Nhà văn Thuận lần đầu tiên chia sẻ về tác phẩm mới "Thư gửi Mina" và những trăn trở nghệ thuật của chị.
Thuận là tác giả của 7 cuốn tiểu thuyết: Made in Vietnam, Chinatown, Paris 11 tháng 8, T mất tích, Vân Vy, Chỉ còn 4 ngày nữa là hết tháng 4. Vừa cùng dịch giả Lê Ngọc Mai hoàn thành cuốn Ngôn từ của Sartre, đã thấy Thuận rục rịch sắp xuất bản cuốn tiểu thuyết Thư gửi Mina. Để đọc được những gì Thuận viết, quả là không dễ dàng !
- Chị thấy thế nào với ý kiến cho rằng: “Tiểu thuyết, với Thuận, vẫn luôn là một cuộc thử nghiệm bất thường và hình thức chưa bao giờ thôi là thách thức” ?
- Với tôi, nội dung của một bản thảo mới luôn nằm sẵn đâu đó trong đầu, chỉ đợi người viết tìm ra một hình thức thú vị nào đó để được xuất hiện.
Cấu trúc và nhịp điệu là hai thứ đáng quan tâm đầu tiên. Giống trước khi xây một ngôi nhà, bạn phải mường tượng được dáng vẻ tổng thể của nó. Nhưng lại khác trước khi xây một ngôi nhà, bạn không nên sắp xếp mọi ngóc ngách, mọi khía cạnh. Nhà cần mang lại cảm giác an toàn cho những ai sống bên trong, còn tiểu thuyết lại cần đem đến cảm giác bất ngờ cho những người đang đọc.
Cửa sổ, ban công, cầu thang, hay phòng ăn, phòng ngủ bất di bất dịch ngay từ trên bản vẽ thi công, chứ ngôn từ và các nhân vật trong văn chương thì dù chính hay phụ cũng đều là những sinh vật: Chúng cựa quậy, hít thở, đi lại, yêu đương, giận dỗi, hy vọng, thất vọng…
Một người biết viết phải là một người biết tạo cho chúng những cơ hội để "sống" chứ không để chúng bị mất hút trong một góc hay sơ cứng như di ảnh trên bàn thờ.
Từ này gợi từ kia, câu này gọi câu nọ, ý này nhắc ý khác, tiểu thuyết không bao giờ là những truyện ngắn đặt cạnh nhau nơi mỗi truyện một cấu trúc.
Còn nhịp điệu ư? Đó chính là linh hồn của tiểu thuyết, phản ánh nội lực của người viết. Với tôi, tác phẩm có cuốn hút được người đọc hay không, không phải ở các tình tiết ly kì mà ở nhịp điệu : cuồn cuộn, dồn dập hay đủng đỉnh, trầm lắng, nhưng nhất thiết nó phải bền bỉ, không chỉ đi đến tận dấu chấm cuối cùng mà còn lan tỏa vào lòng người đọc, ám ảnh họ, truyền cho họ sự say mê của tác giả.
Tìm được nhịp điệu đã là khó. Nhưng giữ được nó trong suốt tác phẩm thật khó vô cùng.
- Tại sao lúc nào cũng phải là thử nghiệm, nó có làm chị bị gò bó hạn hẹp, lệ thuộc không khi lúc nào ta cũng phải chú trọng hình thức?
- Gọi là thử nghiệm vì tính cá nhân của nó. Mỗi tôi mới viết kiểu ấy và bản thân tôi cũng không chắc là thành hay bại. Nhưng dù thế nào thì chúng chưa bao giờ có thể cầm chân tôi, mỗi thử nghiệm lại lộ ra những khiếm khuyết và hạn chế để tôi buộc phải tìm cách giải quyết ở những thử nghiệm sau đó.
Cứ như thế không thôi. Và có lẽ vì chưa có một thử nghiệm nào hoàn toàn ưng ý nên tôi vẫn tiếp tục cầm bút. Nói như Sartre thì tác phẩm hay nhất là tác phẩm mà ta đang viết, là cái sắp thành hình chứ không phải là cái đã được khẳng định.
Tôi từng say sưa thế nào khi viết Chinatown không chương không đoạn thì chục năm sau cũng say sưa y hệt như thế khi viết Thang máy Sài Gòn có chương có đoạn, nhưng theo một thứ tự hoàn toàn tự do.
- Chị có hình dung ra được độc giả cũng mệt khi chạy theo các nhân vật của chị?
- Chính vì biết sở thích của phần lớn độc giả mà tôi từ chối làm vừa lòng đám đông. Thành thực mà nói thì viết là công việc của riêng tôi. Nó phải thỏa mãn những đòi hỏi mà tôi đặt ra trước tiên.
Bao nhiêu người đọc có thể chia sẻ được với tôi là một điều không phụ thuộc vào tôi, không khiến tôi mất ăn mất ngủ. Tác phẩm nào sẽ có độc giả ấy. Một cách viết khác sẽ yêu cầu một cách đọc khác.
