Minh họa: Elia Barbieri/Guardian. |
Như nhiều thanh thiếu niên ở độ tuổi nhạy cảm, cây viết David Robson trên tờ Guardian đã luôn coi cuốn nhật ký là người bạn thân nhất của mình.
"Tôi bước vào phòng ngủ trong tâm trạng tồi tệ, xả hết lên trang giấy, những lo âu trong đầu tôi khi ấy bỗng không còn nặng nề như một thảm họa nữa", Robson viết.
Và dù không thể dập tắt mọi nỗi buồn, thực hành viết thường giúp ta thấy bình tâm hơn, như được trút bỏ bớt một gánh nặng.
Có một phân cảnh trong Harry Potter và chiếc cốc lửa, trong đó, thầy hiệu trưởng Albus Dumbledore trích xuất những ký ức đau buồn bằng cây đũa thần của mình và đặt chúng vào một cái bát nông, cho phép ông nhìn mọi thứ một cách vô tư hơn. Đối với David Robson, viết lách cũng đem lại sự khuây khỏa tương tự.
Đây được cho là trải nghiệm chung của những người viết nhật ký. Chính Anne Frank cũng đã viết về trải nghiệm này, cho rằng khi viết, "tôi có thể rũ bỏ mọi bận tâm. Nỗi buồn biến mất, tinh thần tôi phấn chấn hẳn".
Hơn thế, việc viết lách không những có thể xoa dịu một tâm hồn rối bời, mà còn có thể tăng cường sức khỏe thể chất.
Giáo sư James Pennebaker và nghiên cứu sinh Sandra Beall là những người đầu tiên chứng minh những hiệu ứng này vào những năm 1980. Họ đã yêu cầu một loạt sinh viên viết một bài luận ngắn trong 15 phút trong bốn ngày liên tiếp.
Một vài người tham gia được khuyến khích viết về “trải nghiệm đau thương hoặc khó chịu nhất” trong cuộc đời họ, khám phá “những suy nghĩ và cảm xúc sâu kín” của họ đối diện trải nghiệm ấy. Những người khác được yêu cầu viết về những điều vụn vặt, chẳng hạn như mô tả về phòng ký túc xá của họ hoặc đôi giày họ đang đi.
Các sinh viên trong nhóm đầu tiên mô tả cảm giác tội lỗi về cái chết của bà ngoại, tức giận vì cha mẹ ly hôn và dằn vặt về bản năng giới của họ. Đối mặt với những cảm xúc ấy không hề dễ dàng, nhiều người cảm thấy buồn hơn. Tuy nhiên, trong sáu tháng sau đó, số lần họ đến trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh viên chỉ bằng một nửa so với những người tham gia trong nhóm đối chứng.
Điều này nghe có vẻ kỳ diệu, nhưng mọi loại đau khổ tinh thần đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch, làm cho hệ miễn dịch của ta phản ứng kém hiệu quả hơn với nhiễm trùng.
Thực hành viết để giải tỏa vừa có thể giúp ta thấy bình tâm hơn, vừa có thể dựng lại hàng rào phòng thủ cho cơ thể của chúng ta.
Và đó chính xác là những gì các đồng nghiệp của Pennebaker tiết lộ khi nghiên cứu các xét nghiệm máu của người tham gia thí nghiệm: các tế bào bạch cầu bắt đầu tái tạo nhanh hơn để phản ứng lại những kẻ xâm lược bên ngoài.
Các nghiên cứu về sau cũng đã phát hiện ra rằng viết để giải tỏa có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi sau khi sinh thiết, làm giảm huyết áp và cải thiện chức năng phổi.
Theo David Robson, việc trút bầu tâm sự lên trang giấy tạo điều kiện cho chúng ta dành thời gian suy nghĩ nhiều hơn về những thứ khác. Ví dụ, viết ra danh sách việc cần làm có thể giải phóng nguồn nhận thức của ta cho các hoạt động khác, vì khi ấy, tâm trí ta được giảm đi một lượng thông tin mà nó phải tung hứng. Điều này giúp giảm bớt căng thẳng.
Viết ra suy nghĩ của mình có thể tương đương với việc dọn sách không gian trong trí óc, loại bỏ bớt những nguồn thông tin tiêu cực, giải phóng bộ nhớ để ta tập trung vào những điều quan trọng hơn.
Quan trọng không kém, việc viết ra những lo lắng của chúng ta có thể tạo ra cảm giác về “khoảng cách tâm lý”, cho phép chúng ta có thái độ triết lý hơn đối với các vấn đề của mình. Ví dụ, nếu chúng ta đang suy ngẫm về cách người khác gây tổn thương cho ta, trong khi viết, ta cũng có thể dễ hiểu điểm nhìn phía họ hơn. Nếu không, ta cũng rút ra một bài học quý giá để không đi vào vết xe đổ trong tương lai.
Trong một số trường hợp, chúng ta thậm chí có thể nhìn thấy khía cạnh hài hước của tình huống - hoặc ít nhất là lấy quyền làm chủ những gì đã xảy ra. Như Nora Ephron đã viết: “Khi bạn trượt vỏ chuối, mọi người cười nhạo bạn; nhưng khi bạn nói với mọi người rằng bạn trượt vỏ chuối, thì bạn sẽ cười”.
Viết ra những suy nghĩ của mình có thể giúp chúng ta thực hiện sự chuyển đổi tinh thần này một cách riêng tư.
Tất nhiên, cần nhớ rằng không có một biện pháp nào là phù hợp với mọi người: viết chỉ là một công cụ và một số người có thể không muốn trình bày chi tiết cảm xúc của mình.
Tuy nhiên, dành cho ai muốn tích hợp thực hành viết vào bộ sơ cứu tinh thần của riêng mình, David Robson nêu ra một số cách để tối đa hóa quá trình:
"Để không làm mất quá nhiều tính tự phát, hãy tự tạo cho bạn một cấu trúc kể chuyện, chẳng hạn như phác thảo bối cảnh của tình huống và chuỗi sự kiện dẫn đến tình huống đó. Hãy mô tả chính xác cảm xúc của bạn: khó chịu hay nản lòng; thất vọng hay vỡ mộng? Việc xác định chính xác cảm xúc có thể giúp bạn dễ có cái nhìn chính xác hơn về thế giới nội tâm của mình".
"Cuối cùng, hãy cân nhắc xem sự kiện ấy có ý nghĩa và tác động gì đến giá trị của bạn và những giá trị bạn trân quý. Bạn có thể đang thể hiện sức mạnh, lòng tốt, hoặc bạn có thể mới nhận thức được tầm quan trọng của một vài sợi dây tình bạn trong đời".
"Khi tôi đặc biệt lo lắng, tôi viết nhật ký như viết một bức thư từ vị trí một người bạn đang đưa ra lời khuyên tử tế. Bài tập tưởng tượng này giúp tôi tăng cường lòng từ bi với bản thân, giúp tôi bớt đau khổ. Ghi lại những khoảnh khắc vui thú giản đơn cũng hữu ích không kém".
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.