Nhà văn Thuận (Đoàn Ánh Thuận) sinh ở Hà Nội, có một thời gian theo gia đình sống ở Sài Gòn, rồi quay lại Hà Nội, học đại học tại Nga, làm cao học tại Pháp, hiện chị định cư tại Pháp.
Sống ở nhiều nơi, trải nghiệm nhiều nền văn hóa, các trang viết của Thuận không chỉ dừng lại ở vấn đề quê hương hay hiện thực nơi đang sống. Chỉ cần đọc tên một số tác phẩm của Thuận, những Made in Vietnam, rồi Chinatown, Paris 11 tháng 8, hay Thang máy Sài Gòn… đã thấy sự đa dạng văn hóa hiện diện.
Các tác phẩm của Thuận xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. |
Ăn phô mai như ăn mắm tôm
Có mặt tại Hà Nội hè này, Thuận dành một buổi giao lưu với độc giả của mình tối 15/7 với chủ đề “Cùng Thuận đu đữa giữa các nền văn hóa”. Nhà văn Lê Minh Hà - khách mời, người đặt tên cho chương trình - giải thích, “đu đưa” là từ thể hiện tâm thế hớn hở, thư thái, vui sướng của người viết văn.
Với một người sống kỹ với nền hóa khác (Pháp) mà vẫn quay về với tiếng Việt đó là điều đáng nể. “Đu đưa giữa các nền văn hóa” như biểu lộ câu chuyện bếp núc của nhà văn, khi nhà văn sống giữa các nền văn hóa, liệu có “đu đưa” không, tâm trạng của nhà văn thế nào, tâm thế ra sao?...
Trả lời cho câu hỏi trọng tâm chương trình, Thuận thẳng thắn: “Tôi sống ở nền văn hóa Pháp hoàn toàn khác Việt Nam, nhưng không có gì khó khăn, có thể do tôi học tiếng Pháp từ khi còn rất nhỏ. Tôi ra nước ngoài từ nhỏ, nên sống ở Pháp không có gì cản trở”.
Khi mang trong mình nhiều nền văn hóa, với Thuận điều đó chẳng có gì để mất hay gặp khó khăn, bởi chị có thể “ăn phô mai như ăn mắm tôm”. Ngược lại, điều ấy giúp Thuận vừa có độc giả Việt lại có cả độc giả Pháp. Sống ở Pháp, nếu có điều gì tiếc với Thuận, thì đó là “tôi không được ở trực tiếp trong hiện thực Việt Nam”.
“Tuy không ở Việt Nam, tôi có thể nhìn Việt Nam từ một khoảng cách xa, tôi có thể nhìn được những cái mà những người sống trong đó không nhận ra. Tôi hy vọng như vậy”, Thuận nói.
Trong các tiểu thuyết của Thuận thường gắn với những sự kiện có độ lùi lịch sử nhất định. Điều đó khiến một vài ý kiến cho rằng, có lẽ do không trải nghiệm hiện thực Việt Nam, không đắm mình trong không khí ở đây nên chị thường bỏ qua hiện thực mà tìm đến sự kiện lịch sử.
Thuận bác bỏ quan điểm đó, bởi “Nếu bạn chỉ dùng một trải nghiệm của bạn để sống, thì bạn chỉ có thể viết được một tác phẩm mà thôi. Trải nghiệm của nhà văn là trải nghiệm bạn có thể chứng kiến, quan sát, suy ngẫm… từ đó bạn có thể hiểu được người xung quanh”.
Tới nay, di dân là đề tài mà Thuận quan tâm nhất.. Ảnh: FB nhân vật. |
Dẫn chứng đơn giản nhất có thể thấy Thuận là nữ giới, nhưng nhân vật chính của chị thường là nam giới. Với Thuận, trải nghiệm lớn nhất là trải nghiệm viết. Thuận sống xa Việt Nam, nhưng chị có cách nhìn khác về Việt Nam; cũng giống như Thuận là người gốc Việt nên có cách nhìn khác về người Pháp nhìn về Pháp.
“Tôi nhìn về Pháp khác với những gì trên tiểu thuyết, trên phim, khác những gì lấp lánh bảo tàng Lourve, tháp Eiffel mà bạn thấy qua các cuộc du lịch, trong nghệ thuật của người Pháp. Tôi muốn để người khác nhìn nước Pháp qua con mắt một người di dân như tôi”, Thuận nói.
Bởi vậy, độc giả Pháp đọc Chinatown (Phố Tầu), họ mới ồ hóa ra người di dân khó khăn như nào để có giấy tờ ở lại, họ phải đương đầu với nền hành chính quan liêu ra sao; hoặc ở Paris 11 tháng 8, trận nắng nóng làm mấy chục nghìn người cao tuổi qua đời trong 1 tuần, là sự kiện chính người Pháp không muốn nhìn nhận, nhớ lại.
Khi mang trong mình nhiều nền văn hóa, Thuận có điều kiện viết về di dân. Thuận bảo di dân là đề tài tâm huyết nhất của chị. “Tôi muốn đi sâu hơn vào đề tài này. Trong văn học Pháp đó là đề tài ít được khai thác. Người Pháp có rất nhiều thuộc địa nhưng lại rất ít viết về di dân. Đã đến lúc người Pháp hiểu di dân có quan trọng như thế nào với người Pháp”, Thuận nhận định. Trong tác phẩm của mình, Thuận không chỉ viết về vấn đề di dân của người Việt, mà có sự xuất hiện của người Latin, người Hoa…
Theo nhận định của nhà văn Lê Minh Hà, văn học viết về đề tài di dân của Việt Nam trước đó đã có rồi, điển hình như tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ. Tuy nhiên, Lê Minh Hà đánh giá, tới tác phẩm của Thuận mới có nhân vật di dân đúng nghĩa.
