Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thú vui mới của thiếu gia Quốc Cường Gia Lai hot nhất tuần

Chân dung đằng sau mác doanh nhân mê siêu xe của Nguyễn Quốc Cường, kinh doanh cua bẩn, thịt siêu rẻ ngập chợ Hà Nội... là những thông tin thị trường được chú ý nhất tuần qua.

Những điều ít biết về thiếu gia Quốc Cường Gia Lai

Vốn gắn liền với mác thiếu gia mê siêu xe, Nguyễn Quốc Cường - phó tổng giám đốc công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai - còn được giới kinh doanh biết đến với mức lương chỉ 3 triệu đồng/tháng và tính cách "không chịu nổi áp lực khách hàng la mắng, nói nặng nói nhẹ". Dù là người đồng hành, sâu sát với công ty, nhưng vị phó tổng này trong mắt người mẹ, bà chủ QCG Nguyễn Thị Như Loan, chỉ phù hợp để lo "vòng ngoài", chứ không thể đối đáp hợp đồng, thuyết phục khách...

Tuy nhiên, rất ít người biết rằng ngoài hình ảnh doanh nhân mê siêu xe tràn ngập truyền thông, Nguyễn Quốc Cường còn là một blogger gần gũi và nhà tài trợ thầm lặng. Không chỉ sẵn sàng kết bạn với bất cứ ai gửi yêu cầu kết bạn trên trang cá nhân, chăm chỉ trả lời những comment viết cho mình mà vị này còn là một trong ba nhà tài trợ tiêu biểu cho một dự án xã hội chuyên giúp đỡ sinh viên nghèo với số tiền 21,5 triệu đồng cho 9 trường hợp. Chọn cách chia sẻ trên trang cá nhân thay vì rầm rộ báo chí, Nguyễn Quốc Cường dường như cho thấy một hình ảnh khác phía sau cái mác doanh nhân mê siêu xe vốn luôn bóng nhoáng và hứng nhiều "gạch đá".

Cua đồng giả trộn bùn, hóa chất

Nắm được thị hiếu của người mua ưa cua đồng thay vì cua nuôi, nhiều người đã trộn cua vào bùn đất để chúng trông lấm lem, hút khách hơn. Còn nếu bắt cua đồng chính hiệu, người dân Quảng Bình lại có công nghệ nguy hiểm là xịt thuốc trừ sâu xuống ruộng, bắt cua phải ngoi lên bờ.

Cua, ghẹ tươi sống không dễ tìm nhưng một khi được người bán sơ chế, ngay cả những con đã chết, mất càng hay rụng mai vẫn có thể tươi rói như bình thường. Nước ngâm "làm đẹp" cua thường là hỗn hợp của hàn the, bột ngọt, hóa chất, Trong khi gạch cua giả chế từ lòng đỏ trứng, bột mì, chất bảo quản được bơm trực tiếp vào thân mà không lo cua chết, thối mai.

Riêng với món ăn làm từ cua nổi tiếng là bún riêu, để có thể bán với giá chỉ 20.000 đồng/bát mà vẫn có lãi, nhiều người sử dụng công thức 8 phần đậu phụ dầm nát, 2 phần cua, một ít hành khô rồi đem xào lẫn để vị cua ngấm vào phần đậu phụ dầm. Nước bún vàng màu gạch sẽ được làm giả bằng phẩm màu công nghiệp chung dùng cho sơn, dầu đánh bàn ghế với giá chỉ 50.000 đồng/kg.

Ông chủ Đại Nam và vụ kiện hy hữu với tỉnh Bình Dương

Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng - chủ khu du lịch Đại Nam mới đây đã đứng ra tố cáo, kiện Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương lên Thủ tướng Chính phủ về những vi phạm, những kiểu 'hành' doanh nghiệp của vị lãnh đạo này. Theo ông chủ khu du lịch Đại Nam, bản quy hoạch chi tiết 1/500 của khu công nghiệp Sóng Thần 3 đã được trình lên cơ quan thẩm quyền nhưng đã qua 7 năm mà bản quy hoạch không được duyệt, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngày 30/10, báo cáo của tỉnh Bình Dương về vụ kiện của ông Huỳnh Uy Dũng đã gửi lên Chính phủ. Theo đó, việc tỉnh Bình Dương không xem xét bản quy hoạch mà doanh nghiệp trình lên do nó phá vỡ quy hoạch chung của khu liên hợp theo đề án được Thủ tướng phê duyệt. Việc khiếu kiện của ông Dũng được cho là nhằm hợp thức hóa việc nhận tiền từ việc phân lô bán đất nền trong dự án khi chưa được phép, đổ lỗi cho tỉnh.

Giải trình về thông tin làm sai pháp luật, ông chủ Đại Nam cho biết đến nay chưa có cơ quan nào của tỉnh có văn bản chính thức thông báo cho doanh nghiệp về việc làm sai quy định khi thực hiện hình thức hợp đồng góp vốn. Ngay cả khi đã có thông tin doanh nghiệp phân lô bán đất nền, đoàn kiểm tra của tỉnh đã xem xét và khẳng định Đại Nam làm đúng pháp luật.

Đổ xô thu mua ốc bươu vàng bán cho thương lái

Khoảng 2-3 tháng này, tại địa bàn một số địa phương miền bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc... xuất hiện tình trạng người dân bỏ đồng, bỏ việc, đổ xô đi bắt ốc bươu vàng. Mỗi kg ốc qua sơ chế, bỏ vỏ có giá từ 19.000 đồng đến 23.000 đồng. Với mức giá này, nhiều gia đình có thu nhập 1 triệu đồng/ngày, thậm chí hàng chục triệu đồng. Trong khi đó, người tiêu dùng lo ngại, số ốc bươu vàng khổng lồ này được thu mua để bán cho các quán bún ốc tại Hà Nội, TP.HCM.

Hệ quả của việc thu mua, sơ chế ốc bươu vàng tự phát đã khiến nhiều con đường, kênh mương, bờ đê tại khu vực Hà Nội ngập tràn vỏ ốc, bốc mùi hôi thối, gây tắc dòng chảy. Trước tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo UBND các địa phương quyết liệt ngăn chặn tình trạng buôn bán, nhân nuôi diện rộng loại ốc gây hại lớn đến sản xuất nông nghiệp này.

Chợ Hà Nội ngập thịt siêu rẻ

Tại một số khu vực chợ cóc gần gầm cầu đường sắt Thăng Long, chợ Vồ, Quang Trung hay chợ Ba La, Hà Đông, nhiều tiểu thương đã tập trung bán thịt giá rẻ. Ở đây có đủ loại thực phẩm, từ thịt lợn, thịt bò, thịt chó đến cá, trứng, hoa quả với mức giá chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng một phần ba so với bình thường.

Hầu hết các loại thịt này đều đã biến màu, có mùi lạ, bị côn trùng bâu và được bày bán tạm bợ trên những bao tải dứa hoặc vải nhựa trải trực tiếp trên nền đất. Theo các chủ kinh doanh tại chợ, hàng bán tại đây là hàng buổi sáng còn thừa, nhưng do nhà không có tu lạnh để bảo quản nên phải chịu bán lỗ.

Muốn vào chợ, chủ thương phải chi tiền cho nhóm người tự xưng là bảo vệ với mức 5.000 đồng đến 10.000 đồng/chỗ/ngày. Khách hàng của các khu chợ này chủ yếu là sinh viên, người dân sống quanh khu vực, với số lượng có khi lên tới vài chục kg.

T.A (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm