Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hồi ức của luật sư Triệu Quốc Mạnh

Sách "Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh" tập hợp những trang viết giàu cảm xúc từ luật sư Triệu Quốc Mạnh - người góp phần ổn định Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/1975.

chien tranh mien Nam anh 1

Sách Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh. Ảnh: ML.

Sinh ra tại Trà Vinh, có cuộc sống gắn bó mật thiết với TP.HCM, luật sư Triệu Quốc Mạnh là nhân chứng của nhiều sự kiện quan trọng thời chiến. Trong cuốn hồi ký Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh, ông thuật lại tuần tự các biến động tại Sài Gòn xưa. Sau khi thuật lại những ký ức dẫn dắt đến mùa thu năm 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài đến năm 1954, tác giả tiếp tục nhắc đến sự kiện Mỹ gây dựng chế độ độc tài "gia đình trị" của Ngô Đình Diệm giai đoạn 1954-1963, chế độ quân phiệt và sự leo thang chiến tranh trong khoảng 1963-1975.

Cái nhìn vào người Việt trên đất Việt

"Phương châm 'Laissez passer, laissez faire' (để tự do đi lại, tự do làm ăn) có từ thế kỷ thứ XVIII ở châu Âu được áp dụng ở Việt Nam và cụ thể hóa bằng chính sách, pháp luật về tự do thông thương, tự do sản xuất kinh doanh. Chính sách đó gặp thuận lợi vì phù hợp chính sách đa phương hóa ngoại thương của các Chúa Nguyễn. Khi Gia Long lên làm vua ở thành Gia Định người ta đã thấy được các chợ búa hàng ngày đều nhộn nhịp vì ai làm ra được món hàng nào, sản phẩm nào, trồng được rau nào, trái nào, nuôi được heo, gà vịt, đánh bắt được cá đều tự do đem ra bán", trích nội dung sách.

Luật sư Triệu Quốc Mạnh cho rằng chính sách "Lấy thuộc địa nuôi thuộc địa" bên cạnh việc đem lợi nhuận về cho Pháp cũng đã biến Sài Gòn thành "Đất lành cho chim đậu".

chien tranh mien Nam anh 2

Chân dung tác giả do họa sĩ Huỳnh Phương Đông vẽ tốc họa được in trong sách. Ảnh: ML.

Sài Gòn khi ấy là một thành phố mở, đa sắc tộc, đa tôn giáo. Ngoài người Việt, người Pháp, còn có cả người Ấn Độ, người Hoa... Tại thành phố, cộng đồng người Việt Nam cũng có người làm trong các ngành tiểu thủ công nghiệp, một số làm nghiệp chủ, nhưng đa số đi làm thuê với đồng lương không cao, vợ con phải bươn chải. Gánh gồng, đi bán dạo hoặc ngồi chợ trưa, chợ chiều, đâu đâu cũng thấy phụ nữ người Việt, có khi là bà cụ già, có khi là bé gái còn ở tuổi đáng lẽ phải được đi học.

Ông Triệu Quốc Mạnh cho biết có những nghề chỉ thấy toàn là đàn ông thanh niên người Việt làm chứ không người Ấn Độ, người Hoa nào giành. Đó là những nghề như chạy xe kéo, đạp xích lô, đánh xe bò, xe ngựa.

"Nói chung người dân Việt Nam ở đô thị rất cơ cực, nhiều gia đình không đủ tiền cho con đi học. Ở nông thôn cũng không ai giành “sự độc quyền chịu cơ cực” của người Việt trong việc cày bừa, làm tá điền, làm thuê, làm mướn", tác giả viết.

Nhận thức rõ về tình hình tại quê nhà, ông Triệu Quốc Mạnh tham gia vào các phong trào Thanh niên, nhân sĩ trí thức phản đối chiến tranh, tranh cử Quốc hội để chiến đấu cho độc lập, hòa bình, dân chủ.

Tháng 4/1975, được bổ nhiệm làm cảnh sát trưởng Sài Gòn - Gia Định, luật sư Triệu Quốc Mạnh đã lập tức ra lệnh trả tự do cho tất cả tù chính trị, giải thể các bộ phận Cảnh sát đặc biệt, đã liên tục ra lệnh “Cấm nổ súng trước!”, “Cấm di binh!” mỗi khi có điện đàm xin lệnh.

Khẩu lệnh của ông đã được mười bảy nghìn binh sĩ cảnh sát tuân theo, đảm bảo được nền hòa bình cần thiết trong một giai đoạn biến động.

chien tranh mien Nam anh 3

Sự đa dạng chủng tộc của Sài Gòn trong những năm đầu người Pháp chiếm đóng. Ảnh: belleindochine.free.fr.

Ký ức ở nhiều khía cạnh

Sài Gòn hiện lên trong ký ức tác giả ở nhiều khía cạnh khác nhau: Từ những người Ấn Độ bán vải, những Thánh đường Hồi Giáo, những người Tàu bán “chạp phô” (tạp hóa), cho đến những biến động cuộc sống khi kháng chiến bùng nổ, những cuộc binh biến, những phong trào của nhiều tầng lớp xã hội.

Luật sư Triệu Quốc Mạnh tiếp cận lối kể đan xen giữa tự sự cá nhân trong những quan sát đời thường và những sự kiện lịch sử được trình bày mạch lạc. Sài Gòn hiện lên trong sách vừa thân thương, vừa gây xót xa.

Trong lời tựa đầu sách, đại diện Nhà xuất bản Trẻ viết: "Cóp nhặt và hệ thống được một phần rất nhỏ những sự thật xảy ra tại Sài Gòn trong suốt thời gian dài đằng đẵng tưởng cũng giúp người đọc hình dung được toàn cục sự chuyển mình và phát triển của Thành phố này. Sài Gòn trong cuộc chiến là một tuyến đầu vĩ đại, một công sự vĩ đại, đồng bào nơi đây vừa chiến đấu, vừa đùm bọc nhau, vừa xây dựng để cuối cùng có được một thành quả cũng thật vĩ đại, một Sài Gòn tuyệt đẹp, lẫy lừng".

Được biết, luật sư Triệu Quốc Mạnh viết Hồi ức Sài Gòn thời chiến tranh trong giai đoạn cao điểm chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Với cuốn hồi ký này, ông cố gắng ghi lại một cách trung thực những hình ảnh, sự kiện mắt thấy, tai nghe từ nửa thế kỷ trước, mang đến một hình ảnh đa chiều về thành phố Sài Gòn xưa trong giai đoạn đầy biến động.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Không thể dùng sức mạnh để đánh bại ý chí giành độc lập của Việt Nam

“Ý chí của những người Việt Nam không bao giờ sụt giảm dù họ phải chiến đấu với những đôi chân trần”.

Những ghi chép về xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập

11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Trước đó vài phút, đoàn xe tăng rầm rập tiến vào Dinh.

Anh Vũ

Bạn có thể quan tâm