Ví dụ, tôi không xin nước mắt thì chẳng ai nhỏ giọt nào. Tôi không tuân theo quy luật thì người ta sẽ tự thấy băn khoăn. Tôi không áp đặt thì họ buộc phải nghi ngờ.
Tôi không kể chuyện trơn tru với các loại cao trào, thắt nút, mở nút… thì cũng không có câu chuyện nào để mà họ đọc một lèo, và vừa đọc vừa vỗ đùi đen đét hay thở phào nhẹ nhõm rồi đem ra bình luận như pháo rang. Tóm lại, những hành vi thuộc về đám đông nói chung là rất khó xảy ra.
- Cái câu: "'Chỉ còn vài ngày nữa là hết tháng 4' tôi viết khi trầm cảm" là câu đùa hay thật? Chị nghĩ gì khi có bạn đọc nói, đọc vào lại bị bệnh lại?
- Có phần nào. Vài ba lần tôi như bị cuốn theo cơn trầm cảm liên miên của các cô gái trong tiểu thuyết này. Tác giả hóa thân vào nhân vật là điều vẫn thấy. Nhưng nhà văn khác diễn viên ở chỗ vừa phải hóa thân lại vừa phải phân thân, và ở một mức độ nào đó, còn có cả dấn thân.
Vừa phải chui vào đầu nhân vật lại vừa phải giữ khoảng cách nhất định, vừa phải yêu thương nhân vật lại vừa phải có cái nhìn khách quan.
Viết là một hành động tỉnh táo, khi nhà văn nâng lên đặt xuống từng từ từng chữ, tính toán từng tình tiết ý tưởng, ước lượng từng cảm xúc hay phản ứng của người đọc, không phải để mơn trớn mà để kích thích, khiêu khích, chọc ghẹo. Văn chương với tôi là một cuộc chơi đặc biệt, nửa đùa nửa thật.
- Lại chuẩn bị ra một cuốn mới, "Thư gửi Mina" - liệu độc giả có lại bị cuốn vào mê hồn trận chữ nghĩa của Thuận không?
- Câu chuyện xoay quanh nhân vật là một nữ nhà văn gốc Việt đã quyết định viết về người bạn gái Afganistan cùng học ở Nga những năm đầu cải tổ.
Nhưng chính cô cũng không ngờ, bản thảo về Mina và thời quá khứ đã nhanh chóng được chuyển thành những bức thư gửi người bạn gái ấy cùng những suy nghĩ về cuộc sống của chính cô và những số phận mà cô tình cờ chứng kiến trong thời hiện tại.
Những bức thư cuối cùng có làm nên một tiểu thuyết hay không, tôi cũng không biết. Chúng ta từng đọc truyện ngắn hay truyện dài chỉ bao gồm những bức thư, nhưng tiểu thuyết thì có vẻ là chưa.
Năm mươi bức thư gửi đúng một người, luôn xưng tao và gọi mày. Năm mươi bức thư không dừng ở tâm sự, miêu tả mà còn phân tích, mổ xẻ, dự đoán và hoài nghi, về quê hương và tha hương, về tình yêu và tình dục, về chính trị và văn chương…
Ngoài ra thì đây là lần đầu tiên tôi viết về chiến tranh, với cả bom đạn, súng ống, cái chết và sự sống. Cảm giác cũng không đến nỗi nào. Hóa ra trải nghiệm lớn nhất của nghề viết vẫn chính là viết.
- Vừa sáng tác, vừa dịch, mà gần nhất, cuốn "Ngôn từ" của ngài Sartre - chị có thể nói về độ "khó nhằn" của cuốn này được không?
- Kể hết những mệt mỏi khổ đau khi dịch Ngôn từ thì có lẽ sẽ thành một tiểu thuyết dày hơn cả chính Ngôn từ. Đến một lúc nào đó nhất định tôi sẽ tính sổ với Sartre!
Cái khó mà tôi cho rằng thách thức nhất, ấy là chữ nghĩa của Sartre tầng tầng lớp lớp, bóc được lớp này lại lộ lớp khác, hiểu được một câu ngắn thì phải đọc lại cả một đoạn dài, không chỉ một lần mà có khi chục lần, mà vẫn chưa hiểu, mà vẫn mất ngủ, vẫn thì thào tranh luận, đến độ chị Lê Ngọc Mai đồng dịch giả tìm thấy cả lỗi trong một tái bản mà chưa ai phát hiện.
Chung quy cái khó ấy là chỉ tại Sartre quan niệm cực đoan thế này: "Nếu không có khả năng đem lại cho ngôn ngữ tính đa nghĩa thì chẳng cần mất công viết làm gì".
Ngôn từ được viết năm 1963 khi Sartre đã ở tuổi lục tuần, là một tự truyện về tuổi thơ của ông, về những lý do đầu tiên mang ông đến với văn chương. Ngôn từ cũng là lời giã biệt của Sartre với thể loại nghệ thuật này, và ông đã muốn lời giã biết ấy phải được viết bằng "một thứ văn đẹp".
