa”. Thế nhưng, ông Toàn vẫn trầm tư. Ông bảo: “Bây giờ mình phải tìm cách bổ sung vào kho tàng thuốc của gia đình những bài thuốc quí, chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo để cứu người. Truyền thống suốt 15 đời nay của dòng họ Nguyễn Hữu không chỉ có khám chữa bệnh cho người dân mà còn phải biết nghiên cứu y thư từ cổ chí kim, đồng thời bổ sung vào kho tàng sách của gia đình những bài thuốc quí”.
Nói rồi, ông kể về phát tích của cái nghề thầy lang 15 đời nay. Theo đó, dòng họ Nguyễn Hữu ở đất Vân Canh, Hà Nội. Hồi đó cuộc sống nghèo khổ, cụ tổ nghề thuốc của dòng họ dẫn theo gia đình, vợ con gồng gánh đi lang thang khắp những triền sông, ngọn suối, đi từ những vùng núi cao cho đến bất tận đồng bằng để chữa bệnh cứu người và kiếm miếng ăn qua ngày, người nào nghèo khổ, khó khăn đều được cụ tổ cứu chữa không lấy tiền.
Qua cả trăm năm vật vạ triền miên đi hái thuốc cứu người, danh tiếng y thuật của dòng họ Nguyễn Hữu lan truyền khắp nơi. Đến năm 1960, ông nội Nguyễn Hữu Hách quyết định trở về Hà Nội an cư. Lúc đó, ông được Chính phủ mời vào Viện Đông y Việt Nam, ông trở thành một trong 28 danh y đầu tiên của Viện Đông y, từ đây cậu bé Toàn bắt đầu theo chân ông nội và được ông dạy cách bốc thuốc, pha chế thuốc...
Cũng trong năm 1960, cậu bé Toàn được bố đưa về đất Hải Phòng tiếp tục làm nghề bốc thuốc, còn ông nội Nguyễn Hữu Hách thì vẫn làm việc ở Hà Nội. Hàng tháng, cậu bé Toàn đều bắt xe hoặc đi tàu lên Hà Nội thăm ông, cùng ông đi bốc thuốc chữa bệnh.
Ông Toàn bảo: “Có lẽ cái máu “xê dịch” nó ngấm vào dòng họ nhà tôi mất rồi, đời nào cũng phải di chuyển, cũng phải tha hương lập nghiệp, cũng phải đi xuyên rừng vượt núi... Hôm nào rảnh, chú cùng tôi đi miền núi một chuyến để sưu tầm những bài thuốc quí lưu truyền trong dân, mình sẽ ghi chép lại những bài thuốc này rồi về cho vào kho sách của gia đình”.
Bài thuốc cho cái “bụng tốt”
Trong số rất nhiều bài thuốc quí mà cha ông để lại, ngoài công dụng chữa bệnh “giòi ăn mũi” ông Toàn còn sở hữu bài thuốc chữa bệnh dạ dày.
Lương y Toàn cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh dạ dày, do chế độ ăn uống không khoa học, ăn cay, chua quá nhiều, ăn no làm việc nặng, suy nghĩ nhiều, môi trường sống… Người bị bệnh dạ dày thường có biểu hiện như đau âm ỉ ở vùng thượng vị, đầy hơi, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, dạ dày đau nóng, đầy bụng sôi bụng…”.
Bài thuốc chữa dạ dày gồm có 36 vị được lấy cả trên rừng lẫn dưới biển, chẳng hạn như một số vị thuốc điển hình như ô tặc cốt, mẫu lê, sài hồ, địa cốt bì, huyết đằng… Một số vị thuốc phải bào chế rất cầu kỳ như mai rùa biển sau khi lấy về phải rửa sạch, bóc lớp vỏ mỏng ở ngoài rồi phơi khô, tán nhỏ thành bột hoặc như mẫu lê thì sau khi vớt khỏi mặt nước phải đem vào lò sấy, khi vỏ chúng đỏ rực lên thì vớt ra ngoài tưới qua dấm chua và tiếp tục phơi khô tán thành bột…
Theo ông Toàn thì bài thuốc đặc biệt này được gia đình lưu truyền qua 15 đời nay, đến năm 1985, ông tự nghiên cứu và tách bài thuốc này ra thành hai loại khác nhau dùng để chữa dạ dày và viêm loét hoành tá tràng.
Tuy nhiên, về mặt lý thuyết thì cả hai bài thuốc này đều dựa trên một nguyên tắc chung là bổ gan, giải uất, ống tiêu hóa từ trực tràng đến đại tràng phải thông suốt để tránh bị viêm, loét… Thời gian điều trị bệnh cũng phải kéo dài từ 2 – 4 tháng tùy vào thể trạng của mỗi người.