“Nếu ta hiểu di dân đồng nghĩa với bi kịch, ta thấy văn học Việt đã có rồi. Nhưng nếu di dân là chỉ vật vã với cơm áo, bị chồng đánh, chồng bỏ… thì ta đã chẳng ngồi đây để bàn về tác phẩm của Thuận. Cô ấy đưa ra mẫu người di dân mới, là những người không từ bỏ quá khứ, có khả năng hòa nhập người bản xứ, nhưng họ không giống người bản xứ, họ lớn hơn người bản xứ, bởi họ sống giữa hai nền văn hóa”.
Nhân vật của Thuận luôn phải trăn trở những gì đã qua, những gì đang sống, hướng tới đời sống quê nhà. Điều này gần với đời sống thế giới phẳng.
Hình thức mới là tối quan trọng khi viết tiểu thuyết
Luôn quan tâm tới vấn đề di dân, chính trị, các sự kiện lịch sử, song với Thuận khi viết tiểu thuyết, hình thức quan trọng hơn nội dung. “Tôi rất chú trọng hình thức. Nội dung là thứ tôi quan sát, chiêm nghiệm hàng ngày đi vào các ngăn bộ nhớ của tôi. Khi tìm được một hình thức tiểu thuyết thì nội dung tự đi ra theo sắp đặt của nó. Tôi buộc phải đưa ra một hình thức”, Thuận nói.
Với Thuận, mỗi tiểu thuyết là một cuộc thử nghiệm, sáng tạo về hình thức. Ảnh: FB nhân vật. |
Và mỗi một tiểu thuyết là một sáng tạo, một cuộc thử nghiệm hình thức của Thuận. Paris 11 tháng 8 là tiểu thuyết trong đó không chỉ có hư cấu, mà còn có cả phi hư cấu. Tiểu thuyết đưa vào trích đoạn báo chí nói về trận nắng nóng năm 2003, mỗi một chương đều bắt đầu bằng một trích đoạn bài báo nói về trận nắng nóng đó.
Đến T Mất tích, nhân vật T mất tích ngay từ đầu, những gì tiếp theo là những suy diễn của người ta về cô ấy, về việc tại sao cô ấy mất tích, nhân vật chính không được nói 1 lời nào trong tác phẩm.
Ở Thang máy Sài Gòn, cấu trúc tác phẩm làm sao phải có độ năng động như nhịp di chuyển của thang máy, như nhịp sống của Sài Gòn. Hay ở Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư tràn ngập số 4.
Thế còn độc giả Việt Nam của tôi thì sao?
Sống tại Pháp hơn 20 năm nay, Thuận hoàn toàn có thể viết bằng tiếng Pháp. Thực tế, chị đã dịch một số tác phẩm Pháp sang tiếng Việt như Xạ thủ nằm bắn, Ba gã cần khử, Ngôn từ, Người cha im lặng; ngay cả với những tiểu thuyết viết bằng tiếng Việt của chị khi được người khác dịch sang tiếng Pháp, chị cũng phải đọc chỉnh lại cho đúng ý.
Đủ khả năng dùng tiếng Pháp, nhưng Thuận vẫn sáng tác bằng tiếng Việt, bởi chị tin "đủ tạo ra thứ tiếng Việt của riêng mình". Ảnh: FB nhân vật. |
Thế nhưng Thuận chọn sáng tác bằng tiếng Việt. “Tôi không hiểu trong tôi có chia đều đặn một nửa là Việt, một nửa là Pháp hay không? Tôi viết hoàn toàn tự nhiên. Khi viết tôi không còn nghĩ đến độc giả nữa”, Thuận nói.
Chị kể: “Độc giả Pháp cũng hỏi 'tại sao cô không viết bằng tiếng Pháp?', lúc đó tôi thốt lên: ‘Thế còn độc giả Việt Nam thì sao? Tôi làm sao bỏ họ được’. Khi bạn viết văn bằng một ngôn ngữ, đòi hỏi 'đúng' là một đòi hỏi trung bình. Bạn phải tạo ra được ngôn ngữ của riêng bạn. Với tiếng Việt tôi làm được điều đó. Tôi tạo ra được thứ tiếng Việt của riêng tôi. Trong khi với tiếng Pháp tôi chưa làm được điều đó”.
Nhà văn Lê Minh Hà bảo, chị kính phục Thuận ở điểm này. “Rõ ràng Thuận có khả năng nắm bắt được trọn vẹn văn hóa phương Tây, có khả năng bơi lội giữa các nền văn hóa. Thuận hoàn toàn có thể viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, mà cô ấy chọn tiếng Việt- ngôn ngữ chỉ khoảng 100 triệu người sử dụng trên thế gian này, ít hơn so với cộng đồng Pháp ngữ. Lý do, đó là mảnh đất mình sinh ra mà sống chẳng được mấy ngày trong nó. Điều này làm cho tôi kính phục”.