Hàng ngày chúng ta tiếp nhận lượng thông tin khổng lồ từ các kênh truyền thông, đôi khi chúng ta tự hỏi một vụ đánh bom, biểu tình ở một đất nước bên kia bán cầu thì có liên quan gì đến chúng ta hay không?
Và chúng ta có những dự đoán gì về tương lai sau hàng loạt những thông tin sự kiện từ hiện tại đang diễn ra?
Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đã từng nghe về “hiệu ứng cánh bướm”, vậy có hay không những dự đoán gần - đúng cho tương lai chúng ta từ những dữ kiện hiện có mỗi ngày?
Siêu dự báo được Philip e. Tetlock và Dan Gardner đúc kết sau nhiều năm triển khai Dự án Phán đoán tốt (GJP), một dự án nghiên cứu về dự báo được Cơ quan Hoạt động Dự án Nghiên cứu Tình báo Công nghệ cao Hoa Kỳ (IARPA) tài trợ.
Dự báo không phải là công việc có nguyên tắc nhưng các nhà siêu dự báo thường xử lý các câu hỏi theo cách tương đối giống nhau và bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể làm theo.
Sách Siêu dự báo. |
Chúng ta sống trong một thế giới mà hành động của một kẻ gần như bất lực cũng có thể tạo thành gợn sóng ảnh hưởng đến cả thế giới - những gợn sóng tác động đến chúng ta ở mọi mức độ khác nhau.
Cuộc sống này chẳng có điều gì chắc chắn, ngay cả cái chết và thuế - nếu ta đặt ra một khả năng sẽ có những phát minh công nghệ giúp ta “tải” những nội dung trong não bộ lên một mạng lưới điện toán đám mây, vậy hiện thực giống với đồng hồ chạy từng phút từng giây hay giống đám mây? Tương lai có thể dự đoán được không?
Đây là những sự lưỡng phân sai lầm, cũng là điều đầu tiên trong rất nhiều trường hợp mà chúng ta bắt gặp. Chúng ta sống trong thế giới của những đám mây và đồng hồ, cùng vô vàn những kiểu ẩn dụ khác. “Dự báo được” và “không dự báo được” cùng tồn tại một cách nhập nhằng và phức tạp, trong những hệ thống đan cài tạo nên thực thể, xã hội của chúng ta và cả vũ trụ.
Khả năng dự báo được của một điều gì đó sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta cố gắng dự báo thứ gì, trong một tương lai xa đến đâu và trong hoàn cảnh nào. Mua nhà, mua đất, đầu tư chứng khoán, kết hôn… đều là những quyết định quan trọng trong cuộc đời mỗi người, vậy hãy thử dự đoán những hiện tượng có thể xảy ra trong tương lai mình bằng những phân tích hợp lý nhất có thể.
Hãy chia vấn đề thành những thứ chúng ta có thể biết và không thể biết. Hãy thể hiện và kiểm tra các giả định của bạn. Dám chấp nhận sai lầm bằng cách đưa ra những phán đoán tốt nhất của bạn. Thà bạn phát hiện mình sai một cách nhanh chóng còn hơn che giấu chúng dưới những lời nói mông lung lòng vòng.
Việc cập nhật niềm tin có lợi cho dự báo giống như việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa làm sạch chân răng rất tốt cho vệ sinh răng miệng. Đó có thể là công việc nhàm chán, đôi khi bất tiện, nhưng sẽ mang lại lợi ích trong dài hạn. Tuy nhiên, không nên cho rằng cập nhật niềm tin luôn là việc dễ dàng chỉ vì đôi khi ta thấy như vậy. Kỹ năng cập nhật khôn ngoan đòi hỏi khả năng nhận ra những dấu hiệu rất tinh vi từ dòng chảy thông tin ào ạt - trong khi vẫn phải chống lại sự cám dỗ của kiểu tư duy mà ta yêu thích.
Các nhà siêu dự báo hiểu được rủi ro trong việc vội vàng đưa ra phán đoán và nghiền ngẫm quá lâu về khả năng “có thể”. Họ thường kiểm soát việc đánh đổi giữa nhu cầu có quan điểm nhất quán, nhận ra tính chính xác dài hạn đòi hỏi phải có cả sự hiệu chuẩn và phân giải tốt - và như vậy họ phải vượt ra khỏi trò tung hứng đổ lỗi qua lại. Nếu họ chỉ cố gắng tránh những sai lầm trước mắt thì không đủ. Họ phải tìm ra những cách sáng tạo để khắc phục hai lỗi sai trong dự báo - lỡ mất sự kiện quan trọng và báo động giả, phải khắc phục được đến mức độ mà các tiến bộ gây tranh cãi về tính chính xác sẽ được chấp nhận trong thế giới dễ dao động này.
Phillip e.Tetlock - đồng tác giả sách. |
Siêu dự báo sẽ giúp người đọc có những tư duy đa chiều, nhìn từ ngoài vào và từ trong ra cùng một dữ kiện, giúp cho người đọc có cái nhìn tổng quan nhất về thế giới cũng như những sai lầm của những nhà dự đoán nổi tiếng, để nhận biết được cuộc sống nhỏ bé của mình tràn ngập những hoài nghi, để trở thành người biến hoài nghi thành vốn sống cho tương lai mình bằng cách dự đoán dần-đúng nhất.
Cuộc đời luôn mang đến những bất ngờ, mà ta thường gọi đó là ngẫu nhiên của đời sống. Nhưng để có những ngẫu nhiên dự đoán được để mang đến lợi ích thiết thực cho chính cuộc sống, không phải ai cũng làm được. Với việc chờ đợi cho sự ngẫu nhiên gõ cửa nhà bạn và việc mở cửa đón chào những khả năng tích cực thì bạn chọn phương án nào cho cuộc đời mình?