Mang vẻ dịu dàng của Người đi bán nắng, xen vào những nỗi đau sâu sắc từng có ở Trái đất tròn lòng người góc cạnh, đứa con thứ ba của Minh Mẫn vẫn có cho riêng mình những điều khác biệt để thu hút người đọc. Điểm mạnh của Mẫn có lẽ là một giọng văn rất tình cảm, có thay đổi thế nào cũng thấy trong đó những yêu thương dạt dào của tác giả.
Thức dậy trên mái nhà là những câu chuyện nhỏ về ký ức tuổi thơ, về những đứa trẻ trốn vùng quê gió thổi, nên giọng văn của Minh Mẫn rất tự nhiên, bình dị. Thậm chí, chẳng thiếu đâu những từ ngữ rất dân dã, vô tư đúng tính cách tâm hồn của lũ trẻ miền quê. Nhưng tất cả không tạo nên cảm giác thô mà vô cùng mộc mạc, giản dị, khiến người đọc dễ dàng khóc cười, được trở về cái thời ngây ngô không cần một cỗ máy thời gian nào cả.
Bìa cuốn "Thức dậy trên mái nhà", có giá 65.000 đồng. |
“Mỗi năm trôi qua, chúng tôi lớn thêm một chút. Suy nghĩ không còn vô tư và giản đơn như mặt hồ phẳng lặng khi ít gió, cũng chẳng được ồn ào nổi loạn như bão tố. Nó ở mức lưng chừng, có gì đó hỗn độn chông chênh, giống như một chiều mùa hạ khi nắng vẫn đang trải dài trên những cánh đồng thì đột nhiên mưa tới, nắng nhạt bớt, vài phút thì mưa tạnh, phía chân trời cầu vồng bắc qua cong như nét lông mày con gái. Vậy đấy!
Hỗn độn, chông chênh...”
Những vần thơ tản mạn, câu chuyện ngắn gọn kể về nhiều điều rất gần gũi: tình mẹ, trung thu, trường lớp... và đặc biệt là nỗi đau của những đứa trẻ ngây thơ cần lắm một mái ấm gia đình nương tựa.
Minh Mẫn vẫn thế, dịu dàng vô cùng, nhưng lặng lẽ đi sâu vào tâm trí người đọc, thổi bung ra giọt nước mắt chứa chan, nâng mi mắt mở nhìn lại một thời quá khứ, và giục đôi chân đứng dậy để mà bước đi, mà sống, mà thương yêu trao đi không cần nhận lại.
Thế giới của Minh Mẫn nhỏ thôi, đủ đựng trong đó những tiếng cười, nước mắt, những hoài niệm đầy thương nhớ. Từng câu chuyện là những thanh âm trong trẻo của một vùng quê chốn ký ức tuổi thơ, nơi của những đứa trẻ - và có khi là chính bạn - đã từng một thời sáng trong, ngây ngô, và dại khờ.