Nhưng xin đừng vội vàng trước chữ "đẹp"! Các tác giả tài năng đều có những khác niệm riêng về nó. Với một người uyên bác và đa tài như Sartre thì đằng sau chữ "đẹp" ấy là cả một kho kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau : triết học, văn học, thần thoại Hy La, lịch sử, tôn giáo, âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, tâm lý học… mọi thứ được kết hợp và trình bày một cách tài hoa, sắc sảo và vô cùng tinh tế, vừa chặt chẽ, triết lý vừa hài hước, mỉa mai.
Hấp dẫn nhưng khó nhằn với độc giả (ngay cả với độc giả Pháp), vẻ đẹp bác học biến Ngôn từ thành một tác phẩm vô cùng phức tạp cho những ai muốn nghiên cứu và chuyển ngữ nó.
Trong lúc dịch, tôi luôn bị cảm giác như đang đi trên bãi mìn, dò ra quả này lại lộ thêm mấy quả khác: không ít câu tưởng như đơn giản nhưng lại động đến những khái niệm sâu xa mà để nắm được phải tra cứu một chương, thậm chí nhiều chương.
Ngoài ra còn có sự khác biệt về văn hóa, để giúp người đọc Việt Nam hiểu tác phẩm, tôi và chị Lê Ngọc Mai đã cảm thấy cần thiết đưa vào bản dịch khoảng hai trăm chú thích.
Nhân đây, tôi xin bày tỏ sự cảm ơn chị Lê Ngọc Mai, một dịch giả xuất sắc và chuyên nghiệp, luôn biết cách thuyết phục để những cơn bùng phát phá cách của tôi phải dịu lại. Tuy mỗi người chịu trách nhiệm dịch một phần riêng biệt (Thuận chuyển ngữ phần Đọc và Lê Ngọc Mai là Viết), nhưng mỗi khi tôi gặp hóc búa thì y như rằng chị Lê Ngọc Mai lại trở thành chiếc chìa khóa vạn năng.
- Cuộc sống nhiều chữ nghĩa, chị có thấy mệt không? Có bao giờ chúng không còn đủ sức quyến rũ chị nữa?
- Cho đến bây giờ thì chưa, có lẽ do vẫn thấy tiếng Việt còn thú vị. Chính vì nó thiếu chỗ này chỗ kia mà ta buộc phải mày mò. Nhưng nói cho cùng với một nhà văn, ngôn ngữ nào mà không chật hẹp? Người viết giỏi là người tạo ra được ngôn ngữ của chính mình.
Tôi đọc đâu đó rằng Kundera mơ có ngày trên tất cả các bìa sách sẽ không còn ghi tên tác giả. Điều ấy có nghĩa là người viết được nhận ra không phải qua bút danh mà qua văn phong, chữ nghĩa.
Điều ấy có nghĩa là số lượng nhà văn và tác phẩm hẳn sẽ giảm đi nhiều phần trăm: Tất cả những gì hao hao, phong trào sẽ bị loại bỏ. Sách sẽ ít thôi, nhưng hẳn là đặc sắc.
- Thấy Thuận là thấy một cô gái ngơ ngác đi lạc vào vườn hoa, nhưng đọc văn mới thấy cô gái ấy có một tâm hồn rắc rối ra phết ?
- Thật ra, tôi muốn độc giả tỉnh táo, không bị cảm tính và sự dễ dãi biến thành thụ động. Không lý gì mà khi ăn, người ta còn đủ lý trí để biết món ngon món không, đồ sạch đồ bẩn, còn khi đọc thì bạ gì đọc nấy, vừa nhìn thấy "gió heo may", "nắng hoe vàng", "mây vơ vẩn" thế là đủ buồn rũ rượi mà không nhận ra rằng những câu kiểu ấy thuộc về sến kinh niên.
Bất kỳ ai cũng có thể tuôn ra cả tràng, mà không cần phải làm văn, không cần tìm hiểu về nỗi buồn, suy nghĩ về cội nguồn của nó, cái cách nó xâm lấn tâm hồn, những gì mà nó để lại, ngay bây giờ và mãi về sau, thấy được và vô hình.
Một tác giả có tài không bao giờ lợi dụng sự xuề xòa của độc giả. Nhưng cuộc sống vốn hà khắc: Độc giả xuề xòa thì thường quá đông, còn tác giả có tài lại thường rất hiếm.
- Chị có thấy hài lòng về cuộc sống, tác phẩm và bản thân mình không?
- Tôi không biết nữa. Cuộc sống của tôi dường như bình lặng. Có lẽ vì thế mà tôi cần phải viết. Như để tìm thấy những con người khác trong tôi. Quả thực nếu không cầm bút thì tôi không hề biết rằng tôi cũng có khả năng ngang bướng hay tôi cũng mê phiêu lưu. Ví dụ vậy.
Về tác phẩm Thư gửi Mina: Năm mươi bức thư không dừng ở tâm sự, miêu tả mà còn phân tích, mổ xẻ, dự đoán và hoài nghi, về quê hương và tha hương, về tình yêu và tình dục, về chính trị và văn chương…
Ngoài ra thì đây là lần đầu tiên Thuận viết về chiến tranh, với cả bom đạn, súng ống, cái chết và sự